Con đường rộng mở cho cậu bé Mông sau tai họa đầu đời
Khởi đầu là câu chuyện thanh bình như vậy như mọi đứa trẻ trạc tuổi cháu. Nhưng chuyện buồn dần dần len lỏi vào gia đình cháu như một thử thách đầu đời, báo trước giông tố một ngày sẽ đến.
Thử thách đầu đời của một cậu bé
Đầu tiên là mâu thuẫn giữa bà nội và mẹ, càng ngày càng lớn dần, đến một lúc không ai chịu ai. Mẹ cháu bỏ về quê, vài năm sau lập gia đình mới. Trong khi cháu đang còn quá nhỏ bé để hiểu chuyện gì xảy ra thì bà nội cũng đi lấy chồng ở tỉnh khác. Hai bố con gà trống nuôi con. Cửa nhà bỗng vắng bóng phụ nữ, đã buồn lại càng buồn hơn. Không ai chăm sóc cháu vì bố còn phải đi làm ăn. Ngôi nhà đã cũ kỹ mốc meo vắng rợn người, kêu ken két mỗi khi gió núi thổi qua. Những lúc bố có nhà, đốt lửa nấu ăn thì ngôi nhà mới ấm áp vì có hơi người, có ánh lửa. Mẹ lấy chồng mới và đã sinh 2 con, có hạnh phúc mới nên lâu rồi không về với Khuyên. Cháu rất nhớ mẹ, mong được gặp mẹ, nhìn thấy gương mặt mẹ, giọng nói của mẹ, mùi hơi của mẹ nhưng nào thấy đâu…
Vào năm 2018, bố Khuyên hay lên biên giới Lạng Sơn bốc vác thuê, làm cửu vạn, vì ở nhà không có việc. Vài tháng mới về một lần. Tháng 2 năm 2020, một tai nạn thảm khốc xảy ra, bố của bé chết trên biên giới Lạng Sơn trong khi làm việc.
Tin dữ bay về làng, mọi người bàng hoàng. Bé Khuyên cảm giác như trời bỗng sụp xuống trước mặt mình không khóc nổi. Ngẩn ngơ không biết làm gì!
Thấy cháu học sinh bé bỏng, các thầy cô giáo trong trường chung nhau ứng ra mấy chục triệu để bé đi cùng người nhà lên biên giới thuê xe đưa xác bố về, làm đám tang. Bé cảm thấy không còn nỗi buồn nào lớn hơn. Đến trường là những giây phút hạnh phúc nhất vì được ở cạnh bạn bè, thầy cô. Về nhà thì là một mình cô độc lùi lũi trong ngôi nhà hoang, sàn cứ cót két và gió thổi càng lạnh hơn. Bên bếp lửa giờ không còn ấm nóng nữa. Bóng cháu một mình đêm đông, bên bếp lửa âm thầm.
Cô giáo chủ nhiệm cháu là cô Phạm Thị Nga vào nhà thăm cháu, biết bé Khuyến sống rất khó khăn, chật vật, họ hàng thì cũng không giúp gì được nhiều. Cháu thường vào rừng hái măng ăn trừ bữa từ khi không còn sự trợ giúp của bố nữa.
Bé Khuyên đã có trường mới
Thương xót học sinh, cô Nga viết một bài báo lên mạng kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ cháu. Không ngờ bài viết của cô lan truyền nhanh như tia lửa. Sau vài ngày, chuyện bé Khuyên lan đến tận mọi vùng đất nước. Nhiều bức thư gửi đến hỏi thăm, động viên cháu. Mong cháu vượt qua gian khổ, cô độc, tiếp tục đến trường. Từ các miền của Tổ quốc, mọi người lo lắng và thương cảm chia sẻ. Người Việt vốn có thói quen “Bầu ơi thương lấy bí cùng’. Rồi tiếp đó nhiều tổ chức đoàn từ thiện tìm đến nơi cháu ở. Tặng quà, quần áo, ti vi…. Và cả tiền nữa. Những ai xa quá thì gửi quà cho cháu qua bưu điện. Tấm lòng nhân từ, thương người của bà con thật mênh mông! Đúng như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta không để ai tụt lại phía sau”.
