Đại hội nhất trí cao và biểu quyết thông qua Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam
Trước đó, trong ngày làm việc thứ nhất, Đoàn Chủ tịch Đại hội đã báo cáo Tờ trình của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VII về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Chiều 25/12, tại 10 trung tâm thảo luận của Đại hội, với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đã có 85 lượt ý kiến góp ý Dự thảo Điều lệ Hội. Đa số các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình của Đoàn Chủ tịch Đại hội đã nêu rõ, những nội dung cơ bản của Dự thảo Điều lệ Hội đã đảm bảo tính kế thừa Điều lệ Hội khoá VII, đồng thời sửa đổi, bổ sung tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác xây dựng Hội, phản ánh được xu thế phát triển của tổ chức Hội giai đoạn 2023 - 2028 và những bài học kinh nghiệm về xây dựng Hội được tổng kết trong nhiệm kỳ 2018 - 2023; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính báo cáo trước Đại hội.
Theo đó, 100% trong tổng số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung) là giữ nguyên bố cục của Điều lệ Hội, gồm phần "Những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam" và 8 chương, 26 điều. Về nội dung Khái niệm Hội Nông dân Việt Nam và Trong phần "mục đích của Hội", 100% ý kiến của Đại biểu nhất trí với sửa đổi trong dự thảo Điều lệ Hội để thống nhất khái niệm theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; nhất trí với sửa đổi trong dự thảo Điều lệ Hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Đinh Khắc Đính trao đổi về vấn đề Khái niệm Hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội viên danh dự của Hội Nông dân trong Dự thảo Điều lệ Hội. Theo đó, Điều lệ khóa VII quy định mở rộng đối tượng kết nạp hội viên, thực tiễn nhiệm kỳ qua Hội Nông dân các cấp ở một số địa phương đã kết nạp được một số đối tượng hội viên mở rộng theo quy định Điều lệ Hội, tuy nhiên thực tế không đáp ứng được các điều kiện sinh hoạt chi, tổ hội, đóng hội phí, thực hiện các nhiệm vụ của hội viên theo quy định. Vì vậy, dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung) đã tách khái niệm hội viên của Hội thành hội viên Hội Nông dân Việt Nam và hội viên danh dự của Hội Nông dân Việt Nam với mục đích mở rộng, thu hút đối tượng kết nạp hội viên vào tổ chức Hội nhằm nâng cao chất lượng hội viên và để có cơ sở quy định cụ thể, linh hoạt đối với đối tượng hội viên danh dự, tạo điều kiện cho hội viên danh dự đóng góp xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân. Đoàn chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ nguyên như Dự thảo Điều lệ Hội.
Trước đó, thảo luận tại các tổ, nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Các nội dung cụ thể khác mà các ý kiến đề cập tới như: đối tượng hội viên danh dự, quyền và trách nhiệm của hội viên danh dự, thủ tục kết nạp hội viên, quản lý hội viên, chế độ sinh hoạt của hội viên danh dự, việc kết nạp lại đối với những hội viên vì lý do nào đó đã xin ra khỏi hội và các quy định cụ thể khác… Đoàn chủ tịch xin tiếp thu để đề nghị Ban Chấp hành khóa VIII đưa vào quy định trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.
Về vấn đề Chi hội, tổ hội được quy định tại điều 13, điều 15 chương IV dự thảo, hầu hết các ý kiến đều nhất trí sửa đổi, bổ sung như dự thảo Điều lệ Hội. Tuy nhiên, có một số ít ý kiến còn băn khoăn về Đại hội Chi hội, về số lượng hội viên là bao nhiêu thì chia thành các tổ hội; về bầu bổ sung cán bộ chi hội trưởng, chi hội phó, về bổ sung quy định về thành lập chi hội trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học; bổ sung quy định về chi, tổ hội nghề nghiệp. Về các ý kiến trên, Đoàn chủ tịch xin báo cáo trước Đại hội như sau:
Điều lệ Hội khóa VII quy định Chi hội tổ chức đại hội 5 năm một lần. Căn cứ vào kết quả thực hiện quy định về đại hội chi hội trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp đã chỉ đạo tổ chức Đại hội chi hội thành công, góp phần nâng cao được vị thế, vai trò của tổ chức Hội tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số địa phương báo cáo những khó khăn trong việc chỉ đạo Đại hội Chi hội và đề nghị nghiên cứu quy định, hướng dẫn giảm bớt các quy trình, thủ tục tổ chức đại hội chi Hội để phù hợp thực tiễn và năng lực cán bộ chi hội. Quá trình lấy ý kiến góp ý dân chủ, công khai trong hệ thống Hội, dự thảo Điều lệ Hội đã có điều chỉnh bổ sung "Chi hội tổ chức Đại hội, trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định...".
