Đầu tư khoa học công nghệ xây dựng làng thông minh trong chương trình nông thôn mới ở Việt Nam
Phát triển nông nghiệp và nông thôn ở trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức của thời đại do xu thế toàn cầu hóa sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và cảnh báo các tác động tiêu cực đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn do đó đòi hỏi phải được đầu tư KHCN để thích ứng thông minh hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Khái niệm và đặc điểm của làng thông minh
Từ các định nghĩa về làng thông minh trên thế giới có thể hiểu “Làng thông minh là cộng đồng dân cư chung sống tại vùng nông thôn, cùng nhau nỗ lực giải quyết những thách thức nhằm nâng cao đời sống của cả cộng đồng thông qua sử dụng công nghệ, kỹ thuật phù hợp với năng lực người dân và linh hoạt với những yếu tố sẵn có tại địa phương, đồng thời phát triển các hoạt động sản xuất mới phù hợp, trong đó, có sự hợp tác và liên minh giữa nông dân và các thành phần khác trong làng và khu vực xung quanh, giữa cá nhân với tập thể một cách công bằng về quyền lợi, không phân biệt giới tính, tín ngưỡng và đảm bảo tính bền vững nông thôn”.
Các đặc điểm chính của làng thông minh thể hiện cộng đồng người dân nông thôn là chủ thể chính thúc đẩy sự phát triển, lịch sử và văn hóa bản địa là yếu tố nền tảng cho việc định hướng đầu tư, phát triển, có thể sử dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại, phù hợp với địa phương. Kế hoạch phát triển linh hoạt dựa trên những gì sẵn có tại địa phương với phương pháp, công cụ thích hợp. Dưới góc nhìn của nhà quy hoạch, làng thông minh được coi là một bộ phận không thể tách rời quy hoạch phát triển vùng hay quốc gia. Sự phát triển các hoạt động sản xuất trong làng thông minh không tách rời khỏi các hoạt động kinh tế của khu vực lân cận (bao gồm cả thành thị); sự sẵn có của nguồn lực địa phương (con người, tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường) là yếu tố để đầu tư công nghệ và kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất.
Vai trò chính của làng thông minh là cung cấp các hoạt động phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường bền vững cho cộng đồng, đồng thời giúp người dân trong làng có trách nhiệm hơn trong quản trị địa phương, thúc đẩy quá trình sản xuất và xây dựng cộng đồng bền vững hơn. Phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của con người vào năng lượng hóa thạch, do vậy sẽ góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu, quản lý bền vững nguồn tài nguyên của cộng đồng, cung cấp dịch vụ và việc làm cho người lao động trong làng, đồng thời có những hoạt động kết nối với xung quanh hiệu quả hơn dựa trên các chương trình do chính quyền Trung ương hoặc địa phương triển khai. Tăng cường ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số phù hợp với điều kiện của làng và phù hợp với năng lực của người dân địa phương. Hình thành và phát triển các hợp tác và liên minh mới: Giữa nông dân và các yếu tố khác tại nông thôn; giữa các làng với nhau; giữa sản xuất cá thể và sản xuất tập thể, được quản lý từ dưới lên; vận dụng được tối đa những tập quán sản xuất và tri thức bản địa nhằm phát triển bền vững.
Những nền tảng tiền đề cho xây dựng khung pháp lý và chính sách về làng thông minh Việt Nam
Thực tiễn làng thông minh hiện đã được hình thành qua mô hình thử nghiệm tại một số tỉnh, tuy nhiên, các mô hình hiện nay mới chỉ tập trung vào một số khía cạnh thông minh của làng. Hiện chưa có một khung pháp lý hay bộ tiêu chí hướng dẫn xây dựng làng thông minh ở nước ta. Do vậy, kết quả tổng quan khung pháp lý và cơ chế chính sách phát triển làng thông minh được dựa trên các tiêu chí phát triển làng thông minh đã tổng quan trên thế giới để đối chiếu với các chính sách phát triển nông thôn mới hiện hành của Việt Nam để làm căn cứ rà soát.
Khung pháp lý và cơ chế chính sách có đề cập đến tiêu chí làng thông minh được thể hiện xuyên suốt từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, các đặc điểm của làng thông minh được thể hiện trong mục tiêu như: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn... Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao... Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý..., giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ...”. Dựa trên mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW, các chính sách đã được hình thành nhằm can thiệp để đạt mục đích cuối cùng là xã hội nông thôn bền vững nhằm thoả mãn 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển bền vững. Năm 2014, kết luận số 97-KL/TW, ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và được cụ thể hóa thông qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, những hạn chế và yếu kém trong việc triển khai các hoạt động nhằm cải thiện đời sống của người dân ở vùng nông thôn như: (i) Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng; (ii) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu; (iii) Hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện; (iv) Quản lý, sử dụng nhiều tài nguyên đất đai, rừng, biển kém hiệu quả; (v) Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém chất lượng... Do vậy, việc tập trung nguồn lực trong áp dụng tiến bộ khoa học, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, cải thiện hệ thống hạ tầng... là định hướng phát triển tại các vùng nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị, đặt ra mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có…”.
Các chính sách về quy hoạch nông thôn đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng, Quốc hội. Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương, do đó mỗi đơn vị đều có các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Thông tư 35/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; Thông tư 01/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư 02/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng..; Quyết định số 5480/QĐ-BNN-KTHT, Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP…. Tuy nhiên, tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới hiện nay chưa thể hiện rõ vai trò của tiêu chí làng thông minh, do chưa đưa quy hoạch cảnh quan bền vững, tích hợp tổng thể các vấn đề ở nông thôn. Quy hoạch cảnh quan nông thôn đòi hỏi phải có sự tích hợp đầy đủ từ kinh tế, xã hội và môi trường.
Đối với môi trường nông thôn, những nội dung đề cập gồm: (i) Hạn chế lấp ao hồ hiện có. Khôi phục nạo vét và xây dựng hệ thống mương, rãnh đáp ứng yêu cầu thoát nước. Làm hệ thống hồ điều hòa, xử lý nước thải (xử lý cơ học và sinh học); (ii) Di chuyển hệ thống chuồng trại chăn nuôi (có số lượng lớn) ra khỏi khu dân cư; (iii) Di chuyển các cơ sở gây tiếng ồn, khói bụi và gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; (iv) Khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống biogas; (v) Kiểm soát chặt chẽ hệ thống chất thải rắn, khuyến khích xử lý hoặc phân loại chất thải rắn tại nhà; (vi) Tăng cường kiểm soát cộng đồng, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; (vii) Xây dựng bãi chôn rác tập trung đúng kỹ thuật; (viii) Quy hoạch hệ thống nghĩa trang đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường.
Các chính sách về nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng vùng nông thôn thể hiện trong các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, như: Quyết định số 899/QĐ-TTg (2013) về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các quyết định về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Quyết định số 524/QĐ-TTg (2016), Quyết định số 1600/QĐ-TTg (2016), Quyết định số 1730/QĐ-TTg (2016). Nhóm chính sách này cũng đã hướng đến những mục tiêu trong phát triển làng thông minh, nhưng thực tế việc áp dụng công nghệ số, internet vạn vật để thúc đẩy các can thiệp nhanh hơn, ít tốn kém hơn cho mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng kết nối xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị chưa thực sự rõ nét.
Các chính sách về nâng cao chất lượng lao động/nhận thức/năng lực quản lý: Vấn đề năng lực mặc dù là yếu tố quan trọng trong phát triển nông thôn nhưng chưa có nhiều chính sách tập trung vào vấn đề này. Qua quá trình rà soát chỉ có 6/42 văn bản chính sách đề cập đến đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân cũng như người lao động vùng nông thôn nói chung, như Quyết định số 4072/QĐ-BNN-VPĐP về khung tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nông thôn mới (NTM); văn bản số 5869/BGDĐT-CSVCTBTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Thông tư 35/2016/TT-BNNPTNT về hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới; Quyết định số 5480/QĐ-BNN-KTHT về kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP về hướng dẫn bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Các chính sách về áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với năng lực người dân địa phương là vấn đề được quan tâm trong những năm qua, vì vậy có đến 10/42 chính sách rà soát có nội dung liên quan đến áp dụng công nghệ, kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp, như chính sách của Đảng và Quốc hội có Nghị quyết số 26/NQ-TW (2008); Nghị quyết số 06-NQ/TW (2016); Nghị quyết số 30/NQ-CP (2017); chính sách của Chính phủ gồm Quyết định số 1980/QĐ-TTg (2016); Quyết định số 45/QĐ-TTg (2017) về chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 749/QĐ-TTg (2020) về chương trình chuyển đổi số quốc gia v.v.
Các chính sách về tăng cường hiệu quả sản xuất và các giá trị truyền thống sẵn có tại địa phương tương đối ít. Có 3/42 chính sách rà soát có nội dung đề cập đến vấn đề này, gồm: Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP (2017) hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; Quyết định số 703/QĐ-TTg (2020) về phát triển giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quyết định số 885/QĐ-TTg (2020) về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Về chính sách đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp và nông thôn, giai đoạn 2005-2015 chiếm 2,3% tổng vốn đầu tư cho toàn ngành NN&PTNT và tương đương 13% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học của cả nước. Kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2005-2010 trung bình 410 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2011-2015 trung bình 760 tỷ đồng/năm. Nhìn chung, đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta còn thấp, chưa tới ngưỡng nên chưa tạo ra được sản phẩm KHCN mang tính đột phá. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành Nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5% trong giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp vì nhu cầu công nghệ trở nên đa dạng và tăng nhanh. Chính phủ đã tăng đầu tư cho nông nghiệp gần 50% trong giai đoạn 2013-2017 nhưng tăng trưởng của chi tiêu nghiên cứu nông nghiệp trong giai đoạn này lại giảm đi. Phần lớn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp được phân bổ cho việc phát triển công trình thủy lợi lớn dành cho đất trồng lúa. Theo khảo sát về Chỉ số KHCN Nông nghiệp ASTI năm 2020, thì với mức độ phát triển của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu KHCN nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP Nông nghiệp, tức là cần gấp khoảng 4 lần so với hiện nay.
Như vậy, kết quả rà soát cho thấy chưa có một chính sách nào đề cập đến toàn bộ các yếu tố, thành phần của làng thông minh. Tuy nhiên, đã có nhiều yếu tố được lồng ghép trong các chính sách này như vấn đề cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn, áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất tại địa phương, hay hướng đến phát triển bền vững nông thôn. Nhưng một số thành phần chính của làng thông minh chưa được chú trọng, như yếu tố về bình đẳng giới, tín ngưỡng; phát triển những công nghệ phù hợp với năng lực người dân địa phương, kết nối kiến thức bản địa với kiến thức hiện đại và yếu tố mới về lồng ghép phát triển du lịch với nông nghiệp bền vững,…
Các nội dung chính của làng thông minh trong khuôn khổ Chương trình nông thôn mới
Để thúc đẩy làng thông minh toàn diện phải đảm bảo các trụ cột phát triển làng, gồm: Chính quyền thông minh, hạ tầng thông minh, thực thi pháp luật thông minh, con người thông minh, kinh tế thông minh, công nghệ phù hợp, xây dựng thương hiệu thông minh, lối sống thông minh, xã hội thông minh và môi trường thông minh. Cần có một bộ tiêu chí cứng và tiêu chí mềm (tùy thuộc vào điều kiện của làng) dựa trên các trụ cột làng thông minh để hướng dẫn xây dựng thí điểm trên diện rộng mô hình làng thông minh trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Việc áp dụng mô hình làng thông minh sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông thôn, giúp áp dụng hài hòa giữa công nghệ hiện đại và kiến thức địa phương cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Làng thông minh không thể tách rời khung cơ chế, chính sách cho phát triển nông thôn mới và định hướng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh và khu vực nông thôn đáng sống. Do vậy, lộ trình phát triển, thúc đẩy làng thông minh phải dựa trên tiêu chí phát triển làng thông minh theo khung hướng dẫn chung và đặc thù của từng địa phương để thực hiện. Bước 1: Thí điểm mô hình làng thông minh theo vùng sinh thái, văn hóa dựa trên tiêu chí đầy đủ về làng thông minh; bước 2: Rút ra bài học kinh nghiệm và thể chế hóa nhân rộng (lồng ghép chính sách vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo giai đoạn); bước 3: Đánh giá tổng kết, hoàn thiện tiêu chí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và địa phương.
Tóm lại, khung pháp lý, thể chế, chính sách làng thông minh trên thế giới hiện nay được hoàn thiện và lồng ghép vào các chiến lược phát triển nông thôn bền vững, làng thông minh không thể tách rời bối cảnh khung pháp lý và chính sách phát triển nông thôn chung. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách phát triển làng thông minh, mặc dù khung pháp lý và cơ chế, chính sách phát triển nông thôn thời gian qua đã được đề cập, can thiệp thúc đẩy các trụ cột làng, xã theo hướng thông minh, nhưng vai trò của công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết hợp với tri thức truyền thống của làng chưa thực sự có cơ chế thúc đẩy để phát huy các lợi thế phát triển nhằm thoả mãn các tiêu chí làng thông minh.
Để phát triển làng thông minh đòi hỏi phải có sự hợp lực của chính quyền, khối tư nhân và cộng đồng nhằm đảm bảo thúc đẩy các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường của làng phát triển, hướng đến sự thịnh vượng của làng; nhưng tiết kiệm, giảm thiểu sử dụng nguồn lực, bảo đảm được an ninh, an toàn, môi trường cảnh quan, tạo ra một cộng đồng đáng sống và kết nối được với các làng khác, các cộng đồng dân cư đô thị nhằm trao đổi văn hóa, phát triển kinh tế...
Yêu cầu các trụ cột phát triển làng thông minh khá toàn diện, với đặc thù rất đa dạng về địa lý, không gian văn hóa, tri thức truyền thông, đòi hỏi cần có một lộ trình bài bản từ xây dựng tiêu chí làng thông minh đến đầu tư KHCN xây dựng thí điểm mô hình phát triển làng thông minh và nhân rộng làng thông minh trong bối cảnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt mục tiêu Nông thôn hiện đại.
(1) Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
(2) Hợp tác xã Nông nghiệp số