Một tài khoản cần được lập nên để nhận tiền mọi người chuyển vào cho cháu. Tài khoản này do người bác và cô giáo Nga là người giám hộ, quyết định việc chi tiêu hàng tháng, mua cháu ăn gì, tiêu gì….
Vài tuần sau, chúng tôi có dịp đến thăm cháu. Trong khi đoàn đương ngơ ngác tìm đường khi rẽ vào lối mòn giữa triền núi, bỗng thấy một nhân viên bưu điện phóng xe máy, ship một gói hàng to tướng sau lưng. Cậu ta hỏi: “Các bác tìm đường vào nhà bé Khuyên à? Đi theo cháu”. Tôi hỏi: “Tại sao cậu biết chúng tôi đến nhà bé Khuyên?”. Cậu ta trả lời: “Ngày nào cháu cũng phải síp hàng của mọi người từ khắp nơi gửi về cho Khuyên qua con đường bưu điện”.
Bé Khuyên đón chúng tôi vẻ e dè, hơi mỉm cười, nhưng không tỏ vẻ ngạc nhiên khi có một nhóm người lại vào hỏi thăm tặng quà, quan tâm cháu. Có lẽ cháu đã quen như vậy. Cháu cũng chưa đủ tuổi hiểu vì sao tự nhiên lại có nhiều người xúm đến tìm mình như vậy. Ngôi nhà sàn lạnh lẽo, rêu xanh, mỗi lần đi kêu cót két, gió núi thổi vù vù giờ đây đã ấm lên. Bếp lửa đang cháy trở lại. Trong nhà đã có treo quần áo mới Khuyên được tặng.
Cô giáo Nga nói nhà sàn này đã được sửa lại khi có đám ma bố Khuyên, vì sợ bị sập trong lúc tang gia. Từ nay Khuyên có thể không lo phải đói. Chúng tôi chia tay Khuyên và mong cậu bé cố gắng đi học, bạn bè thầy cô sẽ luôn giúp cháu từng buổi trong giai đoạn đầu đời gian khó này.
Tháng sau, cô giáo Nga vui mừng gọi điện báo tin một doanh nghiệp (xin được dấu tên) đã về xã và bỏ tiền cá nhân mong được xây lại một ngôi nhà mới cho cháu. Cô giáo gửi ảnh về cho xem. Mảnh sườn núi bên cạnh nhà sàn đã được xây lên một ngôi nhà bằng gạch. Đẹp đẽ, bền vững khang trang, ấm áp, không còn tiếng sàn cọt kẹt của gỗ mục, tiếng gió núi kêu vù vù trong nhà. Mọi người rất vui vì nay Khuyên không còn phải ở trong ngôi nhà sàn cũ kỹ ở chân núi nữa.
Tháng 9/2020 Khuyên chuyển lên học lớp 6 trên Trường Nội trú của huyện Hàm Yên. Trường mới, bạn bè mới, cậu có thêm nhiều niềm vui. Nhưng hàng tuần cậu vẫn về thăm bà con, họ hàng và đặc biệt ghé thăm mẹ Nga (cô giáo Nga)- người đã rất có công chăm nom cho cháu khi tai họa đến. Tôi vừa nhận được điện thoại cô giáo Nga vui mừng gọi báo cháu Khuyên đi học trường mới rất giỏi, được bằng khen và thầy cô bạn bè yêu quý! Đối với cháu, tất cả đang ở phía trước. Mong cháu tiếp tục học giỏi và sẽ thành công nhiều.
Tết này bà và mẹ về thăm cháu. Có quà cho Khuyên. Bạn bè trên trường nội trú cũng về chơi với Khuyên. Cô Nga nói: “Cháu mong muốn lớn lên sẽ làm kỹ sư xây dựng. Đi xây nhà cho mọi người. Một con đường đang mở rộng cho chú bé Mông sau tai họa đầu đời. Bà con, thầy cô, bạn bè luôn đồng hành cùng cháu.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica