Liên kết sáu nhà

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp - con đường phát triển bền vững của APEC

Công Duy - 10:35 25/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vì sự bền vững và thịnh vượng chung trong các nền kinh tế APEC, ngày 24/10 tại Hà Nội, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và Văn phòng Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) - Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC”.

Mô hình kinh tế tuần hoàn  được mở rộng, có kết quả tích cực

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào năm 1989, bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, trải dài từ khu vực châu Á đến châu Mỹ. Khu vực APEC chiếm tới khoảng 60% GDP toàn cầu và hơn 40% thương mại quốc tế. Điều này khẳng định vị thế quan trọng của APEC trong việc định hình xu hướng phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu.

Mục tiêu chính của APEC là thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực. Sự đa dạng của các nền kinh tế tạo nên một đặc trưng riêng biệt của APEC, khi cả hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Trong tiến trình phát triển APEC luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho các quốc gia học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong phát triển bền vững. Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC” nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững thông qua nâng cao năng lực của các nền kinh tế APEC trên cơ sở chia sẻ kiến thức và trao đổi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp tuần hoàn (CA), đặc biệt là trong nông sản thực phẩm và thủy sản nhằm bảo vệ chất lượng cuộc sống thông qua tăng trưởng thân thiện với môi trường, tăng cường tính năng động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà sản xuất quy mô nhỏ cũng như thúc đẩy sự hội nhập vào thị trường toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 24-25/10/2024 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên APEC, trong đó khoảng 30 đại biểu quốc tế và 40 đại biểu Việt Nam (bao gồm đại diện các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT; các Viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan; các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, doanh nghiệp), tập trung vào 03 nội dung chính: (1) Thực trạng phát triển, tầm quan trọng, lợi ích và các chính sách liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác; (2) Chia sẻ một số mô hình thực hành tốt về nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông sản thực phẩm và thủy sản của Việt Nam; (3) Lộ trình và khuyến nghị phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác với 4 phiên thảo luận.

Theo Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các cam kết tại các Hội nghị/diễn đàn quốc tế và hàng loạt các chính sách trong nước liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn đã được ban hành như: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp đến năm 2030, v.v… thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, có trách nhiệm với cả thiên nhiên và con người, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Từ mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp giản đơn nhất xuất hiện từ  thập niên 80 là mô hình vườn – ao – chuồng (VAC), kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, đến nay tại Việt Nam, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được mở rộng, phát triển khá phong phú, kết hợp đa dạng trong các lĩnh vực và triển khai rộng khắp các địa phương như: Mô hình vườn – ao – chuồng – biogas, vườn – ao – chuồng – rừng và vườn – ao – hồ;  Mô hình “lúa, tôm” và “lúa, cá”, Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả;  Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp; Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer); Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại nuôi bò sữa, mô hình xử lý chất thải nông nghiệp để xuất năng lượng sinh học, sản xuất phân bón hữu cơ  phục vụ sản xuất và đời sống, tạo nguồn thu nhập. Các mô hình này được triển khai đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân.

Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững cho các thành viên APEC

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, thách thức trong phát triển kinh tế; sự cạn kiệt về tài nguyên; sự gia tăng nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm; vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu không chỉ đối với khu vực APEC mà còn là vấn đề toàn cầu đang phải đối mặt. Nhấn mạnh đến nông nghiệp là một trong những cấu phần quan trọng của nền kinh tế, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho rằng, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý sẽ góp phần gia tăng hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Việc giải quyết những vấn đề này không còn nằm trong phạm vi ranh giới một quốc gia hay nền kinh tế nào mà đòi hỏi phải có hành động tập thể và ngay lập tức từ các nền kinh tế.

“Mục tiêu chính của APEC là thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực. Sự đa dạng của các nền kinh tế tạo nên một đặc trưng riêng biệt của APEC, khi cả hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng bền vững và bao trùm. Không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp tuần hoàn như một nỗ lực để giải quyết các vấn đề về môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế  nhanh, bao trùm và bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn này, ông Saso Martinov, Cố vấn kỹ thuật trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, phụ trách nông nghiệp khu vực Mê kông cho rằng, để giải quyết các thách thức này, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với các nền kinh tế trên thế giới trong đó có APEC. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên và lượng phế thải tạo ra từ đó nâng cao giá trị kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm tác động gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy kết nối với các hoạt động kinh tế khác nhau tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Ông Saso Martinov cho rằng, các quốc gia phát triển nông nghiệp tuần hoàn cần đa dạng hóa cây trồng, gia tăng giá trị nông sản.

“Chuyển đổi từ kinh tế truyền thống (tuyến tính) sang kinh tế tuần hoàn cần có nguồn tài chính quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, mô hình kinh doanh mới và quan trọng là thay đổi về nhận thức sản xuất mang tính bền vững, tuần hoàn, nâng cao chất lượng, sản xuất sạch, Xanh. Nhiều quốc gia đã và đang tập trung cho việc đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm nông nghiệp cũng như tái chế được các phụ phẩm trong nông nghiệp, góp phần giảm phát thải ra môi trường” - Ông Saso Martinov đánh giá.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ về khung pháp lý, chiến lược, phương pháp quốc gia và các lựa chọn chính sách hiện có cho hệ thống thực phẩm nông nghiệp trong các nền kinh tế APEC; triển khai các can thiệp kinh tế tuần hoàn trong thực hành nông nghiệp; xây dựng mạng lưới để thúc đẩy tính bền vững trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp; áp dụng các đổi mới kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác