Nông nghiệp

Cách “phục sức” tối ưu cho cây có múi sau thời kỳ nuôi quả bằng phân bón Văn Điển

Trọng Hòa – Nam Phong - 07:05 19/10/2024 GMT+7
So với miền Nam, thì thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc có những đặc trưng riêng. Do đó việc chăm bón để phục sức cho cây có múi (cam, bưởi, quýt…) thời kỳ sau thu hoạch cũng có những điểm riêng cần lưu ý. Và một trong những giải pháp tối ưu là sử dụng phân bón Văn Điển đúng cách.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về phân bón cho biết: Ở miền Bắc, khí hậu phân mùa rõ rệt: Mùa Xuân ấm và ẩm, mưa dầm; mùa Hè và mùa Thu nắng lắm, mưa nhiều, thậm chí còn nhiều bão gió; mùa Đông thường rét và khô. Các loại cây ăn quả có múi ở miền Bắc thường nghỉ đông để tích trữ dinh dưỡng, sau đó ra hoa vào vụ Xuân, và thu hoạch rải rác từ cuối Thu đến đầu Xuân.

Sau mỗi mùa hiến dâng dưỡng chất nuôi quả ngọt, cây bưởi cần được phục sức, chăm bón đúng cách để đủ dinh dưỡng nuôi quả mùa sau. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Các loại cây có múi thường có thời gian khai thác từ 20 - 30 năm, thậm chí nhiều loại cây có thời gian dài hơn. Trong thời gian cho quả, cây trồng đã tích trữ trong cây một lượng lớn chất dinh dưỡng. Do vậy việc thu hoạch quả cũng đồng nghĩa với việc lấy đi một lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng, làm cho cây gần như kiệt quệ, cành lá và bộ rễ dễ bị già đi, dễ phát sinh các loại sâu bệnh gây hại, làm cho năng suất và chất lượng sản phẩm vụ sau kém hơn vụ trước. Do vậy sau thu quả, nhà vườn cần phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản là vừa giúp cây hồi phục dinh dưỡng sau thu hoạch vừa bảo đảm cây được nghỉ Đông, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho vụ Xuân tới cây ra hoa, nuôi quả.

Vai trò của dinh dưỡng trong “hồi sức” cho cây ăn quả sau thu hoạch

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp cho thấy, sau khi thu hoạch quả thì rễ là bộ phận bị mất “lực” nhiều nhất, rồi đến lá, cành. Do vậy, cùng với việc bấm cành, tỉa tán cây, cần song song chăm sóc phục hồi bộ rễ. Dinh dưỡng lân và các dinh dưỡng trung, vi lượng là nhu cầu lớn nhất của cây trong giai đoạn này.

Các chất trung lượng, vi lượng nằm trong 16 nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng. Mặc dù được cây trồng hút với số lượng không nhiều, song nhóm nguyên tố trung, vi lượng là những chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu giúp thân, lá, rễ cây trồng cứng cáp hơn, bộ khung cây bền chắc, làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn chế tác hại bởi thời tiết khắc nghiệt như: hạn, úng, gió bão, nóng và giá rét… Ngoài ra, dinh dưỡng trung, vi lượng còn tham gia cấu trúc các Co-Enzyme trong cây, giúp cân đối các hoạt động sống trong cây và còn có tác dụng cải tạo đất góp phần gia tăng năng suất và chất lượng quả khi thu hoạch. Trong nhóm cây có múi, cây bòng bưởi cao to hơn, bộ rễ ăn sâu và rộng hơn, quả to và nặng hơn, nên dễ bị tổn thất hơn khi gặp mưa to, gió lớn, úng, hạn…  Trong khi đó, hiện nay đa số nông dân đều mới chỉ quan tâm cung cấp đầy đủ phân đa lượng (NPK) nhưng ít người nghĩ đến việc bổ sung phân trung, vi lượng cho cây.

Xới đất theo tán cây, chuẩn bị cho bón phân sau khi thu hoạch quả.. Ảnh minh hoạ: Tư liệu.

Vai trò của dinh dưỡng trung, vi lượng thể hiện rõ nhất là:

Canxi (Ca) giúp khử chua cho đất, điều chỉnh độ pH thích hợp cho cây trồng phát triển. Ca giúp làm cứng thành vách tế bào; trong dịch bào, Ca hoạt hóa nhiều Enzyme cần thiết cho quá trình phân chia tế bào, nhất là ở mô phân sinh đỉnh. Ca đóng vai trò kích thích rễ cây phát triển, giúp hình thành các hợp chất tạo nên màng tế bào, làm cho cây trở nên cứng cáp hơn, đồng thời làm tăng hoạt tính một số men, trung hòa các axit hữu cơ trong cây. Vì vậy, với cây ăn quả, bón canxi làm cho quả có lượng đường cao hơn, ngọt hơn, thịt quả giòn hơn.

Magie (Mg) là chất tạo diệp lục tố và khử chua giúp làm cho cam, bưởi tăng độ ngọt, tăng thời gian bảo quản. Silic khử độc sắt (Fe) và mangan (Mn), silic (Si) giúp thành mạch vành vững chắc làm cho sâu bệnh khó thâm nhập, làm giảm sự thoát hơi nước giúp tăng khả năng chống hạn, hạn chế nám vỏ quả. Silic còn góp phần cứng cây, tăng chất lượng quả như tăng độ ngọt, nhiều nước và hương vị của quả.

Còn nếu thiếu kẽm (Zn), cây có lá non nhỏ và có các bệnh dưới gân lá, triệu chứng giống bệnh Greening thường gặp ở đất quá chua hoặc kiềm..

Nhìn chung thiếu dinh dưỡng vi lượng như đồng (Cu), molipden (Mo), Bo (B), Mn, Zn… sẽ làm cây mất cân đối về dinh dưỡng, dễ xảy ra bệnh khảm vàng lá, rụng hoa, rụng quả non. Vi lượng còn giúp giảm số hạt trong quả cam, bưởi…, tăng hương vị, làm đẹp mã cho quả.

Tính chất ưu việt hiếm có của phân bón Văn Điển

Trong các loại phân bón hiện nay, ngoài phân hữu cơ ra, chỉ có phân lân nung chảy Văn Điển đáp ứng được tốt nhất nhu cầu trên cho cây trồng: Dinh dưỡng dễ tiêu trong phân lân nung chảy Văn Điển có: P2O5  từ 15-19%, MgO từ 15-18%, SiO2 từ 24-32%, CaO từ 28-34% và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn,Cu,Zn, Bo, Mo…

Do đặc tính không tan trong nước, phân chỉ tan trong môi trường axít yếu do rễ cây tiết ra, nên cây cần dùng đến đâu thì phân lân nung chảy Văn Điển tan đến đó. Vụ này cây dùng không hết vẫn để dự trữ trong đất dành cho vụ sau mà không tạo hiện tương “phú dưỡng” cây hoặc đất, cũng  không bị rửa trôi hoặc bị các kim loại trong đất cố định thành dạng khó tiêu cho cây trồng. Do vậy phân lân nung chảy Văn Điển thể hiện rất rõ tính ưu việt cho vùng thời tiết nóng, ẩm, đặc biệt trên địa hình đồi dốc, phù hợp cho thâm canh mọi cây trồng, đăc biệt cho cây ăn quả lâu năm. 

Kết hợp với đạm, kali và một số dinh dưỡng vi lượng khác, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã sản xuất ra phân bón đa yếu tố NPK cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu sinh lý từng loại cây trồng, trên từng chân đất, trong mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau. Chẳng hạn, một số dạng phân bón đa yếu tố NPK chuyên bón vùi sâu cho cây có múi như:

Phân đa yếu tố NPK 5.10.3 có hàm lượng các chất dinh dưỡng: N:5%; P2O5:10%; K2O:3%; S:2%; MgO:9%; CaO:15%; SiO2:14%;  ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co..

Phân đa yếu tố NPK 10-12-5 có tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng 69%, trong đó N:10%, P2O5: 12%, K2O: 5%, MgO: 8%, CaO: 16%, SiO2: 15%, S: 3% và các chất vi lượng: Zn, Fe, B, Mn, Cu…

Phân  đa yếu tố NPK 10:7:3 có hàm lượng các chất dinh dưỡng: N:10%, P2O5: 7%, K2O: 3%, MgO: 8%, CaO: 16%, SiO2: 15%, S: 6%) và các chất vi lượng Zn, Fe, B, Mn, Cu, tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 65%. Đây là những loại phân bón rất tốt cho cây ăn quả, đặc biệt chăm bón giai đoạn sau thu quả.

Nhà nông có thể dùng phân bón Đa yếu tố NPK 12-8-12 và NPK 10-12-5 bón phục sức cho cây có múi, theo hướng dẫn của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh. Ảnh Tư liệu.

Kỹ thuật chăm sóc cây có múi sau thu hoạch bằng phân bón Văn Điển

Theo khuyến cáo của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, ngay sau thu hoạch bưởi 1-2 ngày, khi trời tạnh nắng, nhà nông dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành để hạn chế một số sâu bệnh xâm nhiễm gây hại. Tiếp theo, nhà nông cần xới xáo lớp đất mặt vườn tạo độ thông thoáng giúp bộ rễ phát triển khỏe, đặc biệt sau các trận mưa lớn năm nay. Đồng thời, nhà nông cần bón phân hữu cơ và phân khoáng giúp cây hồi phục sau thu hoạch.

Để bón phân, người chủ vườn cần đào rãnh xung quanh tán, theo hình chiếu tán cây; trộn đều phân vảo đất và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân (chỉ nên lấp đất 2/3 rãnh đào) rồi sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc giữ ẩm cho cây. Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây,  cũng như năng suất đã thu hoạch và tiềm năng của cây. Thường mỗi gốc bưởi trên 5 tuổi cần bón khoảng 10-20kg  phân hữu cơ ủ hoai mục và khoảng 5-10kg phân lân nung chảy, 4- 5kg  phân  NPK 5:10:3 hoặc NPK 10:12:5, giúp cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ phát triển khỏe, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý.

Hàng năm, nhà nông cần bón phân hữu cơ kết hợp với phân lân nung chảy, phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên bón lót, làm cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ phát triển khỏe, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý.

Từ tháng 2, tháng 3 trở đi, khi bưởi đã ra nụ, nên bón thúc hoa, bón thúc nuôi quả, dưỡng quả… bằng phân bón đa yếu tố Văn Điển chuyên bón thúc, công thức NPK 12:5:10; NPK 13:3:10;  NPK 12:8:12 hoặc NPK 12:12:17. Đây là những loại phân bón làm tăng năng suất và chất lượng quả bưởi.

Vài điểm nhà nông cần lưu ý

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, những cây nhiều tuổi hơn, căn cứ sức sinh trưởng và năng suất cây mà tăng lượng phân bón khoảng 10-15% trên 1 tuổi tăng thêm. Những cây cam, cây bưởi ra quả ít, thân lá phát triển mạnh cần phải chủ động kìm hãm sinh trưởng để kích thích phân hóa mầm hoa bằng cách cuốc sâu và phơi khô đất vùng xung quanh gầm tán cây, cách gốc khoảng 0,5–1m tùy độ rộng tán cây. Sau khi làm đứt bớt tầng rễ ăn nông và phơi khô đất làm “chột” bớt cây thì tiến hành bón phân.

Nhà nông không được tưới nước vào giai đoạn mùa đông khô rét, nhằm khống chế lứa lộc Đông hoặc Xuân sớm. Chỉ khi xuất hiện nụ, hoa mới tưới và bón phân chuyên thúc đón hoa, nuôi quả. Lúc này, nhà nông không được xới xáo làm đứt rễ cây, mà nên bón phân vào phần rãnh đào còn bỏ nông, rồi tưới nước nếu trời khô hạn.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh.

Nhìn chung, mùa Đông, mùa “cây khô lá vàng”, mọi cây ăn quả đều ngừng hoặc hạn chế sinh trưởng để tích lũy dinh dưỡng cho mùa hoa quả năm tới. Vì vậy việc bón phân cho cây có múi giai đoạn này có thể tiến hành trước hoặc sau kỳ khô rét tùy thuộc vào mỗi loại cây và thời điểm thu hoạch của mỗi cây.

Bón phân lân nung chảy Văn Điển và các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên bón lót sâu nhằm hồi phục bộ rễ, làm cho cây trồng phát triển khoẻ, cân đối, lá dày ít sâu bệnh, tăng số hoa và đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả sinh lý, giúp quả bóng, to, nhẵn, màu sắc hấp dẫn, bưởi ngọt, nhiều nước, bảo quản được lâu dài.

Trọng Hòa – Nam Phong

         

Tin cùng chuyên mục
Tin khác