Quỹ Hỗ trợ Nông dân:
Đột phá cả về quy mô và hiệu quả hoạt động
Điểm sáng từ nguồn vốn Quỹ HTND Hà Nội
Hà Nội là một trong những địa phương có nguồn Quỹ HTND lớn nhất cả nước và số hội viên nông dân hưởng lợi từ nguồn quỹ này nhiều nhất.
Hiện nay, Hội ND thành phố Hà Nội quản lý hơn 782 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND. Trong đó, Quỹ Trung ương (T.Ư) Hội ủy thác 2 tỷ đồng, chiếm 0,25%; Quỹ cấp Thành phố đạt trên 650 tỷ đồng, chiếm 83%; quỹ cấp huyện, thị xã đạt hơn 95,8 tỷ đồng, chiếm 12,11%; quỹ do Hội ND cấp xã vận động đạt 36,8 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, mức tăng trưởng vốn Quỹ HTND của Thủ đô đạt 64,3 tỷ đồng, đạt 321,8% chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Hà Nội là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ HTND lớn nhất cả nước, với 23.239 hộ vay vốn, tham gia 1.439 dự án (bình quân khoảng 500 triệu đồng/dự án, hơn 41 triệu đồng/hộ vay).
Bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội cho biết, nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nguồn ngân sách thành phố Hà Nội duyệt cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND tăng trưởng đều qua các năm.
Mô hình trồng rau thuỷ canh của nông dân xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao.
Ở cấp huyện, Hội ND huyện Đông Anh đang quản lý hơn 40 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho hơn 1.600 hộ nông dân vay vốn thông qua 91 dự án. Chủ tịch Hội ND huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ khẳng định: Nguồn vốn từ Quỹ HTND được hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đặc biệt là không có nợ quá hạn, nợ xấu. Một số mô hình điểm có thể kể đến là dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại xã Vân Hà; dự án trồng rau an toàn ở xã Vân Nội; mô hình trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá...
Nguồn vốn Quỹ tăng trưởng mạnh qua các năm
Theo thời gian, nguồn vốn Quỹ HTND đã có bước tăng trưởng hết sức ấn tượng mang tính đột phá cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Một trong những kết quả ấn tượng của các cấp Hội NDVN trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN (nhiệm kỳ 2018- 2023) đó là: Tăng trưởng Quỹ HTND hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu; nâng tổng nguồn vốn quỹ toàn hệ thống Hội đạt gần 5.000 tỷ đồng, tạo thành nguồn vốn không thể thiếu cho hội viên nông dân phục vụ sản xuất.
Riêng năm 2023, Quỹ HTND tăng trưởng xấp xỉ 15%. Công tác phát triển nguồn vốn từ khu vực ngoài ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các hình thức vận động ủng hộ, vay, mượn, nhằm huy động nguồn lực xã hội xây dựng Quỹ HTND. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN, để đạt được những kết quả đáng phấn khởi nêu trên, trong nhiệm kỳ qua, Quỹ HTND các cấp đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ cùng cấp ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, thực hiện văn bản của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng trong nông nghiệp, về hoạt động Quỹ HTND. Đặc biệt, Quỹ HTND T.Ư tham mưu Ban Thường vụ T.Ư Hội phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hệ thống Quỹ ngày càng phát triển vững mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Hội NDVN. Đây là năm rất quan trọng, đặt nền móng để tiến tới hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra. Trong đó, riêng với Quỹ HTND, Nghị quyết Đại hội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách. Đó là động lực để Quỹ HTND các cấp phấn đấu thi đua xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ, huy động nguồn lực xã hội xây dựng giai cấp Nông dân, Hội NDVN vững mạnh về mọi mặt, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Về các mục tiêu xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ Nông dân trong năm 2024, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết:
Thứ nhất, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp đúng theo quy định của Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023, nhằm đảm bảo hoạt động hệ thống Quỹ HTND các cấp tiếp tục phát triển, hiệu quả trong giai đoạn mới.
Thứ hai, tập trung xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND vượt kế hoạch đề ra từ nguồn vốn trong và ngoài ngân sách; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua nguồn tín dụng ủy thác của các Ngân hàng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn của hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các dự án Nhóm hộ vay vốn Quỹ HTND gắn với xây dựng chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác, hợp tác xã ở nông thôn.
Thứ tư, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Quỹ HTND các cấp có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và điều hành hoạt động của Quỹ HTND và hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân trong tình hình mới.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
“Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Quỹ HTND đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp; theo đó, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết, nghị định liên quan như: Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND; các chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII về phát triển Quỹ HTND. Các cấp Hội cần tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện tiếp tục cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ HTND, đồng thời đẩy mạnh vận động ủng hộ từ nguồn ngoài ngân sách, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được giao…” - bà Kim Hoa nhấn mạnh.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”