Chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp phải đầy đủ dữ liệu, sử dụng thuận lợi
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu xem xét các thứ tự ưu tiên trong chuyển đối số ngành Nông nghiệp.
Vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hội nghị thúc đẩy số hóa nông nghiệp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì với sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng, HTX, doanh nghiệp. Đại biểu dự trực tuyến bao gồm Lãnh đạo các UBND tỉnh thuộc 63 tỉnh, thành phố trung ương trên cả nước.
Đây là một trong những Hội nghị số hóa đầu tiên về kinh tế ngành trong năm 2024 do Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho các bộ, ban, ngành, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như: Nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ.v.v... Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhận thấy rất rõ tính cấp thiết phải có những giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm, mô hình thực tiễn hiệu quả, đề xuất giải pháp số hóa nông nghiệp
Đánh giá về thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, các tham luận tại Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và mô hình thực tiễn hiệu quả, qua đó đề xuất các giải pháp số hóa nông nghiệp, chuyển nhanh từ tư duy Sản xuất nông nghiệp sang tư duy Kinh tế nông nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, ngành Nông nghiệp đã và đang nỗ lực triển khai chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như: Trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản qua đó giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Điều gì đo lường được thì quản lý được, điều gì đo lường được thì cải tiến được. Bên cạnh các phần việc đã làm, số hóa, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, không ít vướng mắc tồn tại, hạn chế vẫn chưa được giải quyết. Ngành Nông nghiệp mong muốn phối hợp, hợp tác với các Bộ ngành liên quan cũng như các Hiệp hội ngành hàng, địa phương trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của ngành.
Kiến nghị về khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia vào việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp phức tạp hơn lĩnh vực công nghiệp. Nếu trong công nghiệp chỉ là diện tích nhỏ gọn trong một nhà xưởng hay 1 văn phòng nhưng trong nông nghiệp, doanh nghiệp có hàng nghìn hec -ta thì chuyển đổi số bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giống cây trồng, phân bón... Trong lĩnh vực Trồng trọt đối với cây lúa có thể áp dụng số cho hàng nghìn hec -ta trồng lúa nhưng đối với cây ăn trái thì rất khó”.
Ông Dương Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp số, Tập đoàn Bưu chính Việt Nam đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối trong chuyển đổi số ngành Nông nghiệp.
Nêu thực tế sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu nông dân và hàng triệu mảnh ruộng, khó khăn trong tiếp cận thương mại nông sản điện tử, ông Dương Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp số, Tập đoàn Bưu chính Việt Nam nêu ý kiến: “Chính sách chuyển đổi số trong nông nghiệp còn phân tán như: Mã số vùng trồng do Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương cấp nhưng việc truy xuất nguồn gốc thì lại do Sở Khoa học Công nghệ chủ trì. Các vấn đề chuyển đổi số là về dữ liệu, vì vậy các vấn đề chuyên ngành nên cho các sở, ngành chuyên môn phụ trách. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tàu của chuỗi giá trị để dẫn dắt nông dân, hợp tác xã chuyển đổi số”.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dữ liệu
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Việc đầu tiên cần làm để chuyển đổi số ngành Nông nghiệp là xây dựng các cơ sở dữ liệu và việc này thì Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo xây dựng. Những dữ liệu tạo ra các giá trị mới và tạo sự tăng trưởng của kinh tế số là các dữ liệu được sử dụng hàng ngày. Để phát triển nền tảng số nông nghiệp dùng chung cần tập trung phát triển và thúc đẩy sử dụng là nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng và một số nền tảng khác. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay hoàn toàn đủ năng lực để xây dựng các nền tảng số này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Chỉ rõ những vướng mắc mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giống như các bộ, ngành khác phải tập trung cải cách thủ tục hành chính; hợp nhất để có một hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ trong thủ tục hành chính để kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình. Hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an là đầy đủ nhất, ngành Nông nghiệp có thể khai thác với điều kiện phải đảm bảo an toàn, an ninh về dữ liệu và thông tin.
Về phía ngành Nông nghiệp, phải nhanh chóng hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu để kết nối với hạ tầng số tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dữ liệu và chuyển đổi số. “Mong muốn trong tương lai gần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ được những thông tin mà nói cho dễ hiểu là cái gì cũng có, muốn kiếm cái gì lên hệ thống để tìm kiếm. Thông tin đó phải chuẩn xác và đầy đủ, phải cập nhật kịp thời, đặc biệt là đối tượng của chúng ta là nông dân phải dễ hiểu, dễ áp dụng và nếu được hình thức và thông tin phải hấp dẫn. Với đối tượng cung cấp là nông dân, doanh nghiệp trước mắt phải miễn phí. Lĩnh vực của ngành rất rộng, cơ sở dữ liệu lớn phải có thứ tự ưu tiên. Phải xem xét làm cái gì trước, nhưng làm gì thì phải tới nơi tới chốn và có cách làm đúng, có phương thức làm đúng thì tôi tin chúng ta sẽ về đích sớm” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Một trong những hoạt động nổi bật tại Hội nghị lần này là khu vực trưng bày giới thiệu không gian số về các mô hình ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cộng đồng doanh nghiệp số, các viện, trường, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những sản phẩm công nghệ được xây dựng và phát triển “Make in Vietnam” với mong muốn giải quyết các vấn đề nông nghiệp hiện tại, thúc đẩy số hóa hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, trách nhiệm và bền vững.