Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
Dấu ấn quan trọng trong gần 3 năm qua trong công tác CĐS tại tỉnh Cà Mau chính là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Trong đó, có hàng loạt văn bản về công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhanh chóng được ban hành. Trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/7/2022, của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau. Ðây là một nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Tỉnh uỷ về công nghệ thông tin (CNTT), CÐS.
Trung tâm Dữ liệu (Data Center - DC) của tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, năng lực lưu trữ lên đến 135TB, được triển khai các thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống như tường lửa, phòng chống DDoS, được Tổ chức Chứng nhận DAS đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn.
Trên nền tảng đó, dữ liệu số cũng không ngừng được tạo lập, đến nay đã hoàn thành triển khai 13 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, duy trì và triển khai 69 hệ thống thông tin, nền tảng số và 3 nền tảng số có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Kết quả thống kê trên Hệ thống Trục liên thông nội tỉnh (LGSP) cho thấy, tỉnh đã tích hợp liên thông, sẵn sàng kết nối 22 dịch vụ chia sẻ có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), có trên 13,7 triệu giao dịch dữ liệu phát sinh, tăng 15 dịch vụ kết nối và tăng 100% số lượng giao dịch so với năm 2022.
Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin dần được cải thiện. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 6.815 học viên tham gia học trực tuyến về CĐS, tăng gần 5.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có hơn 4.872 học viên hoàn thành khoá học (xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố).
Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) và phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tại Trung tâm lưu trữ dữ liệu tỉnh, có kết nối chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, để thực hiện giám sát về an toàn thông tin quan trọng của tỉnh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa trước khi ảnh hưởng và gây hậu quả nghiêm trọng với các hệ thống thông tin.
Theo kết quả rà soát phân loại mới nhất, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin cho 69/69 hệ thống thông tin từ cấp độ 1 đến cấp độ 3, chiếm 100%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; số lượng hệ thống thông tin đã triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt 53/69 hệ thống, tương ứng 76,8%.
Trong lĩnh vực kinh tế số được thúc đẩy mạnh mẽ. Tính đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hoá đơn điện tử; có 98% Doanh nghiệp nộp thuế điện tử và có hơn 2.490 Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia CÐS (Chương trình SMEdx), chiếm 52,42%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên tổng doanh thu bán lẻ ước đạt 9%. Có 6 ngàn hộ kinh doanh, trong đó có nhiều nông dân, có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và 125.614 tài khoản người bán trên 2 sàn thương mại điện tử.
Với phương châm “Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”, gần 3 năm qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng, hình thành nên những công dân số. Nhờ sự đóng góp của 4.518 thành viên của 883 tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương, đến nay đã có hơn 210 ngàn hộ gia đình được hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Gần 78% công dân đã được cấp định danh điện tử mức độ 1, 2... Ngoài ra, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm OCOP, trong đó 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao và rất nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương.
Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tổ chức chương trình “Ngày hội Chuyển đổi số” năm 2024. Đây là lần đầu tiên các chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau vừa trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng của “Ngày hội Chuyển đổi số”, vừa được trực tiếp livestream cùng với các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok; mang đến sân chơi mới, tạo cơ hội để các chủ thể tiếp cận với công nghệ số, giao thương trên nền tảng số.
Theo thống kê, trong phiên livestream ngày 5/10 đã tiếp cận trên 308 ngàn người, số đơn hàng hơn 1.400 đơn, có 21 sản phẩm đến từ 11 nhà bán hàng tham dự được quảng bá. Đặc biệt, các sản phẩm đặc sản địa phương như ba khía, tôm khô, bánh phồng tôm được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm, yêu thích và lựa chọn. Ngoài ra, các sản phẩm khác như chà bông tôm, mắm, nước cốt trái nhàu, trà... được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng cả nước thông qua phiên livetream.
Trong công tác chính quyền số, Bộ Thông tin và Truyền thông, chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Cà Mau xếp thứ 4/39 địa phương, đạt mức C (không có địa phương được xếp loại A, B).
Đến nay tại tỉnh Cà Mau, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền, triển khai cho 661 đơn vị, với tổng số gần 11 ngàn tài khoản người dùng. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã cấp chữ ký số chuyên dùng cho 5.044 tổ chức, cá nhân; 97,71% văn bản điện tử phát hành có ký số. Ðã kết nối, phục vụ kỹ thuật hơn 300 cuộc hội nghị trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nội tỉnh.
Cùng với đó, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) được triển khai, sắp đưa vào vận hành chính thức Trung tâm IOC hướng đến giúp lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát trực tuyến 338 thông tin theo thời gian thực, qua đó kịp thời chỉ đạo, điều hành về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CÐS tỉnh Cà Mau cho biết: Trải qua gần 3 năm triển khai thực hiện CÐS trên địa bàn tỉnh, chúng ta đã gặt hái được những thành tựu nhất định trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Ðó là kết quả của sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành; sự tham gia tích cực của người dân, Doanh nghiệp; và đặc biệt là sự nỗ lực, cống hiến hết mình của lực lượng được xem là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo CÐS, đó là những thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và những người trực tiếp làm công tác CÐS của tỉnh.
Bằng sự quyết tâm của lãnh đạo và cả hệ thống chính trị đối với công tác CÐS, tỉnh Cà Mau sẽ tận dụng tối đa cơ hội, tiềm năng công nghệ số của cách mạng công nghiệp 4.0, bứt phá đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trong những tỉnh bắt kịp, đi cùng, hướng đến nhóm các tỉnh, thành phố đi đầu và triển khai có hiệu quả về CÐS, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.