Đại biểu đặt nhiều kỳ vọng sau Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam
Sáng 27/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã ra mắt BCH Trung ương Hội NDVN nhiệm kỳ 2023-2028. Cụ thể, Đại hội đã bầu ra 111 đồng chí tham gia Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội khoá VIII.
Trước đó, Đại hội cũng đã thông qua báo cáo chính trị BCH Khoá VII trình trước Đại hội. Điểm khác biệt lớn so với những khoá trước là ngoài 7 nhiệm vụ giải pháp, kỳ này Đại hội đưa ra 3 giải pháp đột phá. Bên cạnh đó, báo cáo chính trị đại hội đã quán triệt rất sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 46.
Sau khi kết thúc chương trình Đại hội, trao đổi bên lề với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, nhiều đại biểu tỏ ra vui mừng, phấn khởi. Theo đại biểu Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch HND tỉnh Phú Yên đánh giá, không khí đại hội lần này rất khí thế, tạo sự hào hứng với đại biểu.
“Ban Tổ chức chương trình đã chuẩn bị rất chu đáo, về mặt nội dung cũng như công tác hậu cần, tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu tham dự. Đặc biệt, công tác ứng dụng công nghệ, điện tử vào đại hội lần này. Trung ương đã tặng cho mỗi đại biểu một chiếc máy tính bảng để xem tài liệu hoặc check in mã QR. Như vậy, đại biểu sẽ không phải sử dụng văn bản giấy tờ nhiều, sau khi về địa phương có thể dễ dàng lan tỏa tinh thần của đại hội. Tôi đánh giá, đại hội lần này rất thành công”, ông Hạnh chia sẻ.
Nói về BCH mới được bầu, ông Hạnh bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào những thành tựu trong thời gian tới. Đặc biệt, với các thành viên BCH đã có kinh nghiệm nhiều năm từ các khóa trước.
“BCH Trung ương Hội Nông dân khóa mới sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội. Mỗi đồng chí ủy viên BCH sẽ phát huy tốt vai trò trong từng lĩnh vực. Mỗi địa phương như Phú Yên sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các chương trình hành động gắn liền với những quyền, lợi ích thiết thực và hợp pháp nhất cho người nông dân”, ông Hạnh khẳng định.
Ngoài ra, vị đại biểu cho hay, thế mạnh của Phú Yên là kinh doanh, nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Giai đoạn hiện nay có nhiều chính sách của Đảng, nhà nước cho ngư dân với mục tiêu cả về kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Đồng thời, kết hợp với những đường lối triển khai đã thống nhất trong đại hội, sinh kế của người nông dân sẽ được cải thiện và đi vào bền vững.
“Hiện tại, Đại hội đã xác định mục tiêu cụ thể là phương thức tập hợp hội viên nông dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Từ đó các hội viên nông dân sẽ được liên kết, hỗ trợ trong việc sản xuất mô hình nông nghiệp bền vững. Quy mô và vị thế của Hội Nông dân sẽ được năng cao, người nông dân sẽ tìm đến nhiều hơn”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hạnh, đại biểu Trần Quang Chiến, Chánh Văn phòng HND tỉnh Quảng Trị thể hiện quyết tâm rõ ràng khi cho biết, đơn vị này sẽ tổ chức tuyên truyền về Đại hội cho các hội viên ngay trong tháng 12 này.
“Đại hội lần này tôi đánh giá là một trong những đại hội rất long trọng, trọng thể, mang nhiều ý nghĩa trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tương lai. Sau này trong Nghị quyết tôi sẽ đem về địa phương để phổ biến cho bà con nông dân. Chiều 29/12, chúng tôi sẽ mời 125 Chủ tịch HND tại địa phương để phổ biến các chủ đề của Đại hội cho bà con nông dân.
BCH khóa mới là một BCH trẻ và có những người đã có kinh nghiệm làm từ khóa trước và có nhiều kỳ vọng để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, ông Chiến đánh giá.
Đại biểu Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch HND tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, xác định công tác đào tạo nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu cần thiết trong hoạt động của tổ chức Hội.
Do đó, trong lần Đại hội này, HND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam một số nội dung và đều được tiếp thu như: Xây dựng các hệ thống văn bản quản lý các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Hội; Ban hành văn bản quy định về danh mục sự nghiệp công, dịch vụ công hỗ trợ theo đặc thù của nông dân và hướng dẫn các cấp Hội về nguyên tắc tổ chức, quản lý tư vấn, hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân đảm bảo theo qui định của pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, Trung ương Hội được tỉnh Quảng Nam kỳ vọng sẽ là “cầu nối” với Chính phủ đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đáng chú ý, "tâm tư" của nhiều đại biểu cũng bày tỏ nguyện vọng được vay vốn với lãi suất ưu đãi của người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Được biết, các đại diện đồng hành cùng chương trình Đại hội có nhiều ngân hàng lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), HD Bank đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ người nông dân.
Chủ trì buổi họp báo sau Đại hội, ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN cho biết thêm, kỳ đại hội lần này, BCH Trung ương Hội NDVN khoá VII đã kiểm điểm thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những phần chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội VII chưa hoàn thành, đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm cho nhiệm kì VIII.
Đồng thời, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN bày tỏ niềm vinh dự, tự hào, phấn khởi trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN nhiệm kỳ 2023 - 2028.
"Như tôi nói ban đầu, một “món quà” rất lớn mà Bộ Chính trị dành cho Hội NDVN và giai cấp Nông dân Việt Nam là Nghị quyết 46 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đến dự và chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư đã có một bài phát biểu cụ thể, chỉ đạo và cho các định hướng hoạt động của Hội NDVN trong nhiệm kỳ tới. Đây là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, song bản thân chúng tôi cũng nhận thấy đây là trọng trách rất lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã có một phần rất mới, đó là có thêm nội dung góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, mà Hội NDVN là tổ chức chính trị - xã hội nằm trong hệ thống chính trị”, ông Đoàn bày tỏ.