Thanh Hóa
Chuyển giao mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap
Tham dự có ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch HND tỉnh; bà Vũ Thị Thanh Xuân, Trưởng ban KTXH; đại diện Đảng ủy xã cùng 20 học viên là hội viên nông dân (HVND) xã Đông Phú, thành viên Tổ hội nuôi lươn không bùn.
Giảng viên buổi tập huấn là các chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và đã được đào tạo về VietGAP thủy sản đến từ Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC Cglobal, Hà Nội.
Mô hình nuôi lươn không bùn là mô hình nuôi thủy sản được phát triển mạnh ở nhiều huyện trong tỉnh. Đây là mô hình phù hợp cho nông dân ít vốn và đất sản xuất. Việc nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng nhất là thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nuôi lươn theo quy trình sinh học sẽ giúp người nuôi giảm công thay nước, tiền điện cũng như chi phí quản lý dịch bệnh góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của con lươn.
Qua lớp tập huấn bà con nông dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Được hướng dẫn quy trình đánh giá rủi ro, phân tích mối nguy và ứng phó sự cố khẩn cấp; quy trình kiểm soát môi trường và cải tạo ao nuôi; quy trình thức ăn, thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học; quy trình nuôi lươn; quy trình về kiểm soát chất thải và vệ sinh nơi nuôi.
Ông Lê Văn Đông, thôn Hoàng Văn, tổ trưởng Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn không bùn xã Đông Phú cho biết: Với 10 bể có tổng diện tích chừng 60 m2, mỗi bể ông thả khoảng 1000 con lươn giống. Ông đã đầu tư khoảng 60 triệu đồng làm mái che, đường ống nước, xây bồn bê-tông, lót bạt…Sau khoảng 1 tháng lươn có trọng lượng lớn hơn ông bắt đầu cho tách bể đảm bảo mật độ cho lươn sinh trưởng.
Cũng theo ông Đông việc nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap phải chăm sóc rất kỹ. Điều quan trọng nhất trong mô hình nuôi lươn không bùn là phải có nguồn giống sạch bệnh. Mỗi ngày, phải thay nước 1 lần để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển. “Nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap phải tuân thủ về kỹ thuật, cách chăm sóc, thức ăn cho lươn, sử dụng các loại men vi sinh phòng bệnh và vitamin bổ sung dinh dưỡng cho lươn... Đặc biệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi để phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng khi xuất bán” - ông Đông chia sẻ.
Còn theo ông Lê Thanh Hải thôn Chiếu Thượng, thành viên Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn không bùn đã xây dựng 8 bể với tổng diện tích gần 50m2 nhưng hiện tại gia đình mới nuôi 4 bể. Ông cho biết: Sau thời gian nuôi lươn không bùn có nhiều lợi thế hơn kiểu nuôi truyền thống. Điều rõ nhận thấy nhất là giảm khoảng 30% chi phí đầu tư chuồng sau mỗi đợt nuôi, không tốn tiền thay đất so với cách nuôi truyền thống. Vệ sinh bồn nuôi rất dễ, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch đặc biệt dễ, không tốn nhiều chi phí cho việc thuê nhân công.
Bà Bùi Thị Loan, Chủ tịch HND huyện Đông Sơn cho biết: Hiện Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap của xã Đông Phú có 5 hộ tham gia, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, HND huyện Đông Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi lươn truyền thống chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau lớp tập huấn, HND các xã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động hỗ trợ đánh giá, chứng nhận và in tem nhãn cho nông sản, bao gồm: Tập huấn theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo TCVN 13528-1:2022 (VietGAP thủy sản); Hướng dẫn hồ sơ xây dựng và chứng nhận đạt quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo TCVN 13528-1:2022 cho sản phẩm lươn không bùn; Hỗ trợ tem nhãn cho các sản phẩm chế biến từ lươn của Tổ hội Nông dân nuôi lươn không bùn xã Đông Phú.
Đây sẽ là tiền đề trang bị kiến thức cho hội viên nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất mới, mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao hơn, bền vững hơn, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân.