`Các cấp Hội đã đoàn kết, nỗ lực và có nhiều cách làm hay để hỗ trợ nông dân`
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tại điểm cầu Hà Nội; lãnh đạo của Hội ND 11 tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 3 tại điểm cầu ở các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Tiến Nam đề nghị lãnh đạo Hội ND 11 tỉnh, thành Cụm thi đua số 3 đã báo cáo nhanh về công tác Hội và phong trào nông dân của địa phương trong năm 2021; tập trung vào các nội dung như tình hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục khó khăn trong đại dịch Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Năm 2021, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19 kéo dài, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn BCH Hội NDVN, cán bộ, hội viên, ND đã đoàn kết đồng lòng, nỗ lực với nhiều cách làm nay, sáng tạo để vượt qua khó khăn thách thức để chúng ta vừa làm tốt mục tiêu, chỉ tiêu công tác Hội năm 2021, vừa góp phần vào chóng dịch, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu của các tỉnh, thành Hội trong Cụm thi đua số 3 đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, đổi mới của từng đơn vị; đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Một trong những mô hình mới, cách làm hiệu quả của Hải Dương là các cấp Hội đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả các tổ “Hỗ trợ nông vụ”, “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”. Trong thời điểm nông sản khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19, các cấp Hội đã kịp thời kết nối, hỗ trợ tiêu thụ trên 31.000 tấn rau củ, gần 5.000 tấn gà thịt, cá; trên 1,8 triệu quả trứng gia cầm cho nông dân.
Hội ND tỉnh Hải Dương cũng ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đến các cấp Hội. Nhiều hội viên nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, điều khiển tự động từ xa trong trồng trọt, chăn nuôi, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Ông Nguyễn Đăng Khang – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Mặc dù là tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Ninh trong năm 2021 vẫn đạt được những kết quả tích cực. Hội ND tỉnh Bắc Ninh thực hiện đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu T.Ư Hội giao, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì và ngày càng đi vào chiều sâu.
Năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 93.000 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét có hơn 80.500 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, chiếm 86% so với hộ đăng ký. 100% cơ sở Hội và 127.9000 hội viên, nông dân; 391 HTX, THT; 324 doanh nghiệp tham gia ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”.
Nhằm hỗ trợ nông dân, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Trong năm 2021, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) hơn 11,2 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 100 tỷ đồng.
Chia sẻ về những cách làm hay trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, bà Đào Thị Mai – Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hội đã quản lý có hiệu quả “chương trình vay bò trả bê”, tổng số tiền cho vay bò của các chương trình hiện đang theo dõi, quản lý tại các cấp Hội là trên 26 tỷ đồng. Năm 2021, Hội ND tỉnh đã thực hiện bàn giao 105 con bò H’Mông trị giá 2,482 tỷ đồng cho 105 hộ nghèo là người dân tộc H’Mông, 20 con bò trị giá 314 triệu đồng cho hộ nghèo. Ứng dụng và triển khai chương trình số hóa đàn bò, có truy xuất nguồn gốc, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn bò. Ngoài ra, Hội đã cung cấp được 1.060 tấn phân bón; công tác đào tạo nghề, ưu tiên tuyển sinh đào tạo nghề tại các xã xây dựng nông thôn mới, các xã có hộ di dân, tái định cư và các nghề phục vụ mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm”…
Đối với việc hỗ trợ xây dựng, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả và vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong năm 2021, Hội ND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức thực hiện tốt 7 hoạt động nổi bật. Cụ thể, Hội ND Bắc Kạn đã tích cực vận động hỗ trợ các HTX, THT sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Hội đã hỗ trợ cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho 3 THT, HTX với 3 loại sản phẩm gồm: Bí thơm, lúa nếp Tài, dong riềng cho 81 hộ tham gia. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình mới như trồng ngô sinh khối, trồng cây dược liệu...
