Nông thôn mới

Đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Bố Trạch

Bùi Ánh - 13:06 18/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đạt 374 tiêu chí, bình quân đạt 14,96 tiêu chí/xã, tăng 4 tiêu chí so với năm 2022, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 17/28 xã, thị trấn.

Để quá trình xây dựng NTM bền vững, huyện Bố Trạch thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, huyện đã nâng tầm du lịch nông thôn với lợi thế thiên tạo để phát huy tiềm năng nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương.
Hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ - chìa khóa phát triển về mọi mặt
Năm 2023, huyện Bố Trạch phấn đấu xây dựng 2 xã: Xuân Trạch, Hải Phú đạt chuẩn NTM. Xã Bắc Trạch được lựa chọn phấn đấu xây dựng về đích xã NTM nâng cao. 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đặt lên hàng đầu trên tiến trình cán đích huyện NTM là đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Để giao thương thuận lợi làm cú hích cho các vùng sản xuất, du lịch được kết nối thông suốt, huyện đã “cứng hóa” khoảng 80% các trục đường; đồng thời tạo cảnh quan cho các đường làng, ngõ xóm trở nên xanh, sạch, đẹp xứng tầm NTM có chiều sâu.

Hạ tầng đồng bộ - tạo điểm nhấn cảnh quan  cho diện mạo nông thôn mới huyện Bố Trạch.
Trên cơ sở các đồ án quy hoạch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện, kêu gọi đầu tư, tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nhiều khu đô thị mới, các điểm dân cư nông thôn, các khu du lịch, dịch vụ được hình thành. Trong đó, huyện đã chú trọng công tác lập, quản lý quy hoạch trên địa bàn, như: Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hoàn Lão đến năm 2045 với tổng diện tích nghiên cứu 24.005ha; lập quy hoạch phân khu thị trấn Nông trường Việt Trung với quy mô diện tích hơn 8.587ha…
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng giúp các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình như: Vụ Đông xuân 2022-2023 huyện Bố Trạch đã thực hiện được 310ha diện tích cánh đồng lớn, trong đó có 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; 35ha lúa ST25 liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân xã Mỹ Trạch với HTX Sản xuất - Kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng; tiếp tục thực hiện sản xuất ngô lấy thân tại xã Nam Trạch với diện tích 15ha;...
Là một huyện nông nghiệp vì vậy hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn được quan tâm đầu tư lớn, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên. Nhiều công trình đang triển khai thi công: Hồ Bàu Trạng xã Cự Nẫm, hồ Trọt Hóp xã Tây Trạch, hồ Bàu Choi xã Nam Trạch, hồ Khe Su, thị trấn Phong Nha, hồ Bộ Đội xã Phú Định... và hệ thống kênh mương nội đồng xã Đại Trạch, Bắc Trạch, Hải Phú Kè chống sạt lở cấp bách sông Dịnh Kè biển xã Hải Phú… các công trình này sau khi hoàn thành vừa đảm bảo phục vụ tưới tiêu vừa tạo điểm nhấn cảnh quan phục vụ du lịch.
Du lịch nông thôn - “cú hích” phát triển kinh tế nông nghiệp
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Do đó, việc phát triển du lịch nông thôn đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Huyện Bố Trạch hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi tắm Đá Nhảy; những di tích lịch sử văn hóa có giá trị như phà Xuân Sơn, đường 20 quyết thắng, hang “Tám cô”, cảng Gianh, làng chiến đấu Cự Nẫm... Đó là điều kiện để hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn.

Du lịch nông thôn đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường cho huyện Bố Trạch.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để du lịch nông thôn phát triển ngoài hệ thống hạ tầng giao thông được đồng bộ thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, quản lý di tích cũng cần được chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 4 câu lạc bộ văn hóa dân gian, sinh hoạt hường xuyên, hiệu quả như Tuồng bội Khương Hà, Hưng Trạch; Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch; Dân ca hội di sản; Dân ca xã Hải Phú. Hàng năm, huyện hỗ trợ kinh phí luyện tập cho các câu lạc bộ. Đây là hoạt động nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống, mang lại những trải nghiệm hấp dẫn và quảng bá vốn nghệ thuật truyền thống địa phương đến với du khách. 
Từ những cơ chế hỗ trợ và điều kiện tự nhiên được tạo hóa ban tặng, Bố Trạch được biết đến là “thiên đường” du lịch, nghỉ dưỡng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh “vương quốc của những hang động” phù hợp với loại hình du lịch khám phá, huyện Bố Trạch còn có đa dạng các loại hình du lịch nổi trội hiện nay như du lịch cộng đồng homestay, farmstay,…
Sự kết hợp của nhiều loại hình du lịch đã thu hút đông đảo du khách thập phương ở mọi lứa tuổi đến khám phá và trải nghiệm. Cũng từ loại hình du lịch này mà nhiều sản phẩm nông sản của địa phương có thể dễ dàng đến với du khách qua các lần đến thăm. 
“Xã Cự Nẫm có nhiều mô hình du lịch sinh thái ở vùng nông thôn nên cứ mỗi dịp ngày lễ, cuối tuần du khách đến tham quan rất đông, nhờ đó, các sản phẩm được làm từ dược liệu của hợp tác xã đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Từ du khách, sản phẩm được quảng bá rộng hơn trong thị trường. Đây cũng là cơ hội để hợp tác xã tiếp tục giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng”, chị Nguyễn Thị Giang – Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm chia sẻ.
Thời gian tới, để du lịch nông thôn ngày càng phát triển, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện Bố Trạch tiếp tục xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho du khách. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sẽ có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn du lịch nông thôn của khách du lịch gồm: Sự hấp dẫn của các điểm tham quan; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; an ninh trật tự; tính chuyên nghiệp; giá cả các dịch vụ du lịch… Do đó, huyện cũng đã có nhiều bước triển khai phù hợp để từng bước nâng cao sức thu hút đối với khách du lịch về với các điểm tham quan vùng nông thôn trên địa bàn”.
Nhờ phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người của huyện Bố Trạch đạt 55,2 triệu đồng (toàn tỉnh 40 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7% (toàn tỉnh 5,02%), Ngành nghề du lịch cũng đã cùng với đó là giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, nâng cao giá trị nông sản của địa phương.  

Tin cùng chuyên mục
Tin khác