Đổi mới mô hình sản xuất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành, chỉ trong 10 ngày, đã có 3.753 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 45,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10.
Tuy nhiên, để số doanh nghiệp này đi vào hoạt động hiệu quả, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý…
Xuất hiện những tín hiệu tích cực
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong 10 ngày cuối cùng của kỳ báo cáo tháng (từ 11-20/10), số doanh nghiệp gia nhập thị trường chiếm 45,6% (3.753 doanh nghiệp) tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng. Số vốn đăng ký mới cũng chiếm 38,9% (42.280 tỷ đồng) tổng số vốn đăng ký mới trong tháng 10/2021.
Cụ thể, so sánh với tháng 8 và tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 tăng lần lượt 42,9% và 111,2%; số vốn đăng ký mới cũng tăng tương ứng 59,8% và 73,9%.
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 đã tiệm cận với con số 8.740 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7, thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.
Đáng chú ý, có 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10 tăng so với tháng 9. Đặc biệt, các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng như Đà Nẵng tăng 167,3%, Cần Thơ tăng 58,3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 31,6%, Hà Nội tăng 17,8%, Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%...
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2020); 3.048 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2020) và 806 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (giảm 43,0% so với cùng kỳ năm 2020).
Theo các chuyên gia kinh tế, loạt chỉ số về tình hình doanh nghiệp tháng 10/2021 đã cho thấy sự phục hồi ban đầu của tình hình đăng ký doanh nghiệp. Đây chính là những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp tối màu do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, dù tình hình số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 có nhiều cải thiện, nhưng theo các chuyên gia, bức tranh doanh nghiệp 10 tháng năm 2021 vẫn còn trầm lắng.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 93.716 doanh nghiệp, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do dịch bệnh lên tới 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
“Sự chênh lệch giữa số doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục cho thấy những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt. Điều này đặt ra sự cấp thiết của việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ và chương trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới,” đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.
Khó có thể quay trở lại hoạt động nếu không “tiếp oxy”
Đáng chú ý, trong tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có tới gần một nửa là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (48.487 doanh nghiệp, chiếm 49,9% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Các doanh nghiệp này có thể chuyển sang trạng thái “giải thể”, khó có thể quay trở lại hoạt động nếu không “tiếp oxy” kịp thời sau 2 năm chống chọi với COVID-19.
Theo đó, những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (17.905 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 36,9%); xây dựng (6.661 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 13,7%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (5.738 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 11,8%) cũng chính là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho biết, trong quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, sự dịch chuyển và thanh lọc của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ và gay gắt.
Doanh nghiệp lớn có thể sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn trong khi doanh nghiệp có quy mô bé có thể bé đi hoặc thậm chí suy yếu và biến mất sau COVID-19. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp cấp thiết để vực dậy những doanh nghiệp thiếu nguồn lực.
Tại cuộc tọa đàm mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa mới được phê duyệt là một tin vui đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi theo đúng như chiến lược của Nghị quyết, Việt Nam sẽ đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông sản xuất, duy trì mạng lưới cung ứng ổn định.
Làm được điều đó, không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì được sản xuất mà thu hút đầu tư cũng được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng, miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn; đồng thời, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh… dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục giảm lãi suất cho vay…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, khó khăn nhất của doanh nghiệp thời điểm này chính là sức khỏe tài chính. Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít và chi ra thì liên tục, cho nên mọi sự hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ đều rất tốt.
“Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là phao cứu sinh của doanh nghiệp. Tuy nhiên giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định,” bà Thủy bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp.
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa trong tình hình mới; đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý…/.
Theo Vietnam +