Đồng Tháp xuất khẩu 15 tấn củ sen sang thị trường Nhật Bản
Theo đơn vị xuất khẩu, đối tác phía Nhật Bản dự kiến sẽ nhập thêm 7 lô hàng tương tự trong năm nay. Đơn vị xuất khẩu cho biết họ đã mất 2 năm đàm phán và chứng minh chất lượng sản phẩm với phía đối tác. Doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu rất cao về chất lượng môi trường vùng trồng và quy trình chế biến sản phẩm.
Củ sen xuất khẩu được thu hoạch sau khoảng 135 ngày trồng và chỉ 30% sản lượng củ sen đủ điều kiện xuất khẩu. Củ sen sau khi khai thác được làm sạch, thái mỏng với kích thước đồng đều. Sen là một ngành hàng nông nghiệp chủ lực của Đồng Tháp. Toàn tỉnh có hơn 1.800ha ruộng sen. Nông dân Đồng Tháp trồng sen vừa lấy hoa, lấy củ, lấy hạt … vừa làm du lịch.
Theo thống kê, trong năm 2023, người trồng sen ở Đồng Tháp có lãi trên 28 triệu đồng/ha/vụ. Từ sen, nông dân Đồng Tháp đã sản xuất được 56 sản phẩm tiêu biểu, được công nhận OCOP. Tỉnh này đang tập trung xây dựng xác nhận cấp mã vùng trồng sen để xuất khẩu sản phẩm.
Với việc trồng sen lấy củ theo quy trình và được bao tiêu, nông dân có thể lãi đến 45 triệu đồng/ha/vụ. Theo quy trình, mỗi năm nông dân có thể trồng được 2 vụ sen, nhân đôi lợi nhuận.
Ngành hàng sen là một trong những ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và được lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm. Đồng Tháp đã định hướng phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hóa xanh; đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp cho biết: Loại sen trồng ở Đồng Tháp có thể trồng quanh năm, đây là lợi thế rất lớn so với sen Trung Quốc chỉ trồng được vào mùa Hè. Năng suất từ 5 - 7 tấn một vụ khoảng 4 tháng. Miền Tây Nam Bộ có khoảng 3.000ha trồng sen đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.
Tiềm năng thị trường tiêu thụ củ sen rất lớn vì cung đang thấp hơn nhiều so với cầu, cả nước chỉ có khoảng 200ha ruộng sen trồng tập trung để lấy củ. Ngoài thị trường trong nước, mỗi năm thị trường Nhật Bản tiêu thụ khoảng 100.000 tấn, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn củ sen, mang lại tiềm năng xuất khẩu lớn.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc nhà máy Công ty cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt là đơn vị xuất khẩu lô củ sen chia sẻ: Thị trường Nhật rất khó tính, yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy. Công nghệ cấp đông IQF, thực phẩm có thể bảo quản trong hai năm, giữ được màu tự nhiên, không phá vỡ liên kết. Trung bình một tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đây là lô sen xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Tuy khối lượng không lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn từ địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho sen Đồng Tháp thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.