Thị trường

Tiêu thụ nông sản tăng mạnh trên các sàn thương mạng điện tử

Thanh Phong - 14:54 10/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản thông qua sàn thương mại điện tử và đạt kết quả tích cực.

Số liệu từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, hiện tại, 100% các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội

Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã có 4.843 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh khởi tạo gian hàng, quảng bá và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Qua đó, tăng trưởng thương mại điện tử của Bắc Giang bình quân đạt 17,6%

Đáng chú ý, mặt hàng tiêu biểu là vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước (đạt trên 8.000 tấn, trong đó có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử), đồng thời tiếp cận được nhiều tệp khách hàng mới.

Để đảm bảo hoạt động tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng nông sản cần đa dạng hóa hình thức, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu.

Để có những kết quả trên, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó, trọng tâm là đào tạo, tập huấn trực tiếp cho các hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều.

Đáng chú ý, Bắc Giang đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; hỗ trợ 1 doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com. Kết quả bước đầu đã có những khách hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức ghé thăm và tìm hiểu…

Hiện nay, Bắc Giang đã có gần 115.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Tương tự như Bắc Giang, tỉnh Sơn La cũng đã đẩy mạnh công tác phát triển, mở rộng thị trường trong nước qua kênh bán hàng trực tuyến và coi đây là giải pháp trọng tâm trong tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, mục tiêu giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 196,1 triệu USD, tăng 5,07% so với năm 2023 (trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng 5,12% so với năm 2023); giá trị sản phẩm trái cây xuất khẩu phấn đấu đạt 34,22 triệu USD (tăng 4,43% so với năm 2023).

Để đạt được mục tiêu trên, các đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao hiểu biết về thương mại điện tử. Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của tỉnh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, hình thành hệ thống logistics nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Đặc biệt, không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản qua các kênh thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác