Phân bón Văn Điển và những kỷ niệm khó quên của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh
Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trò chuyện thú vị với kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh về những điều chưa kể về người được nông dân gọi là “kỹ sư phân bón” này.
Phóng viên: Thưa kỹ sư, ông muốn chia sẻ điều gì khi có nông dân muốn biết thêm về người kỹ sư hướng dẫn sử dụng phân bón có thực sự là chuyên gia hay chỉ là “người đọc sách” thông thường?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh: : Nếu thực sự chỉ là người đọc, thì người nghe là nông dân có kinh nghiệm và chú tâm, họ sẽ nhanh chóng nhận ra tôi ngay! Tôi đã có gần 10 năm công tác ở Sở Nông nghiệp Hà Tuyên cũ (gộp Hà Giang và Tuyên Quang từ năm 1975-1991). Đến năm 1985 thì tôi chuyển công tác về Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình và làm việc ở đó cho đến năm 2015 thì nghỉ hưu. Trong nhiều năm giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật ở Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, tôi đã tiếp xúc, tìm hiểu và trải nghiệm, tổ chức hội thảo với nhiều loại phân bón của các hãng sản xuất khác nhau và có duyên gắn bó rất nhiều với nông dân trong lĩnh vực này.
Từ năm 2015, tôi nghỉ hưu nhưng do vẫn yêu thích hoạt động chuyên môn, nên tiếp tục làm chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp, viết bài kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân, tham gia các hội thảo về phân bón. Năm nào tham gia nhiều thì có tới 50-60 hội thảo, năm ít (như năm 2023) tôi cũng tham gia tới 30 cuộc hội thảo, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón Văn Điển. Vì vậy, thật may mắn là kiến thức cũng như thực tế trên đồng ruộng thường xuyên được cập nhật. Nhà báo đừng tưởng là nói với nông dân thì nói thế nào cũng được! Họ là người thực tế, nhiều người rất thông minh, mình nói không chuẩn là họ tranh luận lại ngay! Huống hồ, ngày nay, báo chí, truyền thông và mạng xã hội đều có thể tiếp cận ngay trên điện thoại. Họ có thể tra cứu, đối chiếu. Tuy nhiên, cái giá trị của người làm chuyên môn vẫn có vị trí riêng, vì không phải là kiến thức sách vở, mà chính là công thức, kinh nghiệm đúc kết và khả năng ứng dụng vào mùa màng trong điều kiện khác nhau của thời tiết, mùa màng, thổ nhưỡng, văn hoá canh tác từng vùng. Đây chính là cái mà nông dân cần trước một “rừng” thông tin rậm rạp trên mạng hiện nay.
Phóng viên: Ông từng hội thảo, viết hoặc trả lời tư vấn nhiều lần về phương pháp sử dụng phân bón các loại khác nhau, xin cho biết điều gì khiến ông tâm đắc và thích thú nhất?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh: Trong hơn 40 năm công tác, trải nghiệm với nhiều sản phẩm phân bón của các nhà sản xuất khác nhau, đi qua các miền quê khắp đất nước ta, tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm chuyên sâu về sử dụng phân bón cho từng loại cây, từng mùa vụ. Song với tư cách một người làm chuyên môn kỹ thuật, với sự công tâm khách quan, tôi vẫn phải nói lên một điều, là đến bây giờ tôi vẫn rất tâm đắc về tính chất đặc biệt của phân lân nung chảy Văn Điển – một loại phân mà tôi cho là “rất tinh khiết”. Các bạn cứ hình dung, trong một bao phân bón Urea trên nhãn mác ghi 46%, tức là tỷ lệ dinh dưỡng đạm mà cây trồng có thể hấp thụ được từ loại phân này ở mức 46%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở phân lân nung chảy Văn Điển lên tới… 96-98%! Đây là loại lân nung chảy, được chế biến hoàn toàn từ quặng khoáng thiên nhiên, được nung chảy ở nhiệt độ cao, rồi làm lạnh đột ngột, do đó phân lân nung chảy không tan trong nước, mà chỉ tan trong môi trường a xít yếu do rễ cây tiết ra. Vì vậy mà cây có thể “ăn” từ từ mà không lo phân bị rửa trôi hay thẩm thấu vào trong đất. Tôi đã thể nghiệm điều này trong nhiều năm qua, và đến bây giờ tôi vẫn thấy cực kỳ tâm đắc về đặc điểm này của lân nung chảy Văn Điển.
Phóng viên: Khi ông chia sẻ điều này, ông có nhận được những hoài nghi hay phản hồi nào đáng nhớ?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh: Với những nông dân có kinh nghiệm, thì họ thường rất thích cái mới và sẵn sàng thử nghiệm, và kết quả trên đồng ruộng sẽ giúp họ khẳng định. Nhưng cũng có những người nghi ngờ, điều đó dễ hiểu thôi. Như người nào đã ăn khế chua thì mới biết được vị chua của nó thế nào. Tôi nhớ vào năm 2015, tôi cùng một vị tiến sỹ cây trồng cùng đi hội thảo về phân bón ở Đồng Tháp cùng với đội kỹ thuật của Tập đoàn L.T (một tập đoàn nông nghiệp lớn ở miền Nam, thời điểm đó có tới hơn 1.000 kỹ sư bám đồng ruộng cùng người sản xuất), sau khi phân tích những đặc điểm cơ bản của phân lân nung chảy Văn Điển, nhiều số kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp Đại học ra, tỏ vẻ vẫn hoài nghi do chưa được kiểm chứng trực tiếp. Lúc đó, trên bàn hội thảo có mẫu phân lân Văn Điển và một số chai nước lọc tinh khiết (dùng để phục vụ quan khách uống trong hội thảo) , bèn nảy ra ý định tạo ra một trải nghiệm nhanh cho các kỹ sư trẻ. Tôi đề nghị họ cho một ít phân lân nung chảy vào chai nước thì nước vẫn trong (phân không tan), sau đó vắt chanh vào thì thấy phản ứng nước chuyển màu đục ngay (phân bắt đầu tan). Khi cho quỳ tím (chất thử) vào thì có phản ứng, quỳ chuyển màu ngay. Vì vậy, tính chất đặc biệt của phân lân nung chảy được kiểm chứng ngay tại chỗ, thuyết phục được những người cán bộ trẻ ấy.
Phóng viên: Trong quá trình tư vấn cho nông dân, ông có từng gặp phải “tai nạn nghề nghiệp” nào không?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh: Tôi hiểu rằng khi nhà nông bón phân cho cây, thì phải một thời gian sau mới thấy kết quả. Kể cả chọn được phân bón tốt như phân bón Văn Điển, mà quy trình sai, hoặc kể cả quy trình đúng mà không hợp thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền thì nhà nông cũng “mất ăn”. Nếu người tư vấn sai, hoặc tư vấn không tới, thì sau một thời gian dài thực hành họ mới biết, lúc đó họ đã tốn kém thời gian, tiền bạc nhiều rồi. Nên tôi luôn tự nhắc mình thận trọng, nghiên cứu kỹ, thực chứng rồi mới hướng dẫn, do đó chưa có “tai nạn” đáng tiếc nào xảy ra.
Tuy nhiên chuyện “cười ra nước mắt” thì có. Chẳng hạn, tôi nhớ một lần về hội thảo ở xã Duyên Hải của huyện Hưng Hà ở Thái Bình, khi đang chia sẻ về đặc điểm của phân lân nung chảy Văn Điển thì một bác nông dân chạy lên cướp micro và nói đề nghị công ty bỏ cái dằm đi, vì khi bốc phân lân gặp phải những “cái dằm” đâm vào tay đau lắm mà không khêu được. Thực ra “Cái dằm nhỏ” đó chính là những tinh thể silic, loại dinh dưỡng quý, chiếm tỷ lệ khá nhiều trong lân nung chảy, chứ không phải vật vô tác dụng lẫn vào phân như bác này tưởng. Lân nung chảy được làm lạnh đột ngột, các tinh thể silic kết tinh lại như những cái dằm thuỷ tinh nhỏ, có thể găm vào làm đau tay. Tôi hỏi lại các bác đã tuân thủ hướng dẫn ghi trên bao bì phân bón chưa? Trên đó có ghi rõ cần dùng bao tay khi bốc, trộn phân bón; nếu bị dằm thì không cần rửa hoặc khêu, chỉ dùng dấm chua hoặc múi chanh, múi quất xát nhẹ là hết dằm. Mọi người ồ ra, đúng là chưa đọc kỹ nên không tuân theo. Về sau thì Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đã từng bước cải tiến, nghiền nhỏ ra để tránh “dằm” đâm vào tay, sau đó cải tiến tiếp thành vo viên như hiện nay để khi dùng không còn trở ngại “dằm” đâm vào tay nữa.
Phóng viên: Thưa ông, nông dân được mùa nông sản từ hướng dẫn sử dụng phân bón của ông thường thể hiện tình cảm của họ như thế nào?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh: Tôi rất vui vì dù đã nghỉ hưu vẫn được gắn bó với nông dân, với lĩnh vực mà tôi yêu thích. Rất nhiều lần, tôi được nhà nông tặng quà, nhiều nhất là trái cây, bởi phân bón Văn Điển cực kỳ hợp với cây ăn quả và đã góp phần giúp nông dân nhiều vùng trên đất nước ta thu được năng suất chất lượng cao. Chẳng hạn, vùng Tân Lạc (tỉnh Hoà Bình) nơi tôi nhiều lần hội thảo với nông dân là một trong những vùng cây ăn quả có dấu ấn rõ rệt của việc sử dụng phân bón Văn Điển. Còn nhiều vùng khác nữa…
Nhưng “Món quà” lớn nhất mà những người làm kỹ thuật như tôi, cũng như các doanh nghiệp có thương hiệu như Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển nhận được, chính là sự thành công của nhà nông trong từng mùa vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của họ ngày một nâng cao, sản phẩm của họ làm ra đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, gián tiếp củng cố sức khoẻ của người tiêu dùng. Đó là điều làm cho những người làm chuyên môn như tôi thấy vui nhất!
Xin cảm ơn kỹ sư!
Nam Phong thực hiện