Chi phí logictics chiếm 12% giá thành ngành Thủy sản, 23% đồ gỗ, 29% rau quả
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong 5 năm gần đây, ngành Logistics của Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 14-16%. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng logistics được nâng cao, số lượng doanh nghiệp logistics phát triển nhanh. Đặc điểm của logistics vùng Đông Nam bộ là tập trung nhiều doanh nghiệp logistics, nhiều kho lạnh nhất cả nước. Đây là vùng có hạ tầng logistics đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải.
Vùng Đông Nam bộ từ lâu đã hình thành các trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho nông, lâm, thủy sản. Vùng này đã phát triển mạnh các loại cây công nghiệp và chăn nuôi. Hệ thống phân phối hiện đại có quy mô lớn nhất, đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ đang bị quá tải và thiếu kết nối do chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả, thiếu kết nối giữa đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Trong khi đó, các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ và thiếu nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với thế mạnh đường thủy nội địa với 23.000km có khả năng khai thác vận tải, kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ qua bốn phương thức vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không đã và đang hình thành các khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đầu tư khai thác đúng mức đường thủy nội địa, hệ thống cảng còn lạc hậu và khó mở rộng; thiếu hạ tầng trung tâm logistics như kho bãi, các hệ thống trung tâm vệ tinh, bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn, kho lạnh; phần lớn các dịch vụ logistics còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối giữa các phương thức vận tải.
Đối với ngành Nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, logistics nông sản chưa phát triển đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực. Một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương cho các vùng và cho cả nước thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.Ngoài ra, tại các cửa khẩu hay các cảng lớn, cơ sở hạ tầng kém, bãi tập kết hàng hóa nông sản không bảo đảm, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên.
Theo thống kê, chi phí cho logistics nông lâm thủy sản vẫn chiếm tỷ lệ cao do trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả... Tỷ lệ tổn thất và thất thoát sau thu hoạch trung bình của nông sản Việt Nam lớn, khoảng 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Một trong những hạn chế của logistics nông nghiệp là ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp. Chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn thiếu; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…
Để logistics là động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, các đại biểu cho rằng cần phải phát triển hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030” là rất cần thiết.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ, đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề xuất thực hiện ba dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông lâm thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; Thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông lâm thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; Thiết lập chuỗi logistics nông lâm thủy sản đường hàng không kết nối thị trường Asean, Trung Quốc, trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets, trong đó, miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của dịch vụ logistics của miền Nam trong chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trên cả nước. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh tập trung nhiều doanh nghiệp có kho lạnh nhất. Đáng chú ý, nơi đây có tới 4 kho lạnh có quy mô trong khoảng 50.000m² đến 200.000m². Thành phố là thị trường tiêu thụ thực phẩm khổng lồ, kéo theo nhu cầu bảo quản thực phẩm tăng cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là ngành mới, nhiều tiềm năng. Hiện nay, chủ trương, cơ chế, chính sách đã có nhưng áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics liên quan chưa đáp ứng. Do đó, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống logistics nội địa, trung tâm vùng, trọng tâm là khu vực phía Nam. Đối với nông sản, khó nhất và lớn nhất là đầu tư các hệ thống kho lạnh. TP. Hồ Chí Minh sẽ làm thí điểm trung tâm logistics nông sản.