Thảo luận

Chuyển đổi số NN&PTNT: Cần có mục tiêu và kế hoạch cụ thể

(Tapchinongthonmoi.vn) Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là xu hướng tất yếu và cần thiết phải thực hiện khẩn trương trong bối cảnh nhiều thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta. Tuy nhiên, để thực hiện thành công quá trình này cần thiết phải xác định đúng được mục tiêu và xây dựng được các kế hoạch hành động thật chính xác, cụ thể và phù hợp với điều kiện nguồn lực của nước ta.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM. Ảnh: M.NHI

Mở đầu                                    

Khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sinh kế và việc làm của khoảng 570 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn thế giới. Khu vực này vẫn còn đóng góp khoảng 28% tổng lực lượng lao động toàn cầu (FAO, 2019). Ở Việt Nam, trong năm 2021, cả nước có 14,18 triệu lao động có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 28,92% tổng số lao động có việc làm của cả nước (Tổng cục thống kê, 2022). Theo Quyết định Số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2020) về Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định cần ưu tiên chuyển đổi số trước những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân nhằm giúp tiết kiệm chí phí và nâng cao hiệu quả. Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số của nước ta với kì vọng sẽ mang lại những lợi ích cơ bản: 1) Tạo ra sự liên tục trong sản xuất kinh doanh, bất kể thời gian và không gian, bằng cách áp dụng và duy trì các công nghệ quản lý và giám sát tiên tiến; 2) Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí; 3) Tăng hiệu lực và hiệu quả của việc giám sát, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục và hiệu quả bằng cách cung cấp dữ liệu thời gian thực cho chuỗi cung ứng; 4) Tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới; 5) Điều kiện làm việc tốt hơn do ít phụ thuộc vào không gian, thời gian và điều kiện khí hậu; 6) Kết nối hiệu quả với khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; 7) Giao dịch minh bạch và thiết thực hơn, đảm bảo quyền lợi của các bên; 8) Tạo cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề cao; Giúp tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi chiến lược tăng trưởng nguồn lực theo hướng đổi mới, sáng tạo(1). Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ góp phần giúp giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay của ngành nông nghiệp và thúc đẩy phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số liên quan đến nhiều tác nhân và nhiều khía cạnh của đời sống: thể chế, kinh tế, môi trường, xã hội, công nghệ. Trong quá trình chuyển đổi số luôn có cái được và cái mất, nhóm hưởng lợi và nhóm thua thiệt. Do vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc và có trách nhiệm, tìm ra được các bài học từ quá trình chuyển đổi số ở các nước trên thế giới, xây dựng được khung đánh giá tác động nhằm dự đoán các tác động của đổi mới, phản ánh và đề xuất những giải pháp cho những hậu quả không mong muốn của quá trình đổi mới này(2). Vấn đề nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa đối với nước ta vì Việt Nam là một nước có truyền thống về nông nghiệp và nông nghiệp phát triển chủ yếu ở các vùng nông thôn, nơi có hạ tầng công nghệ số còn kém phát triển. Sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bị hạn chế do việc triển khai các công nghệ số ở vùng nông thôn gặp khó khăn như: khó truy cập băng thông rộng để truyền thông tin; vùng phủ sóng di động và tốc độ truyền dữ liệu hạn chế; hiệu quả đầu tư kết nối tốn kém do mật độ khách hàng thấp. Thêm vào đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ra quyết định của các bên tham gia vào chuỗi giá trị nông sản gặp khó khăn trong việc quản lý, phân tích và sử dụng các dữ liệu về nông nghiệp do số lượng lớn và sự phức tạp của các dữ liệu. Điều này dẫn đến việc phải xác định được mục tiêu, xây dựng được những kế hoạch chuyển đổi số cụ thể cho từng nhóm đối tượng để đảm bảo thực hiện thành công công cuộc này. 

Bản chất của quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn được hiểu là quá trình thúc đẩy sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng, góp phần đóng góp tạo ra thêm giá trị gia tăng và phát triển đời sống của người dân nông thôn. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành Nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả” (VIDA, 2021).

Có thể nói nông nghiệp sẽ là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ CMCN 4.0 cũng như từ xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số (Cameron & cs., 2019). Theo FAO (2021) chuyển đổi số sẽ góp phần làm giảm khoảng cách thông tin bất đối xứng giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị nông sản. Theo Bạch Quốc Khang (2021) mục tiêu của nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, chính xác, mà nó đòi hỏi sự kết hợp các cảm biến, robot, GPS, công cụ lập bản đồ và phần mềm phân tích dữ liệu để điều chỉnh chính xác quá trình tác động của máy móc, cải thiện quản lý thời gian, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước và các chế phẩm cần thiết, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, năng suất cao hơn, sự phát triển tối ưu hơn của các loại cây trồng, vật nuôi, gia tăng lợi nhuận, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Với thực trạng của nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất của các hộ nông dân thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp số sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là những rủi ro.

Rijswijk & cs. (2021) đã đưa ra khái niệm “Hệ thống xã hội - mạng - vật chất (SCPS)” như mô tả ở hình 1 để giải thích về bản chất và lập luận về các lợi ích mà quá trình chuyển đổi số tác động đến sự phát triển bền vững của hệ thống nông nghiệp, nông thôn. Theo Rijswijk & cs. (2021) quá trình chuyển đổi số tạo ra sự tương tác, kết nối giữa 3 hệ thống riêng biệt: Hệ thống xã hội (con người), hệ thống mạng dữ liệu (dữ liệu số) và hệ thống vật chất (sự vật) với các loại chủ thể và các mối quan hệ khác biệt như mô tả ở bảng 1. Với cách tiếp cận này, bản chất của quá trình chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi phương thức tương tác, quan hệ giữa các chủ thể trong các hệ thống riêng biệt kia theo một chuẩn mực đồng nhất mới dựa trên áp dụng công nghệ dữ liệu số và góp phần hình thành nên một Hệ thống mới SCSP. 

Có thể thấy hệ thống vật chất và hệ thống xã hội đã tồn tại từ rất lâu và luôn có những tương tác với nhau, mà theo đó hệ thống vật chất vừa tạo điều kiện về môi trường sống và nguồn lực cho sự phát triển của hệ thống xã hội. Tuy nhiên vẫn luôn tồn tại khoảng cách và sự tương tác không ăn ý giữa 2 hệ thống này. Đó chính là nguyên nhân cần thiết cho sự ra đời của hệ thống mạng dữ liệu số. Các công nghệ kỹ thuật số là một yếu tố quan trọng bổ sung cho sự tồn tại của 2 hệ thống xã hội - vật chất và tạo ra gắn kết chặt chẽ hơn giữa 2 hệ thống này. Do đó, thế giới mạng kỹ thuật số có khả năng làm thay đổi hoàn toàn các hoạt động của các chủ thể trong hệ thống xã hội đồng thời cũng làm thay đổi cả sự phát triển của các chủ thể trong hệ thống vật chất thông qua việc tạo ra các kỹ năng mới và làm hình thành nên các thực thể và các mối quan hệ mới. 

Vận dụng cách tiếp cận hệ thống SCSP như trên, trong thực tiễn chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở nước ra cho thấy cần xác định rõ mục tiêu của quá trình chuyển đổi số gắn với đặc điểm đặc thù và mối quan hệ giữa 3 hệ thống: xã hội, mạng và vật chất. Theo đó, các mục tiêu cần cụ thể và đảm bảo sao cho các hoạt động, tiến trình trong công cuộc chuyển đổi số phải tạo ra sự tương tác và kết nối tích cực, hiệu quả giữa 3 hệ thống này.

Mục tiêu của chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn

Mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển nông thôn là tạo ra sự kết nối hiệu quả giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp và góp phần bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống nông nghiệp, xã hội nông thôn. Theo đó chuyển đổi số phải hướng tới kết nối tạo ra tương tác giữa các chủ thể trong thế giới xã hội và thế giới vật chất theo hướng giảm bớt chi phí sản xuất  kinh doanh, tăng hiệu quả và bảo vệ các chủ thể trong môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phát triển hạ tầng nông thôn. Các công nghệ số của hệ thống mạng dữ liệu sẽ giúp việc cách mạng hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn thông qua hỗ trợ người nông dân thu thập, theo dõi được các dữ liệu cần thiết, để từ đó hiểu biết hơn về hệ thống vật chất, môi trường tự nhiên, lấy đó làm cơ sở để ra quyết định thực hiện các hoạt động sản xuất (tác động vào hệ thống vật chất tự nhiên) một cách chính xác, hiệu quả và bền vững hơn.

Nhiều nghiên cứu đã đề cập tới việc xác định mục tiêu cụ thể của quá trình chuyển đổi số là phải phát huy hiệu quả lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta. Theo Đỗ Kim Chung (2021) thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình lựa chọn, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp để: (1) Thực hiện số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại, vận chuyển, chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật; (2) Tạo ra sự kết hợp hữu cơ giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành trong tổ chức tổ chức nông trại, các phân xưởng, cơ sở hạ tầng, tạo giống và các tác nghiệp nông nghiệp; (3) Tự động hoá và thông minh hóa các hệ thống điều hành giữa thế giới thực và thế giới ảo các hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản từ nông trại đến bàn ăn; (4) Tạo điều kiện cho chuỗi thực phẩm nông sản (agrofood) diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. Chuyển đổi số nhằm phát triển nông thôn là nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với khả năng kết nối cao, tiện ích giữa các tác nhân trong cộng đồng xã hội nông thôn và môi trường vật chất ở nông thôn. Tuy nhiên, cần làm rõ các mục tiêu của chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua các can thiệp cần thiết, cụ thể đối với từng nhóm chủ thể trong từng hệ thống của SCSP (Bảng 2). Có như vậy, chuyển đổi số mới trở thành một công cuộc toàn diện và có hiệu quả.
 

Kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT năm 2022, trong đó xác định mục đích “Khởi động Chương trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp; Đề ra định hướng, phương án, lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số thống nhất, hiệu quả (Bộ NN&PTNT, 2021).

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương.

Cần nhấn mạnh rằng chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông thôn không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân và cư dân nông thôn tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển bền vững. Đây chính là giá trị lớn nhất mà chuyển đổi số mang lại. 

Để chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển nông thôn thành công cần có sự chung tay, vào cuộc của tất cả các chủ thể trong đó có vai trò của Nhà nước và các tác nhân trong chuỗi giá trị đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Người nông dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại một cách chủ động để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có những đặc tính khác biệt đem lại giá trị cao hơn trên thị trường thế giới. Phát triển nông thôn phải đảm bảo vừa hội nhập, tiệm cận với khu vực đô thị nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá, môi trường sống đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Chuyển đổi số cần được làm ngay nhưng phải từng bước và chắc chắn. Mỗi chủ thể phải biết cần thực hiện mục tiêu nào trước, thực hiện hoạt động nào trước, áp dụng công nghệ nào trước, tránh “tham lam, dàn trải” để rồi quá tải và lạc hướng. Do vậy, kế hoạch chuyển đổi số của ngành cần xác định rõ đối với từng đối tượng, đặt ra từng mốc thời gian, nguồn lực, kết quả dự kiến cụ thể để có thể triển khai hiệu quả và chắc chắn.

Kết luận

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là xu hướng tất yếu và cần thiết phải thực hiện khẩn trương trong bối cảnh nhiều thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta. Tuy nhiên để thực hiện thành công quá trình này cần thiết phải xác định đúng được mục tiêu và xây dựng được các kế hoạch hành động thật chính xác, cụ thể và phù hợp với điều kiện nguồn lực của nước ta. Các mục tiêu cần cụ thể cho từng nhóm đối tượng tác động theo quan điểm tiếp cận hệ thống xã hội - mạng - vật chất (SCSP) để tránh tính chồng chéo, đảm bảo tính rõ ràng, nhất quán. Các kế hoạch tác động cần bám sát vào mục tiêu, trên cơ sở tính toán đảm bảo tính khả thi về cả thời gian và nguồn lực. 

Chú giải:
(1) (Younes & Habib, 2021, Đỗ Kim Chung, 2021)
(2) (Eastwood &cs, 2017)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bạch Quốc Khang (2021). Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam. Truy cập từ: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5110/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-viet-nam.aspx ngày 15/11/2021.
2. Bộ NN&PTNT. (2021). Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022. Hà Nội.
3. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, & Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. (2019). Vietnam’s Future Digital Economy - Toward 2030 and 2045: Summary report. Brisbane: CRICO.
4. Đỗ Kim Chung (2021). Chuyển đổi số trong nông nghiệp. Kỷ yếu Hội thảo phát triển nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi số, tổ chức bởi Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hà Nội. Ngày 11/12/2021.
5. Eastwood C., Klerkx L. & Nettle R. (2017). Dynamics and distribution of public and private research and extension roles for technological innovation and diffusion: Case studies of the implementation and adaptation of precision farming technologies. Journal of Rural Studies. 49: 1-12.
6. FAO. (2019). Digital technologies in agriculture and rural areas. Truy cập từ: https://www.fao.org/3/ca4887en/ca4887en.pdf ngày 18/11/2021.
7. FAO. (2021). Digital Agriculture Profile: Viet Nam. FAO. Được truy lục từ https://www.fao.org/3/cb3956en/cb3956en.pdf
8. Rijswijk K., KlerkxvL., Bacco M., Bartolini F., Bulten E., Debruyne L., Dessein J., Scotti I. & Brunori G. (2021). Digital transformation of agriculture and rural areas: A socio-cyber-physical system framework to support responsibilisation. Journal of Rural Studies, Volume 85, Pages 79-90, ISSN 0743-0167, https://doi.org/10.1016/j.jrurstud.2021.05.003.
9. Thủ tướng Chính phủ. (2020). Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hà Nội: Chính phủ.
10. Tổng cục thống kê. (2022). Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV năm 2021 và chỉ số phát triển con người việt nam 2016-2020. Truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-nam-2021-va-chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-2016-2020/ngày 25/10/2022.
11. VIDA. (2021). Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam 2021. Hà Nội.
12. Younes Abbassi và Habib Benlahmer (2021). The Internet of Things at the service of tomorrow’s agriculture. Procedia Computer Science 191 (2021) 475-480

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác