Thanh Hoá: Hội cùng nông dân xử lý rác thải hữu cơ
Biến rác thải thành những vật dụng hữu ích theo hướng thân thiện với môi trường vừa giúp nâng cao kinh tế cho hộ gia đình, bảo vệ môi trường vừa góp phần hình thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa... là những vấn đề mà Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” (sau đây gọi tắt là Dự án) đặt ra.
Tại hội nghị, báo cáo viên HND tỉnh đã truyền đạt, trao đổi về thực trạng và các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường thông qua việc áp dụng 5 kỹ thuật xử lý rác thải. Trong khuôn khổ Dự án, có nhiều nội dung được đề cập như: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế…
Thông qua Dự án, các hoạt động góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Cán bộ Hội tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải để nâng cao năng suất, thu nhập cho các gia đình tham gia chuyển đổi chất thải trên đồng ruộng như rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, kinh doanh, nhà hàng thành thức ăn chăn nuôi, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Khắc Đoàn, hộ tham gia dự án cho biết: "Khi nhắc tới nuôi con sâu canxi, bà con chúng tôi rất bỡ ngỡ vì ở địa phương chưa có hộ nào nuôi. Sau khi được Ban Quản lý Dự án HND tỉnh hướng dẫn cụ thể, giờ cơ bản gia đình tôi đã nắm được kỹ thuật, và có thể áp dụng để thực hiện ngay tại gia đình".
Tại hội nghị, hội viên nông dân đã tích cực trao đổi, chia sẻ thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện môi trường vào thực tiễn tại địa phương.