Đắk Lắk: Họp báo phản hồi một số vấn đề báo chí đăng tải thời gian vừa qua
Tại buổi họp báo, các sở, ngành liên quan đã phản hồi một số vấn đề báo chí đăng tải thời gian vừa qua. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) phản hồi về bài viết “Gần 400ha rừng tại Trung tâm Bảo tồn voi bị suy giảm không rõ nguyên nhân” của Báo Tiền Phong.
Sau khi bài báo được đăng tải, Sở đã yêu cầu các đơn vị: Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng; Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị biến động. Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để diện tích rừng bị giảm không rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc để diện tích rừng tự nhiên bị biến động lớn, trong thời gian dài nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời, để người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng và chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được báo cáo về việc suy giảm gần 400ha rừng thuộc lâm phận do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng quản lý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị biến động; đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để diện tích rừng bị giảm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc xác minh, cập nhật diễn biến chưa chính xác, không làm rõ nguyên nhân đối với diện tích rừng bị giảm 392,47ha; trong đó, có diện tích 25,56ha đã được cập nhật năm 2022 là đất có rừng tự nhiên 23,28ha và đất đã trồng rừng 2,28ha, nhưng năm 2023 cập nhật bị biến động theo nguyên nhân khác.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT ngày 26/3/2024, Chi cục Kiểm lâm đã có Công văn số 252/CCKL-QLBVR yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn báo cáo giải trình, kiểm điểm làm rõ nguyên nhân diện tích rừng bị giảm hơn 392ha; báo cáo kết quả thực hiện gửi về Chi cục Kiểm lâm trước ngày 10/4/2024.
Về nội dung bài viết “Nhiều công trình nước sạch nông thôn ngưng hoạt động, người dân gặp khó” đăng trên Báo Điện tử VOV, hiện toàn tỉnh có 52 công trình cấp nước ngừng hoạt động do UBND cấp huyện, xã, hoặc các phòng chuyên môn của cấp huyện làm chủ đầu tư và được bàn giao cho UBND cấp xã hoặc cộng đồng quản lý vận hành; tuy nhiên, do một số chủ đầu tư chưa nắm vững về chuyên môn ngành nước, dẫn đến một số bất cập, tồn tại khi lập dự án, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành sau đầu tư…
Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động. Trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương hoặc tự lồng ghép các nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; đồng thời, kiện toàn lại các tổ chức quản lý vận hành nhằm bảo đảm khi công trình đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả…
Về việc “Sân golf mini, homestay xây trái phép ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột” theo phản ánh của Báo Tuổi trẻ, đại diện lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, các sai phạm nêu trong bài viết đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột, UBND phường Tân An kiểm tra, xử lý và cá nhân vi phạm đã chấp hành nộp tiền phạt, thực hiện tháo dỡ hạng mục xây trái phép. Các hạng mục hồ bơi, sân bãi để xe… chưa khắc phục, hiện đang được UBND phường Tân An tiến hành thủ tục để xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm nêu trên trước ngày 30/5/2024…
Tại buổi họp báo, đại diện Sở Nội vụ thông tin về tiến độ triển khai Đề án mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 09/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND TP. Buôn Ma Thuột và các đơn vị có liên quan triển khai, nghiên cứu, rà soát, thu thập tài liệu; đánh giá các tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức lấy ý kiến nhằm xác định phương án, ranh giới mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột để phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao các cơ quan chức năng đã phản hồi đầy đủ, chính xác và đã có những giải pháp xử lý đối với những vấn đề được báo chí phản ánh. Đối với Đề án mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay mới triển khai rà soát ban đầu, còn phải đi qua nhiều bước, nhiều quy trình và cần rất nhiều thời gian mới đưa ra được thông tin chính thức. Vì vậy rất mong các cơ quan báo chí thông tin chính xác đến người dân nhằm định hướng tốt dư luận trong thời gian tới…
- Đắk Lắk đưa Cổng Thông tin điện tử của tỉnh lên Zalo
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024