Trường hợp đặc biệt không tổ chức đại hội chi hội sẽ do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định phù hợp với thực tiễn cơ sở tại các khu vực trong cả nước. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn đại hội chi hội cũng sẽ được quy định đơn giản các quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho việc tổ chức đại hội chi hội được thuận tiện và hiệu quả. Vì vậy, Đoàn chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ nguyên như Dự thảo Điều lệ Hội.
Không khí thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 7 của Đại hội vào chiều 25/12 rất sôi nổi, thẳng thắn.
Về ý kiến việc bầu bổ sung chi hội trưởng, chi hội phó, ủy viên ban chấp hành chi hội là do Hội nghị chi hội thực hiện thay vì do Ban Chấp hành chi hội, Đoàn chủ tịch có ý kiến: Theo hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi hội nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 của Ban Thường vụ Trung ương Hội, số lượng BCH chi hội do BTV Hội cấp trên trực tiếp hướng dẫn trên cơ sở được sự đồng ý của cấp ủy cùng cấp, số lượng chi hội phó có thể từ 1-3 tùy thuộc quy mô tổ chức và số lượng hội viên từng chi hội; cơ cấu BCH chi hội gồm chi hội trưởng, chi hội phó, các tổ trưởng tổ hội, tổ hội nghề nghiệp và đại diện một số tổ chức khác có liên quan (nếu thấy cần thiết). Như vậy, nếu với chi hội đông hội viên, có nhiều tổ hội, số lượng BCH nhiều thì việc BCH bầu bổ sung UVBCH, chi hội trưởng, chi hội phó trong nhiệm kỳ vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đối với chi hội ít hội viên không chia thành tổ hội, BCH ít ủy viên thì quy định này khó thực hiện. Do đó, để đảm bảo phù hợp, khả thi với cả chi hội ít và đông hội viên, Đoàn chủ tịch xin trình Đại hội cho tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Điều lệ Hội là "Đại hội bầu ban chấp hành chi hội, chi hội trưởng, chi hội phó. Việc bầu cử tiến hành bằng hình thức biểu quyết giơ tay. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết ủy viên ban chấp hành, chi hội trưởng, chi hội phó thì tổ chức hội nghị ban chấp hành hoặc hội nghị chi hội để bầu bổ sung".
Về các ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chi, tổ hội nghề nghiệp, về thành lập chi hội trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và một số quy định cụ thể khác, vì Điều lệ Hội quy định khái quát, cơ bản, ngắn gọn các vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Hội nên các vấn đề cụ thể Đoàn chủ tịch xin tiếp thu để đề nghị Ban Chấp hành khóa VIII nghiên cứu đưa vào quy định trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội và các quy định, hướng dẫn khác của Hội.
Có 100% ý kiến Đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung) về công tác kiểm tra, giám sát; về ủy ban kiểm tra của Hội Nông dân các cấp… Tuy nhiên, có một số ít ý kiến góp ý về nội dung đề nghị cấp huyện và cơ sở không thành lập UBKT. Về một số ý kiến trên, Đoàn chủ tịch xin báo cáo như sau:
Về một số ý kiến đề xuất việc thành lập Ủy ban Kiểm tra của Hội chỉ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở không thành lập UBKT. Qua kết quả tổng hợp phiếu khảo sát và báo cáo của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, có 1225/1669 phiếu, tỷ lệ 73,40% ý kiến đề nghị UBKT chỉ nên thành lập đến cấp huyện, cấp cơ sở không thành lập UBKT; qua tổng hợp báo cáo của Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố thì 100% đề nghị không thành lập UBKT cấp cơ sở, số ý kiến đề nghị không thành lập UBKT cấp huyện cũng có nhưng không nhiều, không phải là đa số, hoạt động của Ủy ban kiểm tra Hội Nông dân cấp huyện nhìn chung vẫn đảm bảo nguyên tắc, hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ủy ban kiểm tra Hội Nông dân từ cấp Trung ương đến cấp huyện đã giúp công tác kiểm tra, giám sát của Hội được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, bài bản; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp sâu sát hơn; tổ chức và hoạt động của các cấp Hội nề nếp, có nhiều đổi mới, tích cực. Vì vậy, Đoàn chủ tịch đề nghị giữ nguyên như dự thảo Điều lệ Hội.
Một số kiến nghị đề nghị quy định rõ hơn, cụ thể hơn để nâng cao tính khả thi trong việc thi hành Điều lệ Hội, Đoàn chủ tich Đại hội đề nghị Đại hội giao cho Ban Chấp hành khóa VIII hướng dẫn thực hiện cụ thể trong công tác Hội và phong trào nông dân của nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội đã biểu quyết thông qua Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.