Doanh thu trồng hoa giảm mạnh vì dịch Covid-19
Giảm 50% sản lượng hoa Tết do tác động dịch Covid-19
Theo bà Thùy cho biết, thời gian qua, nhà vườn không dám xuống giống hoa Tết, giảm gần 50% sản lượng. Các hộ chỉ tập trung chăm sóc các loại cây trang trí nội thất, cây công trình, bonsai vì dễ tiêu thụ, thời gian chơi được lâu hơn. Dịch này nhiều người khó khăn, nên các vườn trồng cân đối bán vừa giá để bà con có hoa chơi Tết.
Tuy nhiên, chi phí về phân, giống, nhân công, vật tư… đều tăng khiến cho giá bán cũng tăng theo, nhưng mức tăng chưa thể bằng giá đầu vào vật tư, nên nông dân sẽ giảm bớt lợi nhuận để có giá cả phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Hơn 20 năm trồng hoa, đây là năm khó khăn nhất với các nhà vườn.
Năm 2022, số lượng các chậu hoa cúc, mào gà, phượng hoàng, cát tường, đồng tiền… để phục vụ thị trường Tết, ít hơn so với các năm trước. Nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP. Thủ Đức… đã chủ động thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng để tìm hướng đi phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay. Tết Nguyên đán 2022 có lẽ là một cái Tết đáng nhớ với những người nông dân trồng hoa tại khu vực ngoại thành của TP. HCM.
“Lo ngại về sức mua thấp, nên năm nay vườn phải giảm quy mô trồng xuống gần 50% so với những năm trước đây. Để bông nở đẹp đúng dịp Tết, chúng tôi phải thắp đèn xuyên đêm từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch để kích thích hoa nở. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân khó khăn về kinh tế, nên các nhà vườn không thể tăng giá quá cao. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nếu tăng giá quá cao thì người dân làm sao mua được hoa. Do đó giá hoa lan, cúc vạn thọ không tăng mấy so với năm ngoái. Những năm gần đây, tôi đã tiếp cận với mạng facebook để giới thiệu về những loại hoa của vườn. Từ khi chơi facebook, nhiều bạn hàng từ khắp nơi biết đến và bán được nhiều hàng hơn. Có những khách hàng quen, chỉ cần nhìn hoa trên hình là họ chọn, rồi mình cứ thế đóng hàng và chuyển đi”, bà Thùy chia sẻ.
Cơ sở của bà Thùy chuyên về mô hình hoa nền như: Cúc đồng tiền, vạn thọ, màu gà, cát tường, sống đời… Khởi nghiệp đến nay đã hơn 20 năm, mô hình trồng hoa nền của bà đạt hơn 50 ngàn cây với diện tích 20.000m2, doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm, nhưng năm 2021, doanh thu chỉ đạt hơn một nửa so với những năm trước do ảnh hưởng dịch Covid - 19, nên người sản xuất chỉ trồng được 6 tháng. Tuy nhiên, năm nay gia đình cũng có thêm hướng phát triển là làm điểm chụp hình, tham quan hoa nền cho du khách.
Bà chia sẻ, mô hình trồng hoa nền nếu được đầu tư hiện đại tưới tự động trong nhà kính thì lợi nhuận mang lại tốt hơn canh tác theo dạng truyền thống, vì canh tác theo kiểu truyền thống phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khi trồng thường bị hao hụt lớn, lợi nhuận thường không cao. Chất lượng khi áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ cao và ổn định hơn.
Tiềm năng của thị trường hoa nền rất lớn
Hàng năm, vào khoảng tháng 8 âm lịch trở đi, các nhà vườn trồng hoa tại TP. HCM lại hối hả để chuẩn bị vụ Tết. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường hoa bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà Thùy cho biết: Trung bình mỗi năm gia đình làm 2 vụ để xuất ra dịp Lễ 2/9 và Tết Nguyên đán, nhưng năm nay giãn cách xã hội kéo dài nên vụ hoa 2/9 bị thất thu. Nhà vườn phải phục hồi các chậu hoa hỏng, vừa chỉnh trang vườn để làm vụ hoa Tết. Mặt khác, thị trường hoa tại TP. HCM còn chịu ảnh hưởng bởi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì năm nào hoa miền Tây lên nhiều thì năm đó các nhà vườn ở TP. HCM chịu sự cạnh tranh, trong tình trạng cung nhiều hơn cầu.
Ông Phan Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thủ Đức, TP. HCM, cho biết: Tết 2022, lượng hoa, cây kiểng của thành phố Thủ Đức sản xuất mùa vụ cho Tết Nhâm Dần chỉ khoảng hơn 50% so với những năm trước. Mặc dù vụ Tết năm nay người dân đã chủ động thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, song để hoa kiểng làm ra không chịu cảnh đổ bỏ và để thích ứng với xu hướng mua sắm, nhiều hộ kinh doanh đã tiêu thụ qua thương lái, mặt khác họ sẽ hợp tác với các dịch vụ bán online để đa dạng đầu ra.
Đây là năm khó khăn nhất không chỉ với gia đình bà Thuỳ mà còn với các hộ trồng hoa tại TP. HCM. Theo thống kê, trên địa bàn TP. HCM có khoảng hơn 2.000 vườn hoa kiểng, chủ yếu là các loại hoa lan, mai, bonsai, hoa nền các loại… Tuy khó khăn trước mắt, nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm sản xuất hoa nền, tôi nhận thấy tiềm năng của thị trường này lớn nên quyết định trồng hoa nền từ năm 2003 nhân dịp Seagame 23. Tuy sức mua kém hơn những năm trước, nhưng thị trường hoa nền năm nay khá hút hàng, vì đa số các hộ sản xuất hạn chế, nếu đơn vị nào không có kế hoạch ngay từ đầu sẽ tìm hoa trang trí khó hơn những năm trước. Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của việc tiêu thụ hoa nền nên bà Thùy đã liên kết với một số hộ nông dân trồng hoa nền và mở rộng quy mô. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi và vào cao điểm sức mua sẽ rất lớn, không đủ sản lượng cung ứng.
“Mô hình trồng hoa nền của bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phường Long Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu nhà vườn giảm nhiều. Mặc dù doanh thu giảm, nhưng bà Thùy vẫn tích cực tham gia chương trình tết nghĩa tình, học bổng Lương Định Của, Quỹ Hỗ trợ nông dân, an sinh xã hội do dịch bệnh Covid-19, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trên 50 lượt người”.
Ông Phan Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Thủ Đức.