Liên kết sáu nhà

Chế biến chuyên sâu để tránh phải “giải cứu”

Nguyên Đức - 07:39 28/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chưa đầy một năm, sau những thông tin xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhiều loại nông sản giá trị ở Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ đã gia tăng diện tích trồng. Để rồi đến nay, khi hoạt động thu mua có dấu hiệu chững lại, và mùa vụ 2023 dự báo trắc trở, người nông dân lại hoang mang không biết nên làm gì. Phải chăng đây là cơ hội kêu gọi đầu tư chế biến chuyên sâu cho nông sản?

Vấn đề này không phải đến hiện tại mới đặt ra, mà hơn 3 năm trước, khi thương lái “tháo chạy” khỏi những cánh đồng dưa, dứa ở miền Trung, từ chối nhiều sản lượng thanh long, nho ở vùng cát Ninh Thuận, Bình Thuận, đã có những chuyên gia nông nghiệp lên tiếng “kêu cứu” cho người nông dân. Thay vì kêu gọi “giải cứu” một cách mỏi mệt từ thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của các loại nông sản, ngành Nông nghiệp cần được đầu tư công nghiệp chế biến chuyên sâu, mở một cánh cửa lớn cho năng lực sản xuất nông sản.
Đầu tư đoán trước nông vụ
Ngay tại Lễ hội Cafe Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (tháng 3/2023), một đại diện lãnh đạo huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã đưa ra lời cảnh báo và yêu cầu địa phương lập tức quan tâm về chế biến nông sản chuyên sâu. Theo lãnh đạo này, sau khi trái sầu riêng được cấp mã chứng nhận vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, nhiều nông dân đã chặt hạ hồ tiêu, cafe để trồng sầu riêng. Đến nay, diện tích sầu riêng ở Đắk Lắk và cả Tây Nguyên tăng nhanh, dự báo 3 năm nữa, sản lượng sẽ tăng vọt. Nếu vào thời điểm đó, thị trường “bão hòa”, thương lái không thu mua thì nông dân phải tính thế nào? Đối chiếu lại với café, nếu trong mùa vụ 2023 này, với những tác động truyền thông cơ hội, loại nông sản này tiêu thụ tốt, thì có phải qua năm 2024, người nông dân sẽ lại ồ ạt trồng café, và thị trường sẽ sớm đứng trước cảnh café “bội thực” xuất khẩu.

Mấy năm nay cây sầu riêng liên tục nắm giữ vị thế dẫn đầu về thu nhập trong dòng cây ăn trái và cây công nghiệp ở Tây Nguyên. Ảnh Bảo Lâm
Theo Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, diễn biến thông tin thị trường trong bối cảnh xã hội công nghệ số hiện nay, là rất nhanh. Nên người nông dân hiện tại đã phải đối mặt với rất nhiều chọn lựa “có tính sống còn”. Nếu “chậm chân”, nông sản làm ra không đủ đáp ứng các đơn hàng. Nếu “nhanh nhảu đoảng”, nông dân lại bế tắc đầu ra tiêu thụ. Vậy làm sao người nông dân đoán được thời cơ và thách thức để kiên định với loại nông sản ưu thế, trong khi quanh họ đầy thông tin thời thế phức tạp? Chỉ có một giải pháp, là các cơ quan chuyên môn, quản lý chức năng phải đặt ra những bài toán đầu tư đoán trước nông vụ.
“Nói thì dễ, thực tế khó. Ngành Nông nghiệp với bài toán nông sản đầu ra đã loay hoay nhiều năm, đã thấy rõ quan hệ kết nối bốn bên: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nhưng để mối quan hệ liên kết này đi vào thực chất, nhất là công tác vận động đầu tư chế biến nông sản chuyên sâu được hiệu quả, câu chuyện không chỉ có ngành Nông nghiệp xử lý được” - ông Dương Tiến Đức, cán bộ phụ trách Chương trình Nông thôn mới Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thổ lộ như vậy.
Cần một hợp tác đa ngành
Hình dung của những người trong cuộc rất rõ ràng. Các loại nông sản đặc thù ở Tây Nguyên hay miền Tây Nam bộ có diện tích lớn, khi được tổ chức chuyên canh, theo các mã vùng xuất khẩu, sẽ có sản lượng lớn. Nếu các địa phương vận động tìm kiếm các nhà đầu tư chế biến chuyên sâu, hỗ trợ các dự án xây dựng những nhà máy công nghiệp chế biến, sẽ đón đầu được lượng nông sản này.
Đơn giản như sầu riêng, cafe, khi có sản lượng lớn, công nghiệp chế biến chuyên sâu sau thu hoạch sẽ có được nhiều sản phẩm thị trường. Thay vì chỉ xuất khẩu hạt cafe nhân, sầu riêng nguyên trái, các địa phương sẽ có những nhà máy chế biến thực phẩm từ nguyên liệu sầu riêng, cafe, làm tăng giá trị nông sản, hướng đúng vào năng lực công nghiệp địa phương. Khi hạt cafe không chỉ còn dùng để pha chế cafe, mà có thể làm thành bánh kẹo, hương liệu, giá thành sẽ cao gấp nhiều lần hiện tại, đem lại lợi ích to lớn cho người nông dân canh tác.

Chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh Bảo Lâm
Như thế, nếu các địa phương cùng vận động, xúc tiến đầu tư vào công nghiệp  chế biến chuyên sâu, trong một thời gian ngắn sắp tới, những nguy cơ thị trường dư thừa sản lượng nông sản từ diện tích gia tăng sẽ không còn. Đồng thời, giá trị hàng hóa nông sản địa phương chắc chắn sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, để vận động được hướng đầu tư chế biến chuyên sâu, mối quan hệ tổ chức canh nông của các địa phương sẽ phải thay đổi. Đây là vấn đề cần một hợp tác đa ngành, trước mắt cần liên kết cả bốn nhà trong canh tác nông nghiệp. Đó là người nông dân phải canh tác đạt các yêu cầu kỹ thuật, được hướng dẫn khoa học để nắm bắt đúng tiêu chuẩn thời vụ, chất lượng giống cây trồng, các phương án thu hoạch, bảo quản… để có được nông sản chất lượng đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến chuyên sâu. Những tiêu chuẩn này thực sự khắt khe, cần có chính sách triển khai từ nhà quản lý, và hợp tác tiêu thụ ổn định từ nhà doanh nghiệp. Tùy theo chất lượng nông sản, nhà doanh nghiệp sẽ áp dụng các khung giá thu mua, với sự giám sát hỗ trợ của các tổ chức như Hội Nông dân để đảm bảo sự khách quan. Đơn cử một trái sầu riêng sẽ nặng bao nhiêu, có bao nhiêu phần trăm thịt quả, chất lượng như thế nào để ép ra bơ sầu riêng đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chuyên sâu?
Rõ ràng những quan hệ tương tác này, đòi hỏi sự vận động chung của nhiều đơn vị và ngành sản xuất, kinh doanh liên quan mảng nông sản. Điều này lý giải tại sao ở cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển nông sản Tây Nguyên áp dụng tại Buôn Ma Thuột, nhà làm chính sách đã có hẳn những tiêu chí xúc tiến, đãi ngộ đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến và sản xuất nông sản. Câu chuyện kêu gọi đầu tư chế biến chuyên sâu nông sản, vì thế càng rất cần được quan tâm. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác