Đổi mới phương thức tiếp thị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng Việt
Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường như Australia, Israel…vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Điều này ngày càng khẳng định vị thế của sản phẩm Việt cũng như kết quả tích cực của việc đổi mới phương thức tiếp thị, quảng bá, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Australia - Xu hướng ưa chuộng hàng hóa Việt Nam
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Australia trong 10 tháng năm 2021 đạt 10 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, nhóm hàng lương thực, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu có sự tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp Australia thời gian qua chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, song vẫn ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) đánh giá, điều này tiếp tục khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo nói riêng cũng như các sản phẩm nông, thuỷ sản của Việt Nam nói chung tại thị trường Australia. “Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng ưa chuộng hàng hóa Việt Nam của người dân Australia đang tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý để sớm nắm bắt cơ hội tốt tại thị trường này”, bà Thủy khuyến nghị.
Đánh giá Australia là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu muốn thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm thay vì giá thành.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia chia sẻ, hiện, thị trường Australia chỉ cho phép Việt Nam nhập khẩu không qua kiểm soát với 4 loại hoa quả là xoài, nhãn, vải và thanh long. Do đó, muốn tăng kim ngạch xuất khẩu không phải dễ dàng.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về hóa chất, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa tươi ngon...
“Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động thương mại trên nền tảng số hóa; tổ chức các hội chợ, triển lãm trực tuyến, trực tiếp; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu...”, ông Hoà khẳng định.
Israel – Thị trường còn nhiều dư địa
Ngoài thị trường Australia, quan hệ thương mại Việt Nam - Israel cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2018, trao đổi thương mại hai nước mới đạt 1,2 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, dự kiến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Israel hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, hàng năm có trên 70 loại mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Israel. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như hạt điều, thuỷ sản, cà phê, dệt may, giày dép các loại.
Đáng chú ý, ngoại trừ điện thoại di động-mặt hàng chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chủ yếu thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu còn lại là doanh nghiệp thuần Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
“Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả”, ông Lê Thái Hoà đánh giá.
Bên cạnh đó, vị Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel cũng đề cập tới Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Israel đã trải qua 10 phiên đàm phán, hai bên đang nỗ lực để có thể sớm kết thúc, ký kết trong thời gian tới. Nếu Hiệp định được đi vào thực thi sẽ tạo thuận lợi hơn nữa trong việc mở cửa thị trường, gia tăng thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, thách thức nổi cộm mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Israel là quốc gia thường xuyên xảy ra xung đột, đồng thời ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng Do Thái.
Bên cạnh đó, mặc dù hội nhập mạnh nhưng quốc gia này lại bảo hộ thị trường rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức thuế nhập khẩu lương thực, thực phẩm hiện tại trung bình ở mức 19,1%, cao hơn nhiều so với mức 3% của nhóm hàng phi nông sản.
“Israel không thuộc danh sách các nước có yêu cầu cấp chứng thư đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, nhưng áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ. Hầu hết tiêu chuẩn của Israel tuân theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ. Doanh nghiệp cần tuân thủ để tránh bị từ chối nhận hàng và tái xuất”, ông Lê Thái Hoà khuyến cáo.
Còn theo ông Đỗ Minh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel, Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao. Khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác./.
Theo VOV