Thực hiện chính sách tín dụng hiệu quả giúp nông dân thoát nghèo
Chủ trì hội nghị có ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); ông Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Cùng tham dự có lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội: Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; lãnh đạo các ban, đơn vị có liên quan.
Kết quả từ hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cho biết, thông qua việc tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện hoạt động ủy thác trong 6 tháng đầu năm 2024, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hoạt động ủy thác những tháng cuối năm, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra.
Trong 6 tháng đầu năm, bánh sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản trị của Ngân hàng CSXH đã tập trung lãnh đạo triển khai các hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt được nhiều quả tích cực; trong đó Ngân hàng CSXH đã thực hiện tốt phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội để người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng, thuận lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp các hộ vay vốn cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo; đồng thời tập hợp được đông đảo hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia vào tổ chức Hội, từ đó góp phần đưa tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh.
Ông Phạm Tiến Nam cũng đề nghị các đại biểu dự hội nghị tích cực tham gia đóng góp những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Văn bản thoả thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021 về uỷ thác cho vay Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Về kết quả phối hợp triển khai các văn bản của Ngân hàng CSXH; các tổ chức chính trị - xã hội đang gặp phải khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, các đề xuất kiến nghị của người dân, tổ chức Hội, Ngân hàng CSXH...
Báo cáo về kết quả thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 6 tháng đầu năm 2024, bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc Ban Tín dụng hộ nghèo của Ngân hàng CSXH cho biết, tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 348.942 tỷ đồng, chiếm 99,49% tổng dư nợ, tăng 18.813 tỷ đồng so với năm 2023; nợ quá hạn 691 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ uỷ thác, tăng 192 tỷ đồng so với năm 2023; nợ khoanh 1.219 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng dư nợ, giảm 103 tỷ đồng so với năm 2023; với 168.568 Tổ TK&VV và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 84,9% với số dư 7.164 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,53 triệu đồng/tổ viên.
Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ đạt 132.550 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ ủy thác, tăng 6.736 tỷ đồng so với cuối năm 2023; nợ quá hạn chiếm 0,16%, nợ khoanh chiếm 0,28% tổng dư nợ nhận ủy thác của Hội; quản lý 61.881 Tổ TK&VV với gần 2,6 triệu khách hàng; tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 87,03% với số dư 7.164 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,73 triệu đồng/tổ viên.
Dư nợ ủy thác qua Hội NDVN đạt 103.558 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng dư nợ ủy thác, tăng 5.443 tỷ đồng so với cuối năm 2023; nợ quá hạn chiếm 0,2%, nợ khoanh chiếm 0,35% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 51.003 Tổ TK&VV với hơn 2 triệu khách hàng; tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 84,1% với số dư 5.011 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,38 triệu đồng/tổ viên.
Dư nợ ủy thác qua Hội Cựu Chiến binh đạt 60.966 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.618 tỷ đồng so với cuối năm 2023; nợ quá hạn chiếm 0,23%, nợ khoanh chiếm 0,4% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 30.384 Tổ TK&VV với gần 1,2 triệu khách hàng; tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 83,99% với số dư 2.993 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,48 triệu đồng/tổ viên.
Dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt 51.868 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.016 tỷ đồng so với cuối năm 2023; nợ quá hạn chiếm 0,26%, nợ khoanh chiếm 0,47% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 25.300 Tổ TK&VV với trên 1 triệu khách hàng; tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 82,18% với số dư 2.468 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,4 triệu đồng/tổ viên.
Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác ủy thác vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như các tổ chức chính trị xã hội các cấp chưa quan tâm thực hiện lồng ghép, gắn hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động cho vay, dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả vốn vay; Thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay không đảm bảo số lượng và chất lượng; còn tình trạng Hội không đi kiểm tra trực tiếp hộ vay, giao Tổ trưởng Tổ TK&VV lấy chữ ký của khách hàng hoặc tự lập phiếu kiểm tra nên không phản ánh đúng thực trạng sử dụng vốn vay; việc phối hợp cập nhật kết quả kiểm tra lên phần mềm ứng dụng chưa kịp thời, đầy đủ; chưa chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp xử lý đối với khách hàng đi khỏi nơi cư trú…
Tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ nông dân hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN) cho biết, liên quan đến thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư năm 2014 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, T.Ư Hội NDVN đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân thuộc hệ thống Ngân hàng CSXH có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác… Bà Hoa cũng kiến nghị, Ngân hàng CSXH cần nâng cao phụ cấp cho trưởng thôn tham gia các hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ủy thác còn khó khăn như nhập kết quả kiểm tra giám sát vào hệ thống phần mềm, vì vậy, rất cần sự phối hợp hỗ trợ của Ngân hàng CSXH cho cán bộ Hội các cấp.
Đồng quan điểm này, đại diện lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng cho rằng: Ở một số nơi, có Tổ trưởng Tổ TKVV của Hội Cựu chiến binh là kiêm luôn trưởng bản, mình không khuyến khích nhưng cũng không quá khắt khe nếu họ làm tốt. Đối với cựu chiến binh thì đều là những người tuổi cao, sức khỏe hạn chế, nên việc tiếp cận chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật hoạt động ủy thác lên hệ thống phần mền còn khó khăn nên cần có sự thích ứng dần dần và hỗ trợ cụ thể.
Bên cạnh đó, trong thực tế hoạt động, ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, một số đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có thể ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn nhưng họ lại không có nhu cầu hoặc không dám vay vốn bởi vì họ thiếu kỹ năng sản xuất, vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ cả vể vốn và phương thức canh tác. Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH cần mở rộng đối tượng cho vay đối với những hộ có thu nhập trung bình để giúp cho các hộ có điều kiện làm giàu, nâng cao thu nhập.
Bà Đào Mai Hoa – đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất: Trong quá trình đi kiểm tra thực tế của các chi hội phụ nữ ở cơ sở cho thấy, nhu cầu vay vốn của hội viên để giải quyết việc làm rất cao, vì vậy mong muốn tăng Ngân hàng CSXH có kiến nghị với Chính phủ có thêm các chương trình đặc thù đối với các hội, đoàn thể để hỗ trợ hội viên phát triển. Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra giám sát nhất là câu chuyện nhập liệu vào hệ thống, liên quan đến chuyển đối số đã triển khai thực hiện đến cấp cơ sở, tuy nhiên ở nhiều cơ sở Hội còn thiếu phương tiện để tham gia vào quá trình này.
Theo lãnh đạo đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì giải quyết vấn đề việc làm hiện nay là rất quan trọng đối với thanh niên nông thôn, Ngân hàng CSXH góp phần hỗ trợ cho các thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên đã hợp tác triển khai đến nhiều thanh niên, nhờ đó xuất hiện nhiều thanh niên làm giàu, sản xuất giỏi, được giải thưởng Lương Định Của… Trong thời gian tới, đề nghị Ngân hàng CSXH mở rộng đối tượng vay vốn đối với những hộ mới thoát nghèo, và nâng mức cho vay đề phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng giám sát, quản lý cho cán bộ các tổ chức hội.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị xã hội; những kiến nghị, đề xuất, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH nhận định, 6 tháng đầu năm đã tiếp tục phát huy kết quả của những năm trước, tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, góp phần giải tòa cơn khát tín dụng về vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng chủ động đưa ra kế hoạch để đảm bảo nguồn vốn vay, an toàn vốn trong hoạt động ủy thác.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tham mưu đề xuất đóng góp ý kiến với Chính phủ, Ban Bí thư để có nhiều chính sách phù hợp, có lợi cho hội viên, nông dân. Trong thời gian còn lại của năm 2024, mong muốn các tổ chức hội tiếp tục thực hiện giải ngân đảm bảo theo đúng kế hoạch” – ông Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ.
Đối với cho vay nhà ở xã hội, các tổ chức hội phối hợp để tổ chức tuyên truyền, thông tin đến người dân được biết nắm bắt thông tin về chính sách này. Bên cạnh đó, Ngân hàng và các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra giám sát; cầm tay chỉ việc, tổ chức tập huấn để làm tốt tín dụng chính sách.
Việc đề xuất mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình, Ngân hàng CSXH sẽ ưu tiên cho các hộ tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc tham gia vào HTX sản xuất các sản phẩm OCOP… đây là trách nhiệm của ngân hàng chính sách và các tổ chức. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp thêm ý kiến đối với Chính phủ, Ban Bí thư để huy động tăng thêm nguồn vốn, góp phần đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH hoạt động hiệu quả hơn.