Trong hai tháng cuối năm 2023, tại nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra các hội nghị tập huấn kỹ thuật về sử dụng phân bón Văn Điển và tiếp nhận hàng trăm tấn phân bón phục vụ cho vụ Đông Xuân 2023-2024. Đây là một phần của Chương trình hỗ trợ Hội viên nông dân sử dụng sản phẩm phân lân nung chảy và phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển, do Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển và Nhà phân phối cấp 1 tại Hà Tĩnh triển khai.
Mới đây nhất, ngày 27/12/2023, Hội Nông dân thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tổ chức cung ứng trên 11 tấn phân bón theo chương trình trả chậm cho nông dân. Trong số sản phẩm cung ứng đợt này, có phân lân nung chảy và các dòng phân đa yếu tố NPK Văn Điển.
Tổ chức 60 buổi tập huấn, hỏi đáp về phân bón cho nông dân
Trước đó, vào tháng 11/2023, Hội Nông dân phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón Văn Điển. Về dự buổi tập huấn có bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh; ông Trương Công Trung - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Tĩnh; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường và 150 cán bộ, hội viên nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Hội Nông dân xã Tân Hương, huyện Đức Thọ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả cho hội viên nông dân. Ảnh: Đoàn Thị Liên.
Tại lớp tập huấn, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã đi sâu vào các vấn đề mà người nông dân cần, đặc biệt là giới thiệu những ưu điểm, tác dụng của các dòng sản phẩm phân bón Văn Điển đối với các loại cây trồng trên nhiều chất đất khác nhau. Nông dân dược hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, liều lượng bón, thời kỳ bón phân cho các loại cây trồng, hướng dẫn chi tiết về quy trình sử dụng phân bón Văn Điển khép kín từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch mà không cần bón thêm các loại phân bón nào khác (ngoài phân chuồng, phân hữu cơ). Hoạt động này sẽ giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng bón phân đơn riêng rẽ, hiệu quả thấp.
Nhiều nông dân hào hứng đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng phân bón cho cây trồng, về cách phân biệt phân bón chính hãng với phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phương pháp sử dụng phân bón Văn Điển hiệu quả. Ngay tại đây, các câu hỏi đều được giải đáp thỏa đáng, khiến nông dân yên tâm hơn khi sử dụng phân bón đã có thương hiệu nổi tiếng như Văn Điển.
Đây không phải là một vài hoạt động đơn lẻ tự phát ở địa phương, mà là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động của Chương trình hỗ trợ Hội viên nông dân sử dụng sản phẩm phân lân nung chảy và phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển và Nhà phân phối cấp 1 của Công ty tại Hà Tĩnh triển khai.
Phân bón Văn Điển được người dân nhiều miền quê Hà Tĩnh đặt hàng chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2023-2024.
“Sau khi sử dụng, chúng tôi nhận thấy phân bón Văn Điển rất tốt..."
Theo thông tin từ Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh, một số hoạt động bước đầu của Chương trình này đã được triển khai, với những nội dung như sau:
Thứ nhất, tổ chức 60 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý trên các loại cây trồng tại các địa phương cho gần 6.000 lượt hội viên nông dân các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh. Thông qua các lớp tập huấn này, các hội viên nông dân đã nắm vững quy trình sử dụng các loại phân bón cho từng loại cây trồng; nắm vững những vấn đề cần lưu ý khi mua các sản phẩm phân bón để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường..
Thứ hai, sau tập huấn, thông qua hệ thống Nhà phân phối cấp 1 của Công ty Văn Điển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã kết nối cung ứng các sản phẩm phân lân nung chảy và các dòng sản phẩm phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển cho hội viên nông dân phục vụ phát triển sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. Đến thời điểm hiện nay, sau 1 tháng triển khai, Trung tâm và Nhà phân phối đã cung ứng được gần 500 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân Hà Tĩnh.
Thứ ba, sau hai bước triển khai nói trên, Chương trình hỗ trợ đã được Cán bộ hội các cấp và hội viên nông dân đồng tình, hưởng ứng và đánh giá cao và phối hợp sử dụng ngay phân bón vào mùa vụ. Nông dân được hỗ trợ phân bón Văn Điển theo hình thức trả chậm đều rất phấn khởi, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ảnh hưởng đến thu nhập và nguồn tài chính sẵn có của nông dân, việc nhận phân bón trả càng có ý nghĩa với nông dân.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Nguyễn Lê Duy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết: Năm 2023, là năm đầu tiên hội viên nông dân xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) tham gia Chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm từ Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển và đại lý cấp 1, nhận về 20 tấn phân bón. Hội Nông dân xã đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, tổ chức hội nghị tuyên truyền để bà con nông dân biết và cùng nhau hưởng ứng.
Để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 đúng theo lịch thời vụ, ngày 05/11/2023, Hội Nông dân xã Sơn Tây phối hợp với Hội Nông dân huyện Hương Sơn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiến hành cung ứng hơn 18 tấn phân bón Văn Điển cho hội viên, nông dân trên địa bàn xã. Các dòng sản phẩm phân Văn Điển mà nông dân xã Sơn Tây đăng ký mua 18 tấn là NPK 5.10.3; NPK 12.5.10; NPK 16.16.8. Đây là những sản phẩm phân bón đa yếu tố, có đầy đủ các dinh dưỡng đa, trung, vi lượng, tốt cho cây đồng thời góp phần cải tạo độ màu mỡ của đất trồng.
Niềm vui của những người dân Hà Tĩnh được đón nhận sản phẩm phân bón chất lượng tốt, có thương hiêu và được trả chậm.
“Sau khi sử dụng, chúng tôi nhận thấy phân bón Văn Điển rất tốt. Hiện tại bà con đã dùng phân bón Văn Điển vào sản xuất vụ Thu Đông. Phía Công ty và đơn vị cung ứng phân bón Văn Điển đã có hỗ trợ vay phân bón trả chậm cho bà con, cung ứng về tận thôn nên người dân chúng tôi không phải ra các đại lý để mua phân, tránh được vấn nạn rất lớn là sự dụng phải phân bón kém chất lượng để rồi “tiền mất tật mang” – Ông Nguyễn Lê Duy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết thêm;.
Được tham gia chương trình hỗ trợ sử dụng phân bón trả chậm, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, một nông dân ở thôn Cây Tắt (xã Sơn Tây, Hương Sơn) cũng vui vẻ nói: “Năm nay tôi mua hơn 3 tạ phân bón trả chậm Văn Điển. Phía cung ứng phân bón Văn Điển cho bà con rất tạo điều kiện cho chúng tôi, khi đưa đến tận chi hội và chi hội đưa đến tận từng hộ. Hiện tại tôi dùng để bón ngô, đem trộn phân lân nung chảy với loại phân đa yếu tố NPK công thức 16-16-8 Văn Điển, thấy dùng hiệu quả tốt, nhiều người khen vì cây ngô chắc hơn, màu xanh hơn”.
Theo dự kiến, trong vụ Đông Xuân 2023 -2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các đối tác cung ứng từ 700-800 tấn phân bón Văn Điển các loại theo hình thức trả chậm, hỗ trợ hội viên nông dân nhiều địa phương của Hà Tĩnh phát triển sản xuất.
Việc tổ chức cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm tại Hà Tĩnh nói riêng cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước đã giúp cho bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có kinh phí mua phân bón được sử dụng các sản phẩm phân bón bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, kịp thời sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập. Về phía doanh nghiệp cũng được gia tăng phục vụ và hỗ trợ nông dân – những khách hàng trực tiếp sử dụng vật tư nông nghiệp để tạo ra lương thực, thực phẩm và của cải cho xã hội. Đây là chương trình rất có ý nghĩa không chỉ với nông dân, mà còn góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội khác liên quan. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp, cùng lợi ích giữa hai nhà: Nhà nông và Doanh nghiệp.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”