Thảo luận

Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân

PGS. Trần Đình Huỳnh (*) - 07:06 27/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Tiếp nối tư tưởng của các nhà kinh điển và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của nông dân trong Cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân (CMDTDCND) cũng như trong CMXHCN.
Bác Hồ với nông dân. Ảnh: Tư liệu

Quan điểm của C. Mác và Ph.Ăng ghen về vấn đề nông dân

Phân tích hoàn cảnh kinh tế - xã hội đi đến kết luận về tính quy luật sự bần cùng hóa của tiểu nông và sự tiêu vong không tránh khỏi của nền kinh tế tiểu nông của người nông dân từ đầu thế kỷ XVIII, C. Mác và Ph.Ăng-ghen đã kết luận giai cấp Nông dân không thể tạo ra một phong trào nông dân độc lập, họ không thể tự mình giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến và tư bản được. Sức mạnh của nông dân là ở số lượng, nhưng do không có tính tổ chức, không có lực lượng tiền tiến dẫn đường nên họ đã thất bại trong tất cả phong trào đấu tranh tự phát chống giai cấp bóc lột.

Từ sự phân tích về kinh tế - xã hội, Mác đã vạch rõ tính quy luật của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và về sự tất yếu bần cùng hóa và sự tiêu vong không tránh khỏi của nền kinh tế tiểu nông. Giai cấp Tư sản làm cho họ bị phá sản khiến họ không tránh khỏi rơi vào hoàn cảnh cùng khổ của những người vô sản, do đó tầng lớp nông dân lao động họ là người ủng hộ giai cấp Công nhân, là đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân trong Cách mạng Vô sản. Việc lôi kéo nông dân về phía mình là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà giai cấp vô sản phải đặt ra trong thực tiễn phong trào đấu tranh của mình chống chế độ tư bản.

C.Mác đã viết “Người nông dân thấy rằng giai cấp Vô sản thành thị, giai cấp có sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản là người bạn đồng minh, người lãnh đạo tự nhiên của mình” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.8,. tr269). 

Ông đã diễn đạt tư tưởng xem nông dân là đồng minh tự nhiên của giai cấp Vô sản trong cách mạng một cách hình ảnh rằng, với sự tham gia của đông đảo nông dân Cách mạng Vô sản sẽ thực hiện được bản đồng ca khải hoàn, còn nếu không có họ thì ở tất cả các nước nông dân thì bài đơn ca của cách mạng vô sản sẽ chỉ trở thành một sự công diễn tài năng lần cuối cùng và nó biến thành bài ca bi thảm mà thôi. 

Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăng-ghen luôn kiên trì với quan điểm Mác. Ông đã chỉ rõ cần phải phân tích các bộ phận cấu thành giai cấp Nông dân; làm rõ lập trường của giai cấp Công nhân đối với tiểu nông. Ph.Ăng-ghen khẳng định: “Trong toàn bộ nông dân, tiểu nông là tầng lớp quan trọng… Nếu chúng ta xác định được lập trường của chúng ta đối với tiểu nông thì chúng ta sẽ có mọi tiêu điểm để xác định được thái độ của mình đối với những thành phần khác trong dân cư nông thôn” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 719). Ông đã chỉ ra tính quy luật lịch sử của việc chuyển nông dân lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Cả Mác và Ăng-ghen đều hiểu rõ tính chất phức tạp và khó khăn trong thực hiện bước chuyển của nông dân lên con đường xã hội chủ nghĩa. Các ông đã đề xướng tổ chức triển khai việc sản xuất hợp tác và coi đó là biện pháp trung gian để đưa nông dân, nông nghiệp tiến lên theo con đường của CNXN.
Tóm lại C. Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định:

Vai trò to lớn và quan trọng của nông dân, họ là đồng minh tự nhiên của giai cấp Vô sản trong trong cách mạng;

Tính tất yếu khách quan hợp quy luật của sự phát triển của xã hội là con đường công nghiệp hoá XHCN nền nông nghiệp;

Sự liên minh giữa giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân là sự đảm bảo cho sự toàn thắng của những người lao động trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Giống như nhận định của C.Mác và Ph.Ănghen, V.I.Lênin nhận định nông dân Nga đầu thế kỷ XX có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, “Giai cấp đó, một mặt là người tư hữu, mặt khác lại là người lao động. Nó không bóc lột những người lao động khác”. (V.I.Lênin. Toàn tập, t.38. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.237).

Giai cấp Nông dân hầu hết là những người lao động làm thuê cho bọn địa chủ ở nông thôn, họ bị bóc lột; một phần có sở hữu nhỏ tự nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy có sự khác nhau về trình độ, kinh tế và lợi ích, nhưng giữa họ có một điểm chung là đều sinh sống bằng cách làm thuê cho các giai cấp địa chủ, tư sản, họ đều bị bóc lột chứ không bóc lột. Họ là một giai cấp khác biệt bởi vì “nông dân là người đầu cơ, vì anh ta bán lúa mì, một sản phẩm cần thiết mà khi người ta thiếu nó thì người ta có thể đem toàn bộ tài sản ra để đổi”. (V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.435.)

Thứ hai, trong một xã hội mà giai cấp bóc lột thống trị thì ý thức hệ tư tưởng chủ đạo là của giai cấp thống trị nó chi phối ảnh hưởng tới ý thức tư tưởng của người nông dân nên họ không có hệ tư tưởng độc lập, họ luôn dao động, đầy tính thực dụng và phụ thuộc rất lớn vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Đây là một đặc điểm quan trọng của nông dân trong bất kỳ giai đoạn nào. Với bản chất tư hữu và thái độ dao động, ngả nghiêng, người nông dân không dễ dàng và ngay tức khắc tin theo và ủng hộ giai cấp Vô sản được.  “Nông dân sẽ không tin bất cứ một lời nói nào, bất cứ một cương lĩnh nào… Nông dân chỉ tin vào hành động, vào kinh nghiệm thực tiễn” (V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.443).

Do đó giai cấp Vô sản phải tranh thủ tuyên truyền, giáo dục lôi cuốn, thuyết phục sự ủng hộ của họ cả trước và sau cách mạng, làm cho họ thấy đi với chính quyền Xô Viết có lợi hơn bất cứ chính quyền nào khác. 

 V.I.Lênin yêu cầu những người cộng sản, bất luận thế nào, cũng không thể dùng bạo lực để ép nông dân đi theo mình, mà phải cương quyết xây dựng mối quan hệ hoà thuận với họ.

Thứ ba, V.I.Lênin đã nhận định: “Những điều kiện sinh hoạt kinh tế và chính trị của họ đã không làm cho họ gần nhau, mà lại còn làm cho họ xa nhau, rời nhau, biến họ thành hàng triệu người tiểu sở hữu riêng lẻ” (Sđd, t.43, tr.161).

 Thứ tư, V.I.Lênin khẳng định: “Do địa vị kinh tế của mình trong xã hội tư sản, nông dân nhất định phải đi theo hoặc công nhân, hoặc giai cấp Tư sản. Không có con đường trung gian”. Một khi nông dân đã hoàn toàn tin tưởng vào giai cấp vô sản thì họ sẽ hết lòng đi theo và phục vụ cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và khi đó, cách mạng nhất định thành công.

Giai cấp Vô sản đã giáo dục, thuyết phục được giai cấp Nông dân vì lợi ích của họ đã tự giác đi cùng mình, thiết lập được khối liên minh công nông tạo thành sức mạnh to lớn đấu tranh giành chính quyền thiết lập chính quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo thực hiện công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới. V.I.Lênin đã khẳng định: “Chỉ có lập nên chuyên chính dân chủ - cách mạng của giai cấp Vô sản và nông dân thì cách mạng dân chủ mới có thể giành được thắng lợi quyết định” (V.I.Lênin. Sđd., t.11, tr.356).

V.I.Lênin đã đề cập nhiều đến vai trò của giai cấp Nông dân và mối quan hệ giữa công nhân với nông dân trong công cuộc cách mạng XHCN. Ông khẳng định vai trò lãnh đạo tất yếu của giai cấp Vô sản trong CMXHCN, đồng thời khẳng định sức mạnh để thành công là ở củng cố khối liên minh công nông trong điều kiện mới.

V.I.Lênin chỉ thị sau khi giai cấp Công nhân giành được chính quyền, các công xưởng, nhà máy và đường sắt đã chuyển vào tay công nhân thì thực chất mối quan hệ kinh tế giữa giai cấp công nhân và nông dân phải thể hiện ở việc công nhân sẽ sản xuất các sản phẩm cho nông nghiệp và nông dân, vận chuyển về cho nông dân và đổi lấy các sản phẩm nông sản thừa của nông dân. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, V.I.Lênin thẳng thắn chỉ ra rằng, những người cộng sản phải tự coi là mắc nợ nông dân và phải trả “món nợ” đó bằng cách khôi phục nền công nghiệp.

Vận động thuyết phục để từng bước đưa nông dân vào các hợp tác xã để họ làm quen với chế độ sở hữu tập thể đồng thời thực hiện công nghiệp hoá XHCN, trọng tâm là công nghiệp hoá nông nghiệp. Đó là trách nhiệm của giai cấp Vô sản đối với giai cấp Nông dân trong giai đoạn CMXHCN.

Bác Hồ với nhân dân (Tác phẩm: Nghe lời Bác dạy của họa sĩ Vương Trình,
được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân 

Tiếp nối tư tưởng của các nhà kinh điển và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của nông dân trong Dân tộc dân chủ nhân dân (CMDTDCND) cũng như trong CMXHCN.

Dưới ách thống trị tàn bạo, bóc lột dã man của bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai nhân dân Việt Nam, đại bộ phận là nông dân, đã nhiều phen nổi dậy chống lại chúng nhưng đều là các cuộc đấu tranh bạo động, tự phát hoặc dưới ngọn cờ của tầng lớp hào trưởng hay tiểu tư sản nên cuối cùng đều thất bại.

Khi đứng ra hợp nhất các tổ chức cộng sản ở ba Kỳ  thành lập ĐCSVN trong“ Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt”- Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam  do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua. Chính cương đã xác định rõ ràng ngay từ đầu vai trò của giai cấp Nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp Công nhân trong chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam:

 Về chính trị: Đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông.

Về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu hết các sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng...) của tư bản Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu ruộng đất của tư bản Pháp và đại địa chủ để làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang phát triển công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ.

Về xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, thực hiện phổ thông giáo dục theo công nông hóa.

* Đại hội II của Đảng tháng 2 năm 1951 đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam. Chính cương của Đảng do Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Đại hội thảo luận, thông qua.

Chính cương đã chỉ rõ: Trước khi thuộc Pháp, xã hội Việt Nam căn bản là một xã hội phong kiến, nông dân là giai cấp bị bóc lột nặng nề nhất. Từ khi thuộc Pháp, Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến; giai cấp Công nhân Việt Nam hình thành và trưởng thành nhanh; tư bản Việt Nam ra đời nhưng bị tư bản độc quyền Pháp đè nén nên không phát triển được. Khi Nhật xâm chiếm Việt Nam, chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam cũng trở nên phát-xít hóa, làm cho nhân dân Việt Nam càng thống khổ hơn.

Vì vậy, nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất thật sự cho đất nước, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. động lực của cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc, những nhân sĩ yêu nước và tiến bộ; trong đó nền tảng là công nhân, nông dân, trí thức; lực lượng lãnh đạo là giai cấp Công nhân. Từ đó Chính cương khẳng định: Cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. …

Xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân dựa vào Mặt trận Dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân, trí thức do giai cấp Công nhân lãnh đạo. 

Trong lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông dân và coi phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành Công nghiệp khác. Người đã từng nói: Nông dân là quân chủ lực của cách mạng. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”.

 “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp Công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân quốc Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ vô cùng gian khổ, giai cấp Nông dân đã đóng góp to lớn về sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến ấy.

Tháng 1/1953, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng như CMXHCN là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc, chống bóc lột. Xác định trách nhiệm của Đảng, Người lưu ý Đảng không được chỉ huy động sự đóng góp của nông dân mà còn phải lo cho nông dân, lo cơm ăn, áo mặc cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn thành quả của cách mạng. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6 ngày 19/7/1960, Người khẳng định: “Nước ta là một nước nông nghiệp..., muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.635). Điều này cho thấy Người luôn coi trọng vai trò của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Tổ quốc lâm nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh giặc, trong đó, Người khẳng định cuộc chống Mỹ của nhân dân ta nhất định thành công. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người đã căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.  Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Từ khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn dân khôi phục và phát triển kinh tế. Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm đảm bảo lương thực cho xã hội và có dự trữ một phần. Từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Mới đây tại Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta đã xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có tiềm năng, lợi thế, những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; chú trọng các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp”.  

(*) Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục
Tin khác