Ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất sau bão số 3
Xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 27/9, riêng thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế.
Bão số 3 và hoàn lưu gây mưa lũ đã làm 284.472ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết.
Chia sẻ tại Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sau bão, lũ hôm 28/9 vừa qua, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, qua khảo sát tại các địa phương cho thấy nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá huỷ, khiến không thể cung cấp điện kịp thời.
Ở vùng ngập lụt, các trang trại không kịp di dời vật nuôi do nước lũ dâng nhanh, dẫn đến thiệt hại lớn về gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các khu vực bị sạt lở, chuồng trại hư hỏng nặng cũng khiến vật nuôi bị thiệt hại nhiều. Thậm chí một số vùng còn bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị phá huỷ khiến gây khó khăn cho việc tiếp cận, đánh giá thiệt hại và thực hiện công tác cứu trợ.
Để khắc phục thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra ra đối với ngành Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết cần chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi; có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại để phục hồi và phát triển sản xuất sau thiên tai, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Chính quyền cấp cơ sở cần khẩn trương thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất. Xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi.
Theo Cục Thú y, tình hình thời tiết khí hậu nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do đó nguy cơ dịch bệnh động vật bùng phát rất cao. Hiện nay, Cục Thú y đang tiếp nhận các văn bản đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia của các địa phương để xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.
Đến nay, đã có 6 địa phương đã có văn bản đề nghị hỗ trợ 620 nghìn liều vắc xin, 113,5 nghìn lít hóa chất nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh động vật sau bão số 3 là Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Phòng. Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quyết định xuất cấp 55 nghìn lít hoát chất từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ địa phương.
Với ngành Nuôi trồng thuỷ sản, giải pháp trước trước mắt là phải tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân. Cục Thủy sản cho biết sẽ tiếp tục tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.
Về lâu dài, cần rà soát lại các vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín. Cần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và kỹ năng cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai liên quan đến ngành thủy sản.
Đề xuất chính sách đặc thù
Đối với các lĩnh vực khác như trồng trọt, lâm nghiệp, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chủ động khôi phục sản xuất. Bộ chỉ đạo và huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất theo tinh thần “nước rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó”.
Bộ NN&PTNT cũng đã hỗ trợ các địa phương giống cây trồng (Hưng Yên 8 tấn hạt giống ngô), hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 89,54 tấn hạt giống các loại; huy động nguồn xã hội hoá hỗ trợ 70 tấn hạt giống cho các địa phương.
Để hướng dẫn các địa phương về biện pháp vệ sinh môi trường trước khi trồng, nuôi trở lại, Bộ đã phát hành hơn 100.000 bản tờ gấp tới người nông dân ở các vùng bị ảnh hưởng; đăng tải trên website Khuyến nông Việt Nam và tham gia các tọa đàm, diễn đàn hướng dẫn kỹ thuật trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ NN&PTNT cam kết hỗ trợ khoảng 217,4 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho các địa phương để tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn...
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại, bao gồm việc giãn, hoãn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cấp vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi