Đẩy mạnh trí thức hoá nông dân để nâng cao trình độ, năng lực làm chủ thực sự
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải đẩy mạnh trí thức hóa nông dân
Thực hiện các Nghị quyết Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, đặc biệt Hội nghị Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nhân dân, nông dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể và vị trí trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, bảo đảm là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng cả trong và ngoài nước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII, BCH T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển… Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Những hạn chế, yếu kém đó có nhiều nguyên nhân như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận và phân tích rất sâu sắc.
Từ thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới cho thấy trong các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, vốn tài chính, hạ tầng, khoa học công nghệ, nhân lực lao động, thì yếu tố nhân lực lao động ở nông thôn đang là mối quan tâm hàng đầu cần tập trung đầu tư để nâng cao trình độ học vấn trong xu hướng già hóa nông thôn hiện nay cũng như tạo được nhiều cơ hội phát triển để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ có trình độ học vấn dịch chuyển mạnh mẽ từ nông thôn ra thành thị.
Từ sự thống nhất đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được và những hạn chế yếu kém còn tồn tại cần khắc phục triệt để, nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ ràng rằng, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp”. Để thực hiện điều này, theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần “chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ, tiệm cận với đô thị”. Do vậy, trí thức hóa nông dân phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đột phá để nâng cao trình độ, năng lực làm chủ thực sự trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh trí thức hóa nông dân để nâng cao trình độ, năng lực làm chủ thực sự trong giai đoạn mới
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát huy nguồn lực trí tuệ của dân tộc ta, sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nâng cao trình độ, năng lực làm chủ thực sự của nông dân Việt Nam ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Giá trị văn hóa “phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt” được Nhà Bác học Lê Quý Đôn đúc kết đã thể hiện sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của từng lĩnh vực và mối quan hệ biện chứng giữa bốn lĩnh vực “trí, nông, công, thương” trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, giúp cán bộ và nông dân nhận thức được tầm quan trọng của lao động có trí tuệ và tay nghề cao, có trình độ và năng lực tổ chức chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thấm nhuần tư tưởng “nông dân ta giàu thì nước ta giàu” và “nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn “là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Qua thực tế thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đến nay, trong 16 triệu hộ nông dân đã có khoảng 3,5 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có một bộ phận nông dân thực sự có trình độ và năng lực gắn được sản xuất với thị trường nhờ chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp và từ đầu năm 2019 đã kết nối được 16 doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn khoảng 8.700 tỷ đồng trong lĩnh vực chế biến trái cây, trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản; làm “bà đỡ” cả về tài chính đến công nghệ, luôn lấy sản xuất lớn theo tiêu chuẩn và giá trị gia tăng làm cốt lõi. Đặc biệt, có một bộ phận nhỏ nhà nông đã liên kết chặt chẽ với nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra mô hình kinh doanh mới phát triển liên tục, bền vững, hiệu quả ngày càng cao, gắn chặt với thực tiễn cuộc sống và thị trường, sẵn lòng cung cấp những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, coi trọng chuỗi liên kết và nâng dần chuỗi liên kết lên thành chuỗi giá trị ngành hàng. Song, đến năm 2020, trong 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề ở các cấp trình độ thì có tới 5,59 triệu người mới chỉ được đào tạo ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Điều này cho thấy trình độ của lao động nông thôn còn rất thấp và thường bị các khu vực khác có lương và lương cao thu hút, nên khu vực nông nghiệp hiện đang thiếu hơn 3,2 triệu lao động trong độ tuổi qua đào tạo và cần thiết có giải pháp chính sách tạo việc làm và sinh kế cho người dân nông thôn.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học, sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy và thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, nhà giáo, nhà khoa học, nhà nông theo hướng biết tự chủ và tự học, biết lấy khách hàng làm trung tâm. Trong điều kiện Việt Nam hiện có 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% dân số xem video và nghe ca nhạc mỗi ngày, các cấp Hội Nông dân và các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền và giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp đang phát triển bền vững để nhà nông học tập nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực tự thúc đẩy sự liên kết hệ thống sản xuất những nông sản có thị trường và có giá trị cao. Vì vậy, cần đẩy mạnh làm tốt công tác vận động, tuyên truyền về sự cần thiết phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nông dân, hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện cuộc chuyển đổi lớn mang tính cách mạng sâu sắc này, chúng ta cần giải quyết năm vấn đề về tích tụ ruộng đất và hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân, đầu tư khoa học và công nghệ nông nghiệp, đào tạo và phát triển thế hệ nông dân trí thức mới, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản gắn với thị trường theo phương thức liên kết chặt chẽ giữa 6 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối). Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đặc biệt 3 chính sách mới về đất đai theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 với yêu cầu giữ gìn ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa và bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng ở mức 42 - 43%. Các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì tăng trưởng nông nghiệp dựa nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất với chi phí lớn hơn về môi trường nhằm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần thấu hiểu thật sự sâu sắc về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần “bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị cấp cao COP26 ngày 01 tháng 11 năm 2021.
Vào năm 2015, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) được 175 quốc gia thành viên đồng thuận định nghĩa “Nông nghiệp sinh thái là phương pháp tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội để xây dựng và quản trị các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Trong khi tối ưu hóa các mối tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, nó xem xét cả các yếu tố xã hội để hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững”(1). Từ sự đồng thuận đó, năm 2019, Hội đồng FAO cũng đã phê duyệt 10 thành tố nông nghiệp sinh thái gồm: Tính đa dạng; chia sẻ kiến thức và đồng khởi tạo; tính tương hỗ; tính hiệu quả; sự tái tạo; sức chống chịu; giá trị xã hội nhân văn; truyền thống ẩm thực và văn hóa; quản trị có trách nhiệm; kinh tế tuần hoàn và vững chắc.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của nước ta đã bám sát theo các thành tố của nông nghiệp sinh thái được Hội đồng FAO phê duyệt theo định nghĩa của FAO và đặc trưng khí hậu nổi bật của nước ta là nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, trở thành khát vọng và động lực mạnh mẽ huy động được mọi nguồn lực để tạo nên diện mạo mới với mức sống và điều kiện sống ngày càng cao. Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 đồng thời với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 cùng ngày 28/7/2021. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện kinh phí thực hiện, nguyên tắc phân bổ vốn, giải pháp và cơ chế quản lý chương trình cụ thể.
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới là theo hướng hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân nông thôn; đời sống văn hóa tiên tiến, lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái đa dạng, xanh, sạch, đẹp, gắn với sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, nước, rừng và nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn cho người dân; hệ thống chính trị và các thiết chế xã hội tự quản cộng đồng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, dựa vào dân và vì dân, bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội, làm cho nông thôn luôn là nơi đáng sống và đáng về.
Xây dựng thế hệ người nông dân mới văn minh là đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, vừa làm, vừa học, nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh, bảo đảm hộ gia đình nông dân thực sự trở thành đơn vị kinh tế tự chủ và được giao đất ổn định lâu dài theo 5 quyền (chuyển đổi, thừa kế, thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng); biết kế thừa và phát triển hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, chính sách, pháp luật giữa những giá trị vật chất (kiến trúc nhà ở, công trình văn hóa, đê điều, kênh đào, đập thủy lợi, phương tiện giao thông, quần áo, đồ ăn, thức uống, và những giá trị tinh thần (yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tôn sư trọng đạo, tự lực, tự cường, khoan dung, hòa hiếu, kiên cường, bất khuất, trân quý độc lập, tự do) của dân tộc Việt Nam với tư duy “dĩ nông vi bản” theo quy luật phát triển xã hội “phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”; cả tri thức và đạo đức văn minh trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp bền vững mà hộ gia đình nông dân là trung tâm và then chốt với ý chí thoát nghèo và tâm lý tự tin.
Thứ ba, phải thực sự cầu hiền tài, trọng dụng và phát huy tài đức của đội ngũ trí thức theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “công nông trí thức hóa” và “trí thức công nông hóa” trong giai đoạn mới.
Từ năm 2018, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020 cho 183 nhà khoa học là những người đã lao động tận tụy, tận tâm, cần cù, sáng tạo, cống hiến, to lớn và thầm lặng cho sự nghiệp nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến cho phát triển nguồn nhân lực và nâng cao dân trí nông thôn vì mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, no ấm, hạnh phúc, văn minh. Tôn vinh danh hiệu cao quý “Nhà khoa học của nhà nông” là một trong những giải pháp mới có ý nghĩa to lớn thể hiện sâu sắc truyền thống dân tộc luôn coi trọng phát huy vai trò của hiền tài và luôn đặt thành tố trí tuệ lên hàng đầu trong quy luật tồn tại “phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt” để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm “giảm đầu vào, tăng giá trị”, giảm tỷ trọng nông nghiệp sơ cấp trong tổng sản phẩm quốc nội và tăng tỷ trọng ngành kinh doanh nông nghiệp (ngành Công nghiệp thực phẩm, dịch vụ phân phối và kho vận cùng các dịch vụ khác), tạo được nhiều việc làm và cơ hội sinh kế cho người dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Công nông trí thức hóa” và “trí thức công nông hóa” “nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”(2), cho nên, các cấp Hội Nông dân cần phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và trường học đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động nông nghiệp trên tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiếp thị, tạo dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp và vượt qua thách thức trong cạnh tranh do những khó khăn, hạn chế của nước ta hiện nay. Cần đổi mới phương pháp dạy và học từ dạy lý thuyết kết hợp tham quan thực tế sang dạy và học theo phương pháp thực hành theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để đào tạo nên những người nông dân có trình độ kiến thức và kỹ năng nói đi đôi với làm; giúp cho những người học có được phương pháp luận và nhân sinh quan khoa học; nhất là học tự chủ và tự học suốt đời có văn hóa “luôn biết sợ” khách hàng và coi khách hàng là “ông chủ duy nhất” mà mình phục vụ.
Các nhà khoa học và công nghệ nông nghiệp cùng có chung suy nghĩ là cần nhìn nhận ngành sản xuất nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất vật chất mà còn là ngành kinh doanh nông nghiệp - ngành kinh tế trí thức nông nghiệp và nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, trên cơ sở thoát ra khỏi tư duy theo địa giới tỉnh và huyện, chúng ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực, tương thích mang tính kiến tạo, quy định pháp lý rõ ràng, đầu tư dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, tạo ra không gian, lĩnh vực đầu tư hấp dẫn để thúc đẩy huy động được tối đa các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với thị trường, lấy tiêu chuẩn và giá trị gia tăng làm cốt lõi. Đồng thời, Nhà nước cần xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ nông nghiệp bằng cách tạo điều kiện pháp lý và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với nhà khoa học và nhà nông tự đầu tư, tự nghiên cứu đổi mới công nghệ và tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng khoa học nông nghiệp theo các chương trình, dự án, đề án cụ thể trên thực tiễn nền sản xuất, đóng vai trò là đối tác thúc đẩy, tạo thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh cho nhà nông.
(1) Food and Agriculture Organization of the United Nations (2018). The 10 elements of agroecology: guiding the transition to sustainable food and agriculture systems. Rome, Italy: FAO
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị, quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr73.