Nông nghiệp

Đồng Nai có 694ha diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu

Đức Vượng - 07:38 14/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 13 hợp tác xã (HTX) với tổng diện tích 694ha được cấp mã số vùng trồng đối với cây chuối, sầu riêng, chôm chôm, xoài để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzealand.
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu thành lập 25 hợp tác xã trong năm 2025

Đây là thông tin được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra tại Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 20/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025.

Tại Kế hoạch này, trong 5 năm 2025 tỉnh Đồng Nai sẽ phấn đấu thành lập được 25 HTX, tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên đạt 63%; đồng thời thành lập được thêm 50 tổ hợp tác. Theo đó, toàn tỉnh Đồng Nai hiện đang có hơn 1.000 tổ hợp tác, 506 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và 1 liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ hơn 1.800 tỷ đồng, có 15.255 thành viên.

Vùng trồng sầu riêng Xuân Định, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc

Tổng số thành viên của tổ hợp tác là 36.508 thành viên, tổng số thành viên HTX, quỹ tín dụng nhân dân là 49.370 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX là 9.375 người. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai có 218 HTX và 1 liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ đăng ký 545 tỷ đồng, với 3.442 thành viên, 3.094 lao động.

Số lượng HTX tham gia liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp ngày càng tăng. Tính đến nay có 64 HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP ngày càng tăng lên; tỉnh hiện có 22 hợp tác xã với 39 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao và 4 sao.

Có thể kể đến các HTX nông nghiệp điển hình như: HTX nông nghiệp Trường Phát có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Lợi có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Về HTX ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Đồng Nai hiện có 38/82 HTX trồng trọt đã sản xuất đạt chứng nhận GAP. Trong đó, có 3 HTX đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với diện tích 19,5ha/27ha diện tích hữu cơ của toàn tỉnh.

Thời gian qua, Liên minh HTX Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX, qua đó kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất kinh doanh và chấn chỉnh hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Nhờ vậy, nhiều HTX đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thị trường trong nước đón nhận. Một số HTX còn xuất khẩu được sản phẩm của mình ra thế giới, cũng như liên kết để xây dựng chuỗi sản xuất trong các ngành kinh tế.

Tăng cường các hoạt động với các tổ chức kinh tế khác

Theo ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai cho biết, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thì việc phát triển kinh tế tập thể cũng còn những điểm nghẽn. Cụ thể, số lượng HTX trên địa bàn nhiều nhưng đa phần hiệu quả hoạt động chưa cao.

Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác quy mô hoạt động còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; sản xuất manh mún, liên kết lỏng lẻo. Quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm, quy mô đầu tư nhỏ, hàm lượng công nghệ số chưa cao.

Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 220 sản phẩm OCOP

Về công tác quản lý còn một số bất cập nên động lực để phát triển mô hình này chưa tạo được dấu ấn. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ quản lý đã qua đào tạo tỷ lệ còn thấp.

Việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ; các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết, tiêu thụ chưa được thực hiện chặt chẽ.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục khuyến khích các hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác để vừa mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; tập trung xây dựng một số mô hình điển hình, hiện đại nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến, nhân rộng, đảm bảo các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác