Thời sự trong nước

Chủ tịch nước: Hãy tạo nên kỳ tích sông Thạch Hãn, sông Bến Hải để tri ân các bậc tiền nhân

07:58 30/04/2022 GMT+7
Quảng Trị, khúc ruột miền Trung, nơi khắc ghi vào lịch sử dân tộc là “tuyến đầu”, “tiêu điểm” trong các cuộc trường chinh chống giặc giữ nước. Mảnh đất Quảng Trị thấm đẫm giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng, nơi cháy lên hy vọng và niềm tin bất diệt về khát vọng hòa bình, thống nhất và tương lai tươi sáng của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tối 29/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Trị có vị trí địa kinh tế, chính trị, quân sự đặc biệt quan trọng, là điểm tựa lịch sử của cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Quảng Trị nơi vĩ tuyến 17 đi qua với dòng sông Bến Hải xinh đẹp đầy thơ mộng, nơi có chiếc cầu Hiền Lương hiền hòa.

Mảnh đất này cũng trở thành giới tuyến, gồng mình gánh chịu mưa bom lửa đạn vô cùng ác liệt. Chỉ trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị, với diện tích chưa đầy 3 km2 mà phải oằn mình hứng 328 nghìn tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945.

Chủ tịch nước bồi hồi nhớ lại những câu thơ của chiến sĩ Thành Cổ năm xưa Lê Bá Dương được khắc trên bia đá, gợi nên hình ảnh bi tráng của những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng cho biết, đến với Quảng Trị 50 năm sau ngày giải phóng, chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới. Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về 'thép nở hoa'. Sự hồi sinh thật khó hình dung từ một vùng đất bom cày đạn sới, nay từ diện mạo kinh tế đến đời sống xã hội tỉnh Quảng Trị không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chủ tịch nước cho rằng, lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng cũng là dịp ôn lại truyền thống hào hùng của chặng đường vẻ vang, để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Quảng Trị nêu cao hơn quyết tâm hành động trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Quảng Trị phát huy tính năng động, đổi mới, sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh hạnh phúc; thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh vì lợi ích chung; tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Tỉnh cũng cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tích cực cải cách hành chính; thu hút đầu tư có chất lượng; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, khả năng thích ứng trước những thay đổi và đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tài nguyên vốn con người, nhất là đặc tính thông minh, hiếu học, cần cù, chịu khó của người dân miền trung, Quảng Trị.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các nút thắt phát triển, tạo đột phá thực sự cho các ngành kinh tế có tiềm năng dựa trên các lợi thế của tỉnh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển.  

Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng đầu tư xứng đáng cho giáo dục và y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo tốt những đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh Hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới; gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng, biến nơi đây thành những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ không chỉ trong tỉnh mà cho thế hệ trẻ cả nước.

Chủ tịch nước tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ vượt qua thách thức, đổi mới, năng động, sáng tạo và bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước đến năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần đem lại sự phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

“Hãy phấn đấu để vĩ tuyến 17, sông Bến Hải trở thành biểu tượng trỗi dậy mới về phát triển kinh tế-xã hội, hãy tạo nên những 'kỳ tích sông Thạch Hãn và sông Bến Hải', để tri ân các bậc tiền nhân, xương máu của cha ông đã hòa xuống những dòng sông bất tử; xứng đáng với trang sử hào hùng, oanh liệt của vùng đất này”, Chủ tịch nước nói.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới dâng hoa, dâng hương, viếng các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9; tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thắp hương viếng mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10 nghìn Liệt sĩ trong cả nước, phần lớn trong số đó là các Anh hùng Liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và cũng là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong không khí linh thiêng, trước anh linh của các Anh hùng Liệt sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn kính cẩn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

* Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi yên nghĩ vĩnh hằng của hơn một vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong kháng chiến.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, hoa viếng các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của những người con bất khuất của dân tộc đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục
Tin khác