Tại Hội nghị, ông Lưu Văn Quảng nêu ý kiến mong muốn T.Ư Hội NDVN, Hội ND các tỉnh, thành giới thiệu các doanh nghiệp đến với Bắc Kạn, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến nông sản để hỗ trợ nông dân tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Bắc Kạn có rất nhiều nông sản đặc sản, tuy nhiên số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Nếu làm tốt việc này thì cũng là cách để Hội ND chăm lo, hỗ trợ hội viên nông dân của mình tốt hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: Năm 2021 dù có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng Hội ND các tỉnh, thành trong cụm đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình sáng tạo để hỗ trợ hội viên nông dân vượt qua dịch bệnh. Cụm thi đua số 3 đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu thi đua của năm 2021. Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nỗ lực của các thành viên trong Cụm đã tích cực chủ động đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân đạt được nhiều kết quả trong năm 2021, cụ thể như:
Thứ nhất, tình hình nông dân, nông nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản khó khăn, đời sống thu nhập của nông dân khó khăn. Tuy nhiên từ sự cố gắng nỗ lực của các cấp Hội, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Hội ND đã tích cực vào cuộc, vừa vận động tuyên truyền vừa tham gia phát triển sản xuất nên đời sống của nông dân về cơ bản ổn định.
Thứ hai, Hội ND các cấp tham gia rất tích cực vào công tác phòng chống dịch như tuyên truyền, phòng chống dịch, thông qua việc thành lập Tổ Covid cộng đồng… Tham gia tích cực vào tiêu thụ nông sản hàng hóa cho người nông dân, có nhiều cách làm hay đặc biệt là nhiều tỉnh, thành Hội đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối tiêu thụ nông sản qua zalo, facebook… để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa cho hội viên nông dân. Đặc biệt năm 2021 chúng ta có sự kết nối giữa T.Ư Hội NDVN với Hội ND các tỉnh, cụm để tiêu thụ nông sản hàng hóa cho hội viên, ND như Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang... không chỉ hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho ND địa phương mình mà còn các tỉnh khác trong cả nước; Tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội để đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn, tuyên truyền vận động hàng hóa hỗ trợ cho những khu cách ly, đồng bào nghèo khó khăn; Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Chương trình “Triệu phần quà, ngàn tấn nông sản nghĩa tình” hỗ trợ cho hội viên nông dân ở vùng dịch…
Thứ ba, Hội ND các tỉnh, thành trong cụm đã tổ chức sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ, về công tác Hội và phong trào nông dân, từ đó đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ gắn với việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, của Hội ND.
Thứ tư, tham gia tích cực vào công tác bầu cử HĐND các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó có vài trò của Hội ND các cấp trong việc vận động, tuyên truyền hội viên, ND đi bầu cử, góp phần vào thành công của công tác bầu cử của cả nước năm 2021.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ gắn kết với việc tích cực tham gia chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Thông qua việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, các tỉnh, thành Hội đã gắn với với các doanh nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, để tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Đặc biệt là Thái Nguyên có 11/19 sản phẩm OCOP do Hội ND xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, xây dựng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, dù khó khăn nhưng đã có 4 tỉnh đạt trên 100%, nhiều tỉnh đã xây dựng được Đề án trình UBND và được phê duyệt theo từng giai đoạn như tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên. Hay như Hội ND tỉnh Cao Bằng, trong nhiều năm qua đã làm tốt công tác vận động nguồn ngoài ngân sách để xây dựng Quỹ. Dù là tỉnh có 5/10 huyện nghèo nhưng việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách lúc nào cũng đạt 100% chỉ tiêu chung đã đưa ra. Đó là cố gắng nỗ lực, cách làm sáng tạo của các đồng chí ở Hội ND tỉnh.
Việc xây dựng mô hình gắn với tiêu thụ nông sản, sản xuất an toàn, mô hình nông nghiệp tuần hoàn như ở Bắc Giang, cũng là mô hình mới để chúng ta thực hiện đề hướng tới chúng ta xây dựng nền kinh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và phát triển bền vững..
Ngoài ra, các cấp Hội trong cụm đã tích cực duy trì phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội, chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX; quan tâm đến công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp.
Từ những kết quả đạt được, Cụm thi đua số 3 đã góp phần tích cực vào thành tích chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước trong năm 2021. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh trong Cụm tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội ND...; Chủ động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên ND thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ ND chuyển đổi số trong nông nghiệp, phối hợp xây dựng, phát triển các hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, hỗ trợ ND đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để quảng bá tiêu thụ NS. Đẩy mạnh các hoạt động cung ứng, dịch vụ tư vấn như giống, phân bón, máy móc…
Quan tâm phát triển nguồn vốn Quỹ để nâng cao hoạt động hiệu quả của Quỹ, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác và HTX… Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NN&PTNT để hỗ trợ vốn cho hội viên khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Tăng cường xây dựng củng cố tổ chức Hội gắn với nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ Hội. Hội ND các cấp tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.