Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản
Phối hợp tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ cho nông dân
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp ưu việt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những loại nông sản có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại (vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ). Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp; bởi vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung, các sản phẩm nông nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.
Nhận rõ điều đó, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được lợi ích của chuyển đổi số, sức mạnh của công nghệ số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đối với đời sống, sản xuất nói chung và trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Ngoài ra, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông” do Trung ương Hội NDVN tổ chức, khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân toàn tỉnh, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng có chất lượng, hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn nông dân Thanh Hóa có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất; ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nông dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.
Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, HND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Trước nhu cầu cấp thiết đó, HND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Viễn thông Thanh Hóa về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028; phối hợp với Chi cục Kiểm nghiệm chất lượng Nông, lâm, thủy sản tỉnh; Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP, hướng dẫn livestream bán hàng trên các kênh mạng xã hội; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đào tạo tập huấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt, chứng nhận (VietGAP, VietGAHP)…
Bên cạnh đó, HND tỉnh còn tăng cường liên kết, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tỉnh tham gia vào các chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản trong và ngoài tỉnh. Điển hình, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức được 37 lớp tập huấn cho gần 2.446 học viên tại 26 huyện, thị thành phố về cách vận hành và đưa sản phẩm bán hàng trên sàn Thương mại điện tử Postmart.vn với 1.104 sản phẩm.
Ưu tiên hàng đầu các sản phẩm OCOP
Có thể nói, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong việc phát huy thế mạnh của từng địa phương. Kể từ khi triển khai chương trình này, nhiều địa phương được biết đến bởi sức lan tỏa qua giá trị nông sản của chính địa phương mình. Tính đến tháng 6/2024 toàn tỉnh Thanh Hóa có 508 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đây chính là nguồn lợi cực kỳ phong phú để ngành nông nghiệp tỉnh này bứt phá trong thời gian tới. Đồng thời là nguồn thu nhập chính cho người nông dân.
Để các sản phẩm OCOP được khách hàng biết đến và lựa chọn tiêu dùng thông minh, các cấp Hội đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông qua các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn… Nhờ đó, số lượng sản phẩm đến với thị trường tiêu dùng ngày một nhiều hơn và góp phần rất lớn trong khâu giải quyết việc làm, vấn đề đầu ra sản phẩm.
Điển hình như: HTX chè Bình Sơn, huyện Triệu Sơn thành công với 4 sản phẩm OCOP 3 sao ngày càng tăng cả chất và lượng qua việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; Hay như mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Nguyễn Văn Tú, thôn Kiến Long, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc với các sản phẩm Yến sào Xứ Thanh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đã xuất hiện ở các siêu thị lớn, uy tín, các trung tâm mua sắm, các nhà hàng, khách sạn sang trọng, được ghi nhận và đánh giá cao…. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Để các sản phẩm đặc trưng của địa phương tiếp tục “nở hoa”, thông qua nhiều chương trình, HND tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp cho hơn 20 sản phẩm nông sản, như: mía tím của Tổ Hợp tác trồng mía xã Thành Trực và ổi lê của Tổ HND trồng ổi xã Thành Tân, huyện Thạch Thành; sản phẩm trứng gà của HTX xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa và Tổ HND chăn nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu, huyện Hà Trung; mận Tam Hoa của Chi HND trồng cây ăn quả xã Pù Nhi, huyện Mường Lát; Các sản phẩm Lúa J02, J03, Lúa thảo dược, lúa nếp Hương, ST25 của các huyện Thiệu Hóa, Hậu Lộc; sản phẩm gà thương phẩm của Tổ Hội Nông dân chăn nuôi gà tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định và HTX Tân Hưng Phát tại xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân; ...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, HND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; Chú trọng bối dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số; hướng dẫn hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp; Tiếp tục tham mưu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong thúc đẩy chuyển đổi trong các khâu của các quá trình sản xuất.