Giáo dục - hướng nghiệp

Đào tạo nghề "kép" - Giải pháp hiệu quả cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Giang

(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong giai đoạn hiện nay, liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (DN) là nhu cầu khách quan và xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Việc “bắt tay” giữa cơ sở đào tạo và DN vừa mang tính tất yếu, biện chứng và có tính khả thi cao trong việc đáp ứng nguồn nhân lực.

Việc “bắt tay” giữa cơ sở đào tạo và DN vừa mang tính tất yếu, biện chứng và có tính khả thi cao trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho DN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo. Ở Việt Nam, mô hình "đào tạo kép" đã được triển khai tại một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đang được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng đầu vào Trung học Phổ thông.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang đã triển khai rất tốt việc hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho sinh viên. Ảnh Phương Huệ

Mục tiêu của mô hình đào tạo kép gồm:

 Nâng cao chất lượng đào tạo nghề (đào tạo gắn với thực tế, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, sớm phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp).

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề (đào tạo định hướng nhu cầu DN, hướng tới đào tạo theo địa chỉ sử dụng).

Tiết kiệm đầu tư kỹ thuật cho trường dạy nghề (chỉ trang bị cho đào tạo cơ bản và cho các công việc chuyên nghề bắt buộc. Các công việc do DN tự chọn thì được dạy tại DN và bằng thiết bị của DN).

- Mang lại lợi ích cho tất cả các bên (Người học: Chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm; Nhà trường: Uy tín, thu nhập; Doanh nghiệp: Nhu cầu nhân lực trước mắt và lâu dài; Xã hội: Giảm bớt chi phí xã hội, nâng cao hiệu quả chung trong đào tạo nghề).

Mô hình đào tạo kép gồm 6 thành tố cơ bản sau: Các bên tham gia quá trình đào tạo; Địa điểm đào tạo; Chương trình đào tạo nghề; Trang thiết bị đào tạo; Việc đánh giá kết quả học tập; Lợi ích của các bên.

Tuy nhiên, để triển khai, vận hành mô hình kép có hiệu quả, cần xác định các thành tố, từ đó xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ của các bên liên quan để thực hiện có hiệu quả, cụ thể như: Xác định rõ vai trò của các bên (cơ sở GDNN, DN) từ đó phải điều chỉnh chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành nghề, thiết kế chương trình giảng dạy theo các modul, các nhóm nội dung nhỏ, hệ thống, đảm bảo tốt theo các tiêu chuẩn của từng nghề. Cụ thể như sau:

Đối với Các bên tham gia đào tạo phải xác định rõ nhiệm vụ vai trò của từng bên tham gia: Các bên tham gia quá trình đào tạo là DN và cơ sở đào tạo nghề; đơn vị chịu trách nhiệm là trường và đơn vị hợp tác là các DN. DN chịu trách nhiệm thực hiện một phần của chương trình đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn nghề do trường và DN cùng phối hợp xây dựng. Việc gắn kết GDNN với DN là điều kiện tiên quyết để phát triển các chương trình GDNN đáp ứng tốt hơn nhu cầu kỹ năng của các DN và thị trường lao động. Làm tốt công tác này quyết định sự thành công của áp dụng mô hình đào tạo kép vào thực tiễn công tác giảng dạy.

Địa điểm đào tạo: Địa điểm học tập của người học được thực hiện ở cả hai nơi: Tại trường (lớp học và xưởng thực hành) để học kiến thức và các kỹ năng nghề cơ bản) và tại DN để học các kỹ năng sản xuất. Người học vừa được học kiến thức và thực hành kỹ năng mô phỏng đúng vị trí việc làm sau tốt nghiệp tại DN.

Chương trình đào tạo nghề: Chương trình đào tạo nghề được biên soạn và điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và áp dụng linh hoạt. DN tham gia tích cực vào việc xây dựng chương trình nhằm đáp ứng những yêu cầu cụ thể của DN. Thời gian đào tạo được phân chia thời lượng khoảng 40% thời gian học lý thuyết tại trường và 60% thời gian học thực hành, thực tập (tùy điều kiện thực tiễn của từng ngành/nghề, cơ sở GDNN, địa phương mà có sự phân chia phù hợp). Kết cấu và nội dung chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra/năng lực đảm bảo yêu cầu thực hiện các công việc cụ thể theo chuẩn nghề. Nội dung của chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn nghề. Các cơ sở GDNN cần chủ động trong việc xây dựng chương trình, điều chỉnh thời lượng môn học, mô đun đảm bảo cho người học được học thực hành chiếm 60%, chuẩn đầu ra của chương trình đáp ứng yêu cầu, DN, đảm bảo tính liên thông lên trình độ cao hơn.

Trang thiết bị đào tạo: Áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, người học được thực hành, thực tập trên hệ thống máy móc hiện đại của DN, giúp người học tiếp cận nhanh, kịp thời với công nghệ, vững vàng tay nghề khi tham gia vào thị trường lao động.

Việc đánh giá kết quả học tập: Việc đánh giá kết quả học tập của người học mang tính khách quan hơn, có sự tham gia của cả nhà trường và DN. Đảm bảo tính chính xác, minh bạch cho người học.

Lợi ích của các bên: Có thể nói mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và DN là một loại quan hệ hỗ tương, cộng sinh. Về phía DN, việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ giúp DN có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Bên cạnh đó, DN cũng có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội...

 Về phía cơ sở đào tạo, sự hợp tác sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo “đầu ra” cho sinh viên và nhất là góp phần phát triển và trọng dụng nhân tài cho đất nước. Điều này cũng sẽ giúp nhà trường tăng tính tự chủ hơn về tài chính và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư...

Về phía người học, giúp học sinh, sinh viên tự điều chỉnh nhận thức, nâng cao động lực học tập và kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thực tiễn cuộc sống, tăng cơ hội tìm việc làm. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư xã hội trong giáo dục nói riêng, trong đầu tư phát triển nói chung cũng sẽ tăng lên, giảm bớt tình trạng thất nghiệp,

Việc áp dụng tốt mô hình đào tạo kép giúp cơ sở GDNN nâng cao uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Doanh nghiệp: Giải quyết được nguồn lao động có tay nghề. Người học: Có được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đào tạo nghề cần gắn liền với doanh nghiệp

Theo đó, để đưa mô hình đào tạo kép vào các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt hiệu quả cao nhất cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề: Phối hợp cùng DN trước và trong quá trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên sát với yêu cầu thực tế của DN. Đảm bảo sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên có thể làm việc ngay tại DN và DN có thể lựa chọn được lao động phù hợp với yêu cầu ngay trong quá trình đào tạo tại trường và tại DN. Phối hợp với DN ngay trong quá trình tuyển sinh (DN đưa ra nhu cầu lao động: Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng...).

Trường và DN cùng phát triển chương trình, giáo trình để đạt được kỹ năng nghề cần thiết theo yêu cầu của DN và thực tế của trường. Cùng với đó, hai bên thống nhất những việc cần làm, đưa ra quyền và trách nhiệm của trường và DN  trong quá trình tổ chức đào tạo và quản lý học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo.

Cam kết của trường và DN để đảm bảo các bên chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, điều  kiện đáp ứng trong quá trình đào tạo. Thống nhất kế hoạch đào tạo (hình thức liên kết, thời gian, địa điểm, kiểm tra, giám sát, đánh giá tốt nghiệp...). Đặc biệt, DN cam kết nhận học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp vào làm tại DN.

Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp sát thực tế doanh nghiệp: Đây là vấn đề tiên quyết bảo đảm đào tạo gắn liền với nhu cầu nguồn nhân lực của mỗi DN. Các DN cần tham gia trực tiếp vào việc xây dựng lên chương trình đào tạo. Những nội dung của chương trình đào tạo phải bảo đảm tính tiên tiến, hiện đại gắn liền với thực tiễn sản xuất và khoa học công nghệ hiện tại đang áp dụng tại các DN. Thời lượng của một ngành trong đào tạo kép được các chuyên gia chỉ ra là 30% tại trường và 70% tại doanh nghiệp. Sự phân bổ hợp lý các môn học sẽ giúp cho người học tiếp nhận kiến thức cơ sở ngành và tham gia thực tập sẽ hiệu quả hơn.

Chương trình học có sự phân bổ hợp lý thời gian học tại DN theo từng lứa sẽ giúp người học có thời gian học ở trường với giảng viên và học tại DN hài hoà, song song đó sự bố trí hợp lý cũng giúp các DN chủ động hơn trong việc tiếp nhận sinh viên đến học và thực tập tại DN.

DN tham gia đánh giá người học: Đây được xem như là khâu kiểm tra sản phẩm của quá trình phối hợp đào tạo và DN đánh giá được sản phẩm đào tạo của mình trước khi nhà trường cấp chứng chỉ và DN có thể tự tin tuyển dụng mà không cần qua nhiều bước như trước đây.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo viên giảng dạy, cán bộ quản lý: Lực lượng giáo viên là yếu tố quan trọng trong quá trình đào tạo, quyết định sự thành công của hệ thống đào tạo nghề kép. Đối với giáo viên tại trường có chức năng hướng dẫn lý thuyết và những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản trong 30% thời lượng học tại trường của học sinh, sinh viên. Đội ngũ giáo viên dạy nghề phải luôn được cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, không nên phụ thuộc vào những kiến thức, kinh nghiệm và sự chủ quan, tăng cường thời gian học tập tại DN cho giáo viên cập nhật, kiến thức mới.

Trước bối cảnh thời đại, đổi mới tư duy về GDNN phải là đầu tư phát triển mô hình kết hợp đào tạo và hướng nghiệp giữa nhà trường và DN, là xu hướng đào tạo nghề hiệu quả, thiết thực, kịp thời cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác