Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng

Đức Vượng - 07:01 22/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Theo đó kinh tế của tỉnh đã chịu nhiều tác động từ sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng hàng hóa, giá nhân công, nguyên liệu,…
TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy lợi thế

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ đảm bảo nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt người dân; đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng, đảm bảo điều kiện cho đàn vật nuôi phát triển tốt; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm sản và thủy sản; công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn hồ đập công trình thuỷ lợi trong mùa mưa lũ…đã đạt được những thành quả nhất định.

Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm trước đó
Tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm trước đó

Theo đó, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (GRDP) trong 9 tháng năm 2024, theo giá so sánh 2010 tăng 3,35% so với cùng kỳ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,53%, đóng góp 0,92 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP. Đáng chú ý, tình hình sản xuất cây trồng nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh trên nhiều đối tượng cây trồng; trong 9 tháng đầu năm 2024 diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 68.857ha chiếm trên 21% diện tích canh tác (gồm rau các loại 26.572ha, hoa 3.223ha, chè 3.469ha, cà phê 20.404ha, lúa chất lượng cao 5.045ha, cây ăn quả 9.578ha, cây dược liệu 167ha, sản xuất nấm 20ha và các cây trồng khác 380ha), diện tích ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt 650ha. Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 390.305ha, tăng 2,46% (9.368ha) so với cùng kỳ, trong đó: cây hằng năm 114.799ha, chiếm 29,41%, tăng 1,62% (1.827ha); cây lâu năm 275.506ha, chiếm 70,59%, tăng 2,28% (6.083ha). Về tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 108.091 tấn, giảm 2,67% (2.965 tấn) so với cùng kỳ.  Tuy nhiên, diện tích gieo trồng cây lúa giảm 0,97% (giảm 217ha).

Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 9 tháng năm 2024
Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 9 tháng năm 2024

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 275.206ha, tăng 2,28% (6.140,2ha) so với cùng kỳ, cây trồng chiếm tỷ trọng cao nhất là cà phê với diện tích hiện có 177.479,6ha, chiếm 64,49%; tiếp đến là nhóm cây ăn quả 50.199ha, chiếm 18,24%; điều 16.471,9ha, chiếm 5,99%; chè 9.322,4ha, chiếm 3,39%; cao su 8.604,7ha, chiếm 3,13%; hồ tiêu 2.180,3ha, chiếm 0,79%; dâu tằm 10.175,6ha, chiếm 3,7%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm đa dạng về chủng loại, đi vào chất lượng sản phẩm sạch, phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, địa hình đất đai, được nhiều loại hình kinh tế tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, tăng sản lượng và hệ số gieo trồng trên đơn vị diện tích canh tác. Chính vì thế, diện tích gieo trồng rau tăng 2,97% (1.667ha), năng suất bình quân ước đạt 263,35 tạ/ha, tăng 0,33%; sản lượng ước đạt 1.688.796 tấn, tăng 3,08% (50.387 tấn) so với cùng kỳ.

Đối với cây hoa luôn là lợi thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng, tận dụng các lợi thế cùng với nhu cầu tiêu dùng càng nhiều, giá tiêu thụ tương đối ổn định nên bà con nông dân chuyển hướng sang đầu tư về chất lượng một số loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa ly, hoa hồng, hoa cúc vạn thọ…Trong 9 tháng năm 2024, diện tích trồng hoa toàn tỉnh gieo trồng được 8.912 ha, tăng 3,84% (330ha) so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 2.684,3 triệu bông, tăng 6,36% (160,6 triệu bông/cành), do tăng diện tích và năng suất gieo trồng.

Đáng nói, trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương chủ động triển khai thực hiện với với 12.473,1ha trồng mới, chuyển đổi (đạt 75,3% kế hoạch), trong đó tái canh, ghép cải tạo cà phê 4.535,5ha; trồng tái canh, chuyển đổi trên đất trồng điều 793,3ha; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 1.488ha và chuyển đổi trên các cây trồng khác 5.500,2ha.

Bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối ổn định, tuy giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhưng giá bán các sản phẩm gia súc ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt, do đó người chăn nuôi yên tâm đầu tư tăng đàn, đặc biệt là các trại chăn nuôi gia công.

Xã đạt nông thôn mới chiếm 98,2%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, các chỉ tiêu chính cơ bản đạt tiến độ, gồm: Diện tích gieo trồng đạt 94,2% kế hoạch, tăng tăng 2,1% so với cùng kỳ; Diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 94,2% so với kế hoạch; Chuyển đổi, trồng mới đạt 75,3% kế hoạch; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 97,42%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 38,95%.

Sản lượng sản xuất nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng 9 tháng năm 2024
Sản lượng sản xuất nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng 9 tháng năm 2024

Kết quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng, tính đến cuối năm 2023, đã có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,2%); 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 36,9%); 16 xã đạt NTM kiểu mẫu (chiếm 14,4%). Toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà; 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành lập mới 29 hợp tác xã (đạt 145% kế hoạch), nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh lên 454 hợp tác xã, trong đó có trên 35,5% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt.

Cơ cấu lao động đang làm việc: Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) và khu vực III (dịch vụ) có tỷ trọng lao động chiếm chủ yếu trong tổng số lao động của cả nền kinh tế, trong đó khu vực “nông, lâm nghiệp và thủy sản” giải quyết việc làm nhiều nhất, chiếm 60,5%; khu vực “công nghiệp và xây dựng” chiếm 11,92% và khu vực “dịch vụ” chiếm 27,58%.

Sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong 9 tháng năm 2024
Sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong 9 tháng năm 2024

Theo đó, trong tổng số lao động thuộc khu vực I của tỉnh Lâm Đồng có số người làm thuê rất lớn, dao động theo mùa vụ trong năm chủ yếu là lao động làm thuê cho hộ nông nghiệp và công nhân làm thuê trồng chăm sóc rau, hoa, chè, cà phê… trong các doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược “phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”; Nghị quyết số 21, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng thời. tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn, khắt khe hơn so với giai đoạn 2016 - 2020. Nhận diện được khó khăn, để chủ động và tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày 21/11/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2191/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu chung trước năm 2025, được công nhận là Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác