Liên kết sáu nhà

Đẩy mạnh liên kết để hỗ trợ nông dân

Vân Nguyễn - 07:06 04/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Năm 2021, Hội ND An Giang đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên ND ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thông qua các mô hình, các điểm trình diễn ở các địa phương, để ND dần thay đổi hành vi trong sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Xây dựng vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp thực hiện chuỗi”, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội ND An Giang cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang. 

Triển khai mô hình sản xuất không dấu chân 

Ông Nhiên chia sẻ: Năm 2022, Hội Nông dân An Giang tổ chức triển khai nhiều hoạt động để chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, với các chuỗi hoạt động như: Tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” kết hợp với hội thi cán bộ Hội giỏi, tổ chức giải bóng đá mini nông dân toàn tỉnh, tổ chức phiên chợ hàng nông sản gắn với hội thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Đại hội tuyên dương nông dân giỏi 3 cấp, tổ chức hội thảo về vai trò của nông dân trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; khởi công nâng cấp Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân, đây là công trình Hội Nông dân An Giang chào mừng Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028.

Hội luôn hướng cho nông dân tham gia phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh việc thành lập chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu với các công ty: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, lúa Nhật của Công ty Agimex- Kitoku, vùng nguyên liệu chăn nuôi Bò sữa của Tập đoàn TH Truemilk, vùng chăn nuôi lợn của Trang trại Việt Thắng, vùng nuôi cá da trơn của Tập đoàn Nam Việt, Tập đoàn Sao Mai… Vận động nông dân tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã và phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai chương trình sản xuất lúa “rải vụ” và bao tiêu sản phẩm cho 30.000ha tại 2 huyện Thoại Sơn và Phú Tân, triển khai thí điểm mô hình sản xuất không dấu chân (tất cả quy trình từ khâu làm đất cho tới thu hoạch đều bằng máy và ứng dụng công nghệ cao) tại huyện Phú Tân. Song song đó Hội sẽ triển khai thí điểm dự án ứng dụng công nghệ số vào vùng nguyên liệu xoài của huyện Chợ Mới. 

Hướng cho nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, khuyến khích sản xuất sạch, sản phẩn an toàn, thân thiện môi trường, tăng cường các mối quan hệ phối hợp để tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân. Phối hợp các doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào ổn định và chất lượng cho nông dân, triển khai tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu cho nông dân nhằm thực hiện tốt chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, tiếp tục đầu tư cửa hàng tiêu thụ nông sản và giới thiệu sản phẩm OCOP của Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn An Giang. Tổ chức tư vấn dạy nghề và giới thiệu việc làm cho con nông dân, kết hợp công ty MIF của Tập đoàn Sao Mai giới thiệu con em nông dân đi học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Phối hợp với Trường Cao Đẳng nghề An Giang để kết nạp sinh viên vào hội viên gắn với chương trình đưa sinh viên về nông thôn để trải nghiệm và hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ mới. Tiếp tục đầu tư Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho các mô hình điểm, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất an toàn, các mô hình hướng đến nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hợp tác. 

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh An Giang.

Ảnh hưởng dịch bệnh nhưng xuất khẩu nông sản vẫn tăng

Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh An Giang: 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu của tỉnh khá tốt, đạt được khoảng 48% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đến quý III xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19. Các công ty phải giảm quy mô, thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất gặp khó khăn, điều kiện thông thương hàng hóa tại cảng không thuận lợi, các chi phí vận chuyển, sản xuất gia tăng… 

Trên cơ sở kế hoạch về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của tỉnh, Hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động, nông dân phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, dần đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nông sản; đẩy mạnh chương trình bán hàng online, giao hàng tận nơi, hỗ trợ 8 doanh nghiệp đến thu mua lúa trên địa bàn tỉnh được thuận lợi tại các vùng nguyên liệu đã ký kết.

Thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT giới thiệu cho Công ty Tập đoàn Lộc Trời tiêu thụ ngoài vùng liên kết gần gần hơn 2.000 ha tại các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, Phú Tân chủ yếu các giống OM 18; OM 5451; OM 380. Hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả. Đồng thời, thực hiện cấp 400 tem truy xuất nguồn gốc thịt heo và 5.850 tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ông Nhiên cho biết thêm: Về tình hình xuất khẩu của tỉnh: Gạo ước tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 479,45 nghìn tấn tương đương 260 triệu USD so với cùng kỳ tăng 2,98% về sản lượng, tăng 3,09% về kim ngạch. Xuất khẩu gạo có tín hiệu khả quan từ nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Ghana, Australia,  Nga, Bangladesh và châu Âu. Về rau quả đông lạnh ước tổng sản lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 8,93 nghìn tấn tương đương 15,41 triệu USD so với cùng kỳ tăng 1,67% về sản lượng và tăng 2,09% về kim ngạch.  

Hiện nay, dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt, cùng với việc nới lỏng giãn cách, nên dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tốt. Tỉnh An Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo việc lưu thông trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu. Tuyên truyền vận động nông dân sản xuất sản phẩm an toàn, đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang. 

“Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Nông dân các cấp đã tham gia tích cực vào các “Tổ phản ứng nhanh” ở địa phương nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh. Qua đó, đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ được lúa nếp 17.890 tấn; rau màu 1.863 tấn; trái cây 821 tấn; thủy sản 2.581 tấn; trứng gia cầm 316.000 quả…” 
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân An Giang.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác