Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Đam mê, sáng tạo vì nông dân

Hà Sa - 07:15 01/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông, nên ông Đinh Văn Sơn cũng gắn cuộc đời với ruộng vườn. Đào ao thả cá rồi dựng trại chăn nuôi nhưng bao phen thua lỗ bởi chi phí thức ăn quá cao. Từ đó ông ngày đêm nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy ép cám viên không chỉ được đánh giá cao qua các Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông“ mà còn trở thành phương tiện giúp nông dân làm giàu.
Hàng trăm máy ép, sấy cám viên của ông Đinh Văn Sơn (xã Long Cang, huyện Cần Đước) đã được bán ra thị trường.

Nông dân mê chế tạo

Sinh ra ở vùng sông nước xã Long Cang (huyện Cần Đước, Long An) bố mẹ làm nghề nông nên ông Đinh Văn Sơn (SN 1961) hiểu được nỗi cơ cực “một nắng hai sương“ của người nông dân. Nhà nghèo, nên ông chỉ được học hết lớp 6 rồi quay về với đồng ruộng. 

Ông kể: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có diện tích 0,5ha lúa sản xuất không hiệu quả nên tôi mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cải tạo đất, đào ao nuôi cá. Những năm đầu sử dụng thức ăn công nghiệp mua của các công ty, chi phí thức ăn cao nên lãi suất thu được thấp, có năm chỉ được hoàn vốn”.

Càng làm càng lỗ, càng nghèo, nên ông mới nảy sinh ý muốn chế tạo ra máy móc để giảm chi phí, giảm nhân công mà vẫn sản xuất quy mô lớn. Tuy không được học hành bài bản nhưng ông Sơn thừa nhận vốn có tính ham tìm tòi, học hỏi. Những kiến thức về cơ khí ngoài tự tìm hiểu, ông còn được tham gia lớp đào tạo nghề hàn ngắn hạn Tại Trung tâm dạy nghề huyện Bến Lức thuộc Chương trình hỗ trợ nghề cho nông dân của Hội ND tỉnh Long An.

Đây là vốn kiến thức quan trọng để ông Sơn quyết tâm chế tạo ra máy ép cám viên. Năm 2010, ông mày mò và sáng chế ra máy xay, ép, sấy cám viên chủ yếu để sử dụng trong gia đình. Nguyên liệu để chế biến cám viên là các loại phế phẩm như đầu cá, ruột cá và ốc bươu vàng… để phục vụ cho việc nuôi cá và góp phần giảm phế thải từ nông sản, bảo vệ môi trường, giảm được chi phí mua thức ăn công nghiệp. Dù máy còn đơn sơ nhưng ngay vụ cá đầu tiên đã thấy có hiệu quả rõ khi chi phí giảm, lãi cao hơn.

Từ những thành công bước đầu, ông quyết định chế tạo ra máy ép cám viên với qui mô lớn hơn. Tuy nhiên, thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn vì chế tạo ra 1 cái máy hết nhiều chi phí. “Cái đầu tiên tốn gần 100 triệu đồng, sau đó tôi cải tạo dần còn 50 triệu và hiện nay chi phí toàn bộ máy giảm còn 30 triệu. Nhiều người thấy tôi suốt ngày “chơi” với sắt thép nên đến coi rồi về mà không hiểu gì cả. Có những người nghe tôi nói sáng chế máy móc đã không nghĩ tôi thành công. Tuy nhiên, bản thân tôi rất tin tưởng mình làm được, miễn sao phải kiên trì và đam mê. Cứ thế, phương châm của tôi là “thua keo này, bày keo khác”, sai thì sửa”, ông Sơn kể.

Ông Đinh Văn Sơn hướng dẫn thợ lắp máy tại xưởng sản xuất.

Sáng tạo vì nông dân

Sau 3 năm mày mò, nghiên cứu, dù quá trình sản xuất gặp trở ngại về vốn, về thị trường đầu ra, nhưng với tinh thần quyết tâm cao và có sự hỗ trợ, đồng hành của Hội Nông dân xã, huyện, tỉnh đã là nguồn động lực để ông Sơn hoàn thiện chiếc máy và cung cấp ra thị trường.

Ông Sơn cho biết: Cấu tạo của máy gồm 1 cối ép cám có động cơ từ 2 đến 3 ngựa tùy cối cám lớn hay nhỏ, 1 dàn sắt cao 60 đến 70cm, lắp mô tơ chạy 1.400 vòng/phút, chuyền lực giảm tốc qua 4 băng chuyền giảm tốc còn 140 đến 180 vòng/phút, tự sấy khô của dòng điện đi qua cho viên cám. Công suất hoạt động của máy trung bình 800kg đến 1.000kg/ngày, sử dụng 3 công lao động vận hành máy. So với sử dụng cám công nghiệp, cám từ máy ép có chi phí thấp hơn 40%, máy tiết kiệm điện và rất tiện dụng cho người dân. 

Với tính hiệu quả khi ứng dụng, chiếc máy ép, sấy cám viên của ông Sơn đoạt giải Nhì tại Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh và giải Tư Hội thi Sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội ND Việt Nam tổ chức năm 2013. Thấy chiếc máy giúp giảm được chi phí chăn nuôi, năm 2013, ông Sơn mở một xưởng cơ khí sản xuất máy để bán. Đến nay, máy ép, sấy cám viên được ông cải tiến ngày càng hiện đại. Hiện chiếc nhỏ nhất có công suất sấy 0,5 tấn/8 giờ, loại lớn nhất là 5 tấn/8 giờ. Từ năm 2013 đến nay, ông Sơn bán ra thị trường hàng trăm chiếc máy ép, sấy cám viên. Không chỉ bán ở các tỉnh, thành trong nước mà ông còn xuất khẩu máy sang thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Indonesia... Hiện xưởng cơ khí của ông tạo việc làm ổn định cho 5-7 lao động địa phương với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

“Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid- 19 diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, số lượng sản xuất máy có giảm so với 2 năm trước, nhưng tôi thật sự đã thành công. Hàng năm, tôi bán ra thị trường từ 50 đến 100 máy. Giá mỗi máy là khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn thu lợi nhuận 10 triệu đồng/máy” ông Sơn tự hào cho biết.

Ngoài sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên, ông Sơn còn sáng chế thành công máy hút, bắt rầy; máy nén viên cám cho tôm; máy sấy phân chuồng. Trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần 3 năm 2013-2014 do Hội Nông dân tỉnh phát động, ông cũng đạt giải Nhì toàn tỉnh với sản phẩm “Máy tự vận hành hút rầy kết hợp phun thuốc trên đồng ruộng” và được dự thi cấp Trung ương. 

Những sáng chế của ông Sơn không chỉ giúp làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp ích nhiều cho nông dân. Bản thân ông Đinh Văn Sơn cũng là một hội viên nông dân gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hàng năm, ông tham gia đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 3 đến 5 triệu đồng. Tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên, trao đổi kinh nghiệm với những hội viên nông dân có cùng sở thích, tìm tòi học hỏi cái hay, cái có ích cho hội viên, nông dân, hướng đến môi trường sản xuất an toàn, trong sạch. 

Bà Đặng Thị Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Cang đánh giá: “Ông Sơn là hội viên nông dân điển hình ở địa phương. Những sáng chế máy móc của ông không chỉ tự làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn rất thiết thực, giúp ích nhiều cho nông dân. Cũng từ thành tích sáng chế nổi bật mà ông nhiều lần được các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương biểu dương. Ông Sơn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”.

“Thấy ngành chăn nuôi, trồng trọt của nông dân mình gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu đầu vào và vấn đề ảnh hưởng môi trường. Việc sáng chế ra máy ép sấy cám viên vừa giải quyết được thức ăn đầu vào giá thành thấp, vừa tận dụng phế phẩm bên ngoài bỏ ra như tôm, cá, ốc bươu vàng, rau củ quả bị hư… cộng với phụ phẩm nông nghiệp như cám rất rẻ tiền để tận dụng, phối hợp làm ra viên cám”.
 Ông Đinh Văn Sơn.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác