Thời sự trong nước

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320 tổ chức nhiều hoạt động hướng về nguồn

Bùi Ánh - 13:52 25/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 25/7, tại Nghệ An, Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320 đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); 50 năm Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào và 50 năm chiến thắng điểm cao 1049 – 1015 tỉnh Kon Tum.

Việc ghi nhận công lao to lớn của những thương binh, liệt sĩ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, Người đã từng nêu rõ “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Và kể từ ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên thăm hỏi, viết thư động viên thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Điều này đã thể hiện sự trân trọng, ghi nhớ công ơn của các bậc anh hùng đã “quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào”.

Công trình nhà bia di tích lịch sử điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta) nơi đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và tiểu đoàn 19 đặc công thuộc sư đoàn 320A với lực lượng đóng giữ của quân đội Nguỵ có sự chi viện của pháo binh, máy bay Mỹ…

Và giờ đây, trong không khí trang nghiêm, xúc động, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trên mọi miền đất nước nhân 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), hôm nay chính là dịp để Sư đoàn 320 thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với các bậc tiên liệt, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành lại và bảo vệ độc lập tự do, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Cũng chính tại đây là cuộc gặp gỡ đầy xúc động của các cựu chiến binh, thương bệnh binh đã từng một thời “bom đạn đỏ lửa” nơi tiền chiến cùng về tham dự lễ kỷ niệm, nhớ về quá khứ tình đồng chí đồng đội của những người lính từng kề vai sát cánh chiến đấu trong đội hình của một Sư đoàn chủ lực - Sư đoàn 320 Đại đoàn Đồng Bằng anh hùng. Gặp lại nhau đây ai mất ai còn, người còn rưng rưng nước mắt nghĩ đến đồng đội ở lại trên đồi thiêng cao vút…

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến trao tặng Huy hiệu Chiến thắng đường 9 Nam Lào cho các cựu chiến binh đã vào sinh ra tử của Sư đoàn 320.

Trải qua bao nhiêu gian truân trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, góp phần đem lại hòa bình ổn định như hôm nay, Sư đoàn 320 đã phải hy sinh biết bao những chiến sĩ kiên trung vì nền độc lập, hòa bình cho dân tộc. Sư đoàn đã có gần 15.000 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Trên chặng đường đánh giặc cứu nước và bảo vệ Tổ Quốc . “Nếu các anh về đây đông đủ cả - Sư đoàn ta sẽ thành mấy Sư đoàn?”. Cuộc chiến đó đã có rất nhiều đồng đội ngã xuống mãi mãi vì bình yên của nhân dân ngày hôm nay.

Sư đoàn 320 là một trong 6 Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được công bố quyết định thành lập tại Đình Mống Lá - xã Yên Quang (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vào ngày 16 tháng 01 năm 1951.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải – Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh phát biểu tại buổi lễ.

Đại Đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đồng bằng Liên khu 3. Từ những năm tháng sát cánh chiến đấu cùng nhân dân vùng địch hậu ở “Bên kia sông Đáy, sông Hồng” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiếp đến các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, Khu 5, miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát nạn giệt chủng Pôn Pốt.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải – Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh cho biết: “Trải qua 70 năm chiến đấu và trưởng thành, các chiến sĩ Sư đoàn 320 luôn giữ vững bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ”, nối tiếp nhau giữ vững và phát huy tám chữ vàng truyền thống: “ĐOÀN KẾT, NGHIÊM TÚC, DŨNG CẢM, CHIẾN THẮNG”. Nhiều cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn được Đảng, nhà nước và nhân dân tin yêu, giao phó trọng trách trở thành những người lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội”.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quốc Thước tưởng nhớ, tri ân đồng đội đã từng sát cánh chiến đấu viết nên bản hùng ca bất tử.

Với bề dày đó, đến nay Sư đoàn 320 vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 11 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công và được Nhà nước Campuchia tặng tưởng Huân chương Ăng-co là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Campuchia. Trong đội hình Sư đoàn còn có 3 trung đoàn, 9 tiểu đoàn, 5 đại đội và 16 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; trong đó Trung đoàn bộ binh cơ giới 48 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ 2. Liên tiếp các năm 2020, 2021 Sư đoàn đều được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua quyết thắng toàn quân.

Thời bình được lập lại, cũng là lúc Sư đoàn 320 bắt đầu một hành trình mới: Hành trình tri ân, đi tìm đồng đội, giải quyết những hậu quả ba mươi năm chiến tranh để lại. Nhiều đồng chí có mặt tại đây đã bền bỉ tham gia hành trình ấy cho đến tận ngày hôm nay. Các hoạt động tri ân đã được tổ chức thực hiện rất ý nghĩa và để lại nhiều dấu ấn đậm nét, tiêu biểu như các sự kiện:

Tại buổi lễ, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng - Sự đoàn 320 cũng đã tặng quà, tri ân các gia đình thương binh liệt sĩ.

Ngày 26/5/2005, Sư đoàn 320 cùng chính quyền tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ đưa 108 hài cốt của cán bộ chiến sĩ D1/E48 hy sinh trong trận tiến công căn cứ chi khu Cam Lộ (vào đêm 02/02/1968 - tức ngày mùng Một Tết Mậu Thân) vào ngôi mộ chung trong nghĩa trang đường 9; Tháng 8/2005, cất bốc 16 bộ hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 320 hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại huyện Chư PRông (Gia Lai) về nghĩa trang huyện Chư PRông; Tháng 01/2006, đưa 101 bộ hài cốt liệt sĩ của E64 hy sinh trong chiến dịch đường 9 Khe Sanh ở đường 9 về nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị); Ngày 05/01/2005, Sư đoàn tổ chức lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm các AHLS tại Sở chỉ huy Sư đoàn ở Biển Hồ Gia Lai sau 15 tháng thi công với quy mô: Diện tích khuôn viên nhà bia là 2.400m2; diện tích nhà bia 347m2; khắc tên 14.167 liệt sĩ đã ngã xuống khắp các chiến trường để giành độc lập tự do cho Tổ quốc (được khắc trên những phiến đá đen từ Ninh Bình - nơi Sư đoàn 320 làm lễ thành lập năm 1951). Cho đến nay, nhà bia này vẫn là một trong những nhà bia đồ sộ, uy nghi về kiến trúc so với các nhà bia cấp Sư đoàn trong cả nước; Lập hồ sơ đề nghị tuyên dương Anh hùng cho đồng đội của Sư đoàn; Tìm và xác minh cho hàng trăm liệt sĩ, làm chính sách cho hàng chục đồng chí thương bệnh binh, chất độc da cam mà sau khi hòa bình bị thất lạc hồ sơ; Khảo sát và cùng với Sư đoàn 2/ Quân khu 5 đưa vào danh sách khắc tên trên Nhà bia tưởng niệm trên 600 liệt sĩ (E52) trong số tổng cộng 14.167 liệt sĩ…

Một trong những hoạt động có ý nghĩa của Sư đoàn 320 là tìm và xác minh cho hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tình đồng chí, đồng đội, lòng biết ơn công lao to lớn của các anh hùng mãi còn vang vọng “Nhân dân đau thương/ Ghi nhớ ơn của bao người”. Để qua bao thế hệ luôn hết sức trân trọng và khâm phục những cống hiến trọn thanh xuân cho Tổ quốc của các Anh hùng liệt sĩ và cả những cố gắng của những thương binh, bệnh binh, gia đình người có công vượt qua đau thương, mất mát to lớn, chiến thắng thương tật với tinh thần "tàn nhưng không phế" hòa mình vào cuộc sống và tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác