Hơn 200 khách mời đến từ 39 quốc gia sẽ tham dự Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Tại Festival lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.
Đề án là hình thành 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có mục tiêu gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Hậu Giang là trung tâm của vùng ĐBSCL, đa dạng sinh thái, diện tích trồng lúa chiếm hơn 50% diện tích của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sở hữu kênh Xáng Xà No kéo dài khoảng 45 km có nhiều người dân sinh sống, giao thông đường thủy đặc biệt, vận chuyển lúa gạo đi khắp nơi. Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN & PTNT để làm tốt các khâu chuẩn bị và đến thời điểm hiện nay tất cả các khâu chuẩn bị đều đảm bảo kế hoạch đề ra. Buổi họp báo hôm nay là một trong những hoạt động quan trọng của Festival”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN&PTNT cho biết: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 hút 200 khách quốc tế đến từ hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thể kể đến các nước nhập khẩu lúa gạo lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, sự kiện còn thu hút các quốc gia đến từ Trung Đông, Nam Mỹ cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, một loạt viện phát triển nông nghiệp thế giới. Hiện ban tổ chức đã nhận được sự xác nhận cấp bộ của 8 quốc gia, 7 đại sứ quán...
Về ký kết hợp tác, đây là vấn đề quan trọng của Festival, sẽ có ký kết giữa World Bank với Chính phủ Việt Nam về những cam kết hỗ trợ thực hiện “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ngoài ra, sự kiện còn có hàng loạt cuộc ký kết giữa cấp Bộ về vấn đề giống, các ký kết song phương với các nhà nhập khẩu. Đồng thời, sự kiện lần này có hàng loạt cam kết của các tập đoàn, hiệp hội, ngành hàng cam kết cùng với Bộ NN & PTNT thực hiện thành công dự án…
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đây là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ diễn ra từ ngày 11-14/12 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, dự kiến thu hút các lãnh đạo ngành và doanh nghiệp từ nhiều quốc gia tham dự như: Các nước châu Âu, Ấn Độ, Philippinnes, Đan Mạch, Việt Nam…Tại sự kiện, sẽ có các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa; Hoạt động lễ hội; Triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”; trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, mô hình canh tác lúa thông minh; các hội thảo: Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, Hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; Hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững…
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững