Thời sự trong nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X

Sơn Tùng - 09:10 18/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 17/10 tại Thủ đô Hà Nội, với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Cùng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng…

Tham dự Đại hội, về phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hơp tác Quốc tế, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trực Ninh, Nam Định và bà Dương Thị Phương, nông dân xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội.  

Tổng số đại biểu chính thức tham dự Đại hội là 1.052 đại biểu, có 337 đại biểu đương nhiên, là các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX; đại biểu do Đại hội cấp tỉnh và các tổ chức thành viên chọn cử là 583 người (91 đại biểu do các tổ chức thành viên ở Trung ương cử và 492 đại biểu của các địa phương do Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố hiệp thương cử). Về cơ cấu đại biểu: đại biểu nữ chiếm hơn đạt 30%; đại biểu là người ngoài Đảng chiếm hơn 46,7%; đại biểu là dân tộc thiểu số chiếm hơn 25%; đại biểu tôn giáo chiếm gần 20%...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng và biểu dương những thành tích mà MTTQ Việt Nam các cấp đã đạt được.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, phát biểu khai mạc Đại hội, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, ‘Tổng công trình sư vĩ đại’ đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Ông Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Bác đã đi xa nhưng sự nghiệp cách mạng và tư tưởng đại đoàn kết của Người vẫn đang là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, dẫn dắt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừng bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Thay mặt Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX, ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người Đảng viên Cộng sản kiên trung, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Đại hội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX cũng khẳng định: “Chúng ta đời đời nhớ ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ; nhớ ơn công lao của các đồng chí thương binh, bệnh binh; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; các nhân sỹ, trí thức, những người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài… đã cống hiến xương máu, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự vững mạnh, trường tồn của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc".

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh: Đại hội xin bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước ta, dân tộc ta phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của mọi người dân, tự chủ, tự hào, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc Việt Nam.

Báo cáo chính trị do bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch,  Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX trình bày cho thấy, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; tình hình trong nước còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cấp, các ngành; sự chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, công tác Mặt trận tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ máu thịt và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.

Phương hướng được xác định trong nhiệm kỳ 2024 - 2029 là: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị và sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng để phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định các chủ trương, chính sách liên quan đến những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Xây dựng MTTQ Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Mục tiêu 5 năm tới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn và đội ngũ chuyên gia. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động quần chúng nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; vai trò nòng cốt để Nhân dân làm chủ; đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội; chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Trên cơ sở kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động nhiệm kỳ trước, Đại hội đề ra 10 chỉ tiêu cụ thể, đồng thời, bổ sung một chương trình mới. 

Các vị đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng và biểu dương những thành tích mà MTTQ Việt Nam các cấp đã đạt được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong suốt 94 năm qua, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử…

MTTQ Việt Nam xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong đời sống xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội thảo luận sâu sắc những tồn tại, hạn chế đã xác định trong báo cáo chính trị, sớm có biện pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; thực hiện các giải pháp, biện pháp hiệu quả chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”.

Cơ bản đồng tình với phương hướng, mục tiêu và Chương trình hành động nhiệm kỳ tới mà Báo cáo chính trị đã đưa ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 3 nhiệm vụ để MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới:

Thứ nhất, Mặt trận cần làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đoàn kết các giai tầng, các cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chủ động các hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 Thứ hai, chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước chất lượng cao, thiết thực, với sự hài lòng của nhân dân; thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. 

Đại hội đã tiến hành thảo luận tại 5 Trung tâm thảo luận của Đại hội

Chiều 17/10, Đại hội đã tiến hành thảo luận tại 5 Trung tâm thảo luận của Đại hội. Ccác đại biểu trình bày nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cùng nhau bàn bạc thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, hiến kế nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, khả thi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đại hội đề ra: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam; đa dạng hóa các hình thức và phương thức tập hợp, vận động nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; thực hiện tốt chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vai trò nòng cốt để nhân dân là chủ, làm chủ; đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội; chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chụp ảnh cùng Đoàn Chủ tịch Đại hội

Hôm nay, 18/10, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ tiến hành phiên bế mạc. Phiên bế mạc sẽ được Truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên sóng VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác