Ngành Nông nghiệp tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm
Ngành Nông nghiệp giữ vững đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng trên diện tích thu hoạch lúa đạt 34 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Về sản xuất cây lâu năm, tính chung trong 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng khá đều. Hầu hết các cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, sầu riêng đạt 984.800 tấn, tăng 16,6%; xoài đạt 858.400 tấn, tăng 3,6%; cam đạt 1.084.400 tấn, tăng 2,3%; thanh long đạt 692.800 tấn, tăng 1,3%.
Mặc dù ngành Thuỷ sản bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 (yagi) nhưng sản lượng trong tháng 9 vẫn 890.500 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 2,4%.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng khả quan này là nhờ có sự bù đắp trong sản xuất từ những vùng, địa phương không bị bão lũ, nhất là tại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc khác, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong 3 quý đầu năm do sản xuất vẫn đảm bảo nguồn cung và ổn định tăng trưởng. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 5,85 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà-phê đạt 4,37 tỷ USD, tăng 39,6%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%; hạt điều đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả đạt 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%; tôm đạt 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%... Những kết quả đó đã đưa giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2-4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 57-58 tỷ USD. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, nhiệm vụ hiện nay của ngành Nông nghiệp và các địa phương phía Bắc là khẩn trương khôi phục sản xuất nông, lâm, thủy sản sau cơn bão số 3.
Từ thực tế đó, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, chuồng trại, chuẩn bị cây con giống để để sớm đi vào sản xuất trở lại. Bộ đã huy động trên 200 tỷ đồng hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất bằng cây con giống, phân bón, thuốc thú y, chất xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi.
Đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường
Với riêng chăn nuôi là lĩnh vực chiếm tỷ trọng quan trọng trong ngành Nông nghiệp, do đó nếu không duy trì tốt tốc độ tăng trưởng thì sẽ khó đạt được mức tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo ngành Chăn nuôi tập trung vào 3 mũi nhọn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng.
Theo đó, ngành Chăn nuôi cần tập trung cho xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp đã có thị trường xuất khẩu thì cần đẩy mạnh hơn nữa và đặc biệt quan tâm thị trường Halal. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và địa phương để chống buôn lậu lợn ở phía Nam, gia cầm ở phía Bắc. Cùng với đó là rà soát lại nhập khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, các quốc gia đều muốn xuất khẩu nhưng Việt Nam nhập khẩu cũng phải có tiêu chí, tiêu chuẩn. Và các tiêu chí đó sẽ phải gắn với Luật Thú y, quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH). Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng mở cửa nếu các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng đủ điều kiện.
Để phục hồi sản xuất, chăn nuôi sẽ tập trung vào các sản phẩm như: Gà công nghiệp chỉ khoảng 40 ngày cho sản phẩm; gà lông màu chỉ 3 tháng; vịt, ngan chỉ hơn 40 ngày… Cùng với đó, để bù đắp thiệt hại, cũng như đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm, những địa phương chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An… được chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất.
Với ngành Thuỷ sản, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ quan tâm kiểm soát chặt về nhập khẩu. Việc kiểm soát này vừa thúc đẩy thương mại, vừa đảm bảo sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngành Trồng trọt tập trung vào đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2024 nhằm tạo thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán của các tỉnh phía Bắc.
Vụ Đông 2024, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích khoảng 420.000ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Vụ này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường giữa các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tùy từng điều kiện, linh hoạt chọn loại cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, địa phương cần mở rộng tối đa diện tích cây trồng còn thời vụ nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “nước rút, có đất trống đến đâu gieo trồng đến đó”.
Các địa phương bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa ấm còn thời vụ. Ngoài ra, phát triển nhóm cây vụ Đông ưa lạnh có lợi thế, có khả năng bảo quản dài và có thị trường tiêu thụ tốt.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi