EC lùi lịch kiểm tra đánh bắt IUU: “Phút bù giờ” quý giá cho Việt Nam
Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội
“Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) là thẻ phạt đối với quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Khi quốc gia nào bị EC rút “thẻ vàng” sẽ bị công bố rộng rãi trên thế giới, hàng thủy sản nhập vào EU sẽ bị tăng cường kiểm tra với thời gian kiểm tra kéo dài làm tăng rất cao chi phí.
Sắp tròn 7 năm kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam vì chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU tại vùng biển ngoài Việt Nam. Và cũng ngần đó thời gian, ngành Thủy sản Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề. Để tận dụng thị trường EU, tăng cơ hội cho thủy sản, trước hết phải gỡ thẻ vàng IUU, lấy lại được “thẻ xanh”. Nếu “thẻ vàng” bị chuyển sang “thẻ đỏ”, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU và có thể sẽ mất 500 triệu USD/năm riêng cho ngành Thủy sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra Nhật ký các tàu khai thác tại Khánh Hòa
Tuy nhiên, đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của đoàn thanh tra EC (từ ngày 10 đến 18 tháng 10- 2023) đã cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục như tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra; vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt hành vi vi phạm quy định về mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển; công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá chưa quyết liệt, chặt chẽ đảm bảo theo quy định; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu và nhiều thiếu sót. Nếu không sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên thì nguy cơ bị nâng cảnh báo lên “thẻ đỏ” là rất cao.
Theo lịch trình đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam, đợt thanh tra thực tế lần thứ 5 của đoàn thanh tra EC sẽ diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2024. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban châu Âu đã thông báo sẽ lùi thời gian sang kiểm tra đánh bắt IUU lần thứ năm vào tháng 9, hoặc tháng 10/2024, thay vì tháng 5/2024 như lịch trước đây. Theo Chính phủ, một trong những lý do EC lùi thời hạn kiểm tra gỡ "thẻ vàng" IUU là vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam đối với 2 nghị định này sẽ đạt hiệu quả ra sao.
Nỗ lực trong công tác lập pháp và hành pháp
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Đoàn Công tác sang làm việc với Uỷ ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). EC đánh giá, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế.
Trong đó, 3 vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỷ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ.
Truy xuất nguồn gốc hải sản là một điểm yếu của Việt Nam
Như vậy, nếu EC tổ chức thanh tra đúng như lịch, khả năng mọi nỗ lực của Việt Nam sẽ kết thúc với một tấm “thẻ đỏ”. Cho nên, có thể nói, việc EC lùi thời hạn thanh tra tại Việt Nam như một phút bù giờ trong bóng đá, trước khi trận đấu kết thúc. Và cơ hội có được “phút bù giờ” quý giá này là do chúng ta nỗ lực tạo ra. Chưa bao giờ, toàn Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cùng toàn thể nhân dân có một quyết tâm, nỗ lực như vậy trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát hoạt động khai thác IUU tại vùng biển ngoài Việt Nam.
Mới đây, Ban Bí thư ban hành ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Như vậy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước.
Trước đó, ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hai Nghị định mới được ban hành với quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt cao hơn được nhận định đã hoàn thiện các mảnh ghép trong việc gỡ ‘thẻ vàng’ IUU cũng như hướng đến ngành Thủy sản bền vững.