Chuyển đổi số trong bảo vệ an ninh nông thôn ở Hậu Giang
Xây dựng xã NTM kiểu mẫu, NTM thông minh gắn với chuyển đổi số
Nổi bật là cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được quan tâm và ngày càng đảm bảo… Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 35/51 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 68,63%) và 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang thông tin: “Tỉnh đã xác định tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng chuyển đổi số, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn”.
Tỉnh Hậu Giang đã tiếp tục xây dựng các xã tiến tới đạt xã NTM kiểu mẫu, NTM thông minh và quá trình này phải gắn liền với công tác chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đối với lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn, tỉnh cũng đã thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ số trong việc giám sát, kiểm soát an ninh trật tự tại các xã: Công an tỉnh đã triển khai 51/51 xã lập tài khoản tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Camera an ninh” tại 41/75 xã, phường, thị trấn truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát của tỉnh và mô hình “Tuyên truyền phòng chống tội phạm và cải cách hành chính thông qua mạng xã hội zalo” tại 16/75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 4.386 lượt người tham gia. Đẩy nhanh tiến độ Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các mô hình này đã trở thành một công cụ hữu ích đối với lực lượng công an địa phương, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra, truy xét các loại tội phạm và công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm trên địa bàn… Qua đó, an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn được giữ vững, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.
“Cổng rào ANTT” - mô hình góp phần quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Châu Thành A.
Tiêu biểu là phong trào xây dựng mô hình ấp kiểu mẫu “5 không, 4 có” tại huyện Châu Thành A - được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào ngày 14/12/2019. Về 5 không: Không phạm pháp hình sự, không xảy ra phạm phạm pháp hình sự nghiêm trọng; không tệ nạn xã hội; không điểm nóng tệ nạn xã hội phức tạp; không xây dựng nhà ở và công trình trái phép, sai phép và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, vi phạm quy hoạch; không tai nạn giao thông và vi phạm trật tự an toàn giao thông; không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng (chết người) và vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông. Về 4 có: Có chi bộ được xếp loại xuất sắc, đoàn thể vững mạnh, có 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); Có ít nhất 1 mô hình theo chuỗi giá trị sản xuất đầu vào, đầu ra ổn định; 100% dân số của ấp có mặt tại địa phương tham gia bảo hiểm y tế; Có Câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ hoạt động có chất lượng; Có gắn camera an ninh tại các ấp, loa truyền thanh, tổ chức việc cưới, việc tang theo quy định.
Nhân rộng mô hình “Gắn liền với tuyên truyền là vận động”
Để tăng cường chuyển đổi số trong bảo vệ an ninh trật tự gắn với xây dựng NTM, tỉnh Hậu Giang xác định xây dựng và nhân rộng mô hình “Gắn liền với tuyên truyền là công tác vận động”. Vận động bằng những việc làm, phần việc, mô hình cụ thể thông qua tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác kể cả trong và ngoài tỉnh; thực hiện mô hình thí điểm với qui mô phù hợp và phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó là phong trào thực hiện mô hình “Một trách nhiệm, Ba có, Ba không” trong công tác cải cách hành chính. Một trách nhiệm là: Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, thị trấn; thủ trưởng các ngành của huyện có liên quan đến công tác cải cách hành chính của huyện, không để tỉnh trừ điểm cải cách hành chính thuộc đơn vị mình phụ trách; được tỉnh đánh giá xếp loại xuất sắc.
Ba “Có” là: Có thái độ phục vụ nhân dân lịch sự, hướng dẫn tận tình; có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; Có duy trì và triển khai thực hiện đúng quy định mô hình chính quyền thân thiện, mô hình “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn, luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ). Có đầy đủ các văn bản thực hiện 2 mô hình trên. Có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện 2 mô hình; Có phối hợp với Bưu điện trả kết quả một số thủ tục hành chính đến tận nhà dân; Có cán bộ, công chức làm đầu mối tiếp nhận tất cả các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa; hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa được nhập trên Cổng dịch vụ công trực tuyến 100%; niêm yết thủ tục hành chính đúng quy định; ký số trong phần mềm quản lý văn bản 100%. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được nhập, giải quyết trên tổng số hồ sơ tiếp nhận 40%, mức độ 4 là 30%.
Ba “Không” là: Không gây phiền hà tổ chức và công dân; không có hồ sơ tồn đọng, hồ sơ trễ hẹn; không để dân chờ.
Lực lượng công an cơ sở đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng NTM, củng cố nâng cao chất lượng 40 loại mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ thu hút hơn 50.000 người tham gia. Đặc biệt, các mô hình “Xóm đạo bình yên” “Khu dân cư đoàn kết, an toàn về ANTT”, “3 quản, 3 phòng”, “Cụm liên kết về ANTT”, “Quản lý, giáo dục những người có nguy cơ vi phạm pháp luật”, “Cổng rào an ninh, trật tự”, “Camera an ninh”; “Đội xe ôm xung kích bảo vệ ANTT”; mô hình “3+1”, mô hình “4+1”; mô hình “Câu lạc bộ hướng thiện”… được phát triển đa dạng, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát huy hiệu quả trong huy động sức mạnh của quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở địa bàn nông thôn.