Cho lợn ăn thảo dược nông dân thu lãi lớn
Bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2017, nhưng phải đến năm 2019 sau khi áp dụng cho lợn ăn bằng thảo dược: Sâm cát linh, đinh lăng, quế, hồi, tỏi, thảo quả… phối trộn với cám gạo, ngô, đậu tương nấu chín để chăn nuôi thì thành công mới mỉm cười với hội viên nông dân Nguyễn Ngọc Sáng.
Cũng như bao người nông dân khác trên mảnh đất hình chữ “S” Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sáng đã lựa chọn chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2017 ông Sáng đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn siêu nạc với quy mô 100 con. Nhưng “cơn bão giá lợn” khiến giá lợn thịt đang từ 57.000 đồng/kg tụt xuống 18.000 đồng/kg cùng với đó là dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp hoành hành, khiến cho trang trại của ông Sáng kiệt quệ, mọi thứ gần như trở lại với con số 0.
Để tìm ra giải pháp ứng phó lâu dài và chắc chắn, ông Sáng và các hộ chăn nuôi ở xã Đông Thọ đã cùng ngồi lại với nhau bàn bạc giải pháp để làm giảm giá thành của lợn xuống. Từ việc phải liên kết lại với nhau để giảm giá thành từ đầu vào con giống, tự chủ nguồn lợn giống… và "vũ khí" bí mật được thống nhất, đó chính là thay đổi nguồn thức ăn cho lợn.
Nếu như trước đây nguồn thức ăn cho lợn được nhập từ các Nhà máy công nghiệp, thì nay đã được thay thế bằng việc đầu tư máy nghiền để tận dụng sản phẩm nông nghiệp địa phương tại chỗ phối trộn làm cám chăn nuôi theo công thức riêng của từng độ tuổi của lợn.
Khi áp dụng vào thực tế nguồn thức ăn này đã giúp gia đình ông Sáng và các hộ nông dân chăn nuôi lợn xã Đông Thọ giảm 5-10% chi phí so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp trang trại lợn nhà ông Sáng lãi 1 nghìn đồng/kg lợn thịt ngay cả khi lợn thịt xuống tới 30.000 đồng/kg, tạm vượt qua đợt “khủng hoảng” giá.
Về công thức nuôi lợn bằng thảo dược ông Sáng chia sẻ: Để có được công thức nuôi lợn như hiện nay, chúng tôi phải mua công thức thảo dược của thầy thuốc đông y. Rồi mới nuôi lợn, sau đó lại thịt ăn thử xem có đạt tiêu chuẩn như mong muốn không mới dám áp dụng đại trà. Trước khi đưa sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường, tôi đã đem các mẫu thịt về Hà Nội kiểm tra đủ tiêu chuẩn mới tung ra bán với thương hiệu xây dựng “Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung” như hiện nay.
Hoàn thiện quy trình nuôi lợn thảo dược ổn định. “Lợn không phụ công người” sau đợt khủng khoảng lợn 2017-2018, đến năm 2019 giá lợn thịt lợn lại bắt đầu “nóng” trở lại, có những thời điểm giá lợn thịt lên đến 97.000 đồng/kg, ông Sáng bán 2 xe tải lợn đã lãi hơn 1 tỷ đồng. Riêng vụ lợn năm 2019, ông Sáng đã lãi gần chục tỷ đồng.
Hiện nay, đến thăm trang trại lợn trên 2.000 con của gia đình ông Sáng mọi người đều có cảm nhận chung đó là đều không hề có mùi hôi mà chỉ thấy phảng phất mùi thơm của ngô, đậu tương rang trộn lẫn mùi thảo dược. Ông Sáng trải lòng: “Nuôi lợn thì ai cũng nuôi được nhưng để tạo được thương hiệu thịt lợn sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì không dễ chút nào. Con lợn là vật nuôi quen thuộc, cũng là nguồn thực phẩm tươi không thể thiếu của mâm cơm người Việt nhưng để có sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn với người tiêu dùng thì là cả quá trình. Từ con giống, quy trình chăm sóc, thức ăn chăn nuôi… đều phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Nhằm giúp đỡ bà con xã Đông Thọ chăn nuôi lợn cùng phát triển, ông Sáng đã vận động các hộ gia đình chăn nuôi lợn thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung với hoạt động, dịch vụ chủ yếu là chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền…
Giờ đây trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Sáng đã ổn định tạo công ăn việc cho gần 20 công nhân. Trong năm 2021 ông Sáng đã thu lãi trên 23 tỷ đồng, ông đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu nông dân xuất sắc năm 2022.