Gặp người “khắc tinh” với chuột
Đó là nghề “bẫy chuột” của ông Trần Quang Thiều (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Với việc sáng chế ra chiếc “bẫy chuột hình bán nguyệt”, từ năm 2000 cho đến nay, ông đã đi đủ hết 63 tỉnh, thành để diệt chuột. Ông được gọi là “vua diệt chuột” hay “thầy giáo chân đất” của nông dân và được coi là người đào tạo có nhiều học viên nhất. Ông đã hướng dẫn cách diệt chuột cho trên 3.860 tổ chuyên diệt chuột của các hợp tác xã nông nghiệp và nhà máy. Riêng ông và tổ viên của ông đã diệt được trên 45 triệu con chuột.
Đi đủ 63 tỉnh, thành để diệt chuột
Năm 2000, ông Thiều sáng chế ra chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt, diệt chuột không cần mồi. Đây là bước ngoặt để đưa ông đến với nghề bẫy chuột, rồi trở thành “vua diệt chuột”. Nhớ lại quãng thời gian đầu vì sao khiến ông mất ăn mất ngủ để tìm cách bẫy chuột. Ông kể: Những năm trước, hợp tác xã quê ông có chủ trương đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Mỗi gia đình góp hơn 100 ngàn đồng để quây nilon, chăm bón tốt thì bị chuột cắn, chuyển sang chăm bón muộn, nên năng suất giảm khoảng 20kg/sào, chuột cắn mất khoảng 20-30% tính ra mỗi vụ 1ha mất từ 1-1.5 tấn thóc, như thế vô cùng lãng phí mà chưa có cách nào giải quyết.
Đến năm 2000, ông Thiều được phân công làm đội trưởng sản xuất của thôn, nhận lúa giống siêu nguyên chủng để cấy làm giống bán cho nhà nước. 1kg thóc giống có giá trị gấp đôi so với thóc thịt. Đưa vào cấy nếu bị chuột cắn nhiều quá sẽ không đảm bảo năng suất và sẽ bị mất hợp đồng, đội trưởng bị phạt. Khi gieo mạ xong, thời kỳ mạ non đi kiểm tra đã bị cắn mất gần 1/3. Ông cứ lo “ngay ngáy”, nhiều hôm lạnh rét cũng vẫn phải ra đồng để theo dõi, đặt nhiều loại bẫy có mồi, không có mồi đủ kiểu nhưng có cái được, cái không.
“Nhưng điều quan trọng là tôi phát hiện ra đường chạy của nó, đi và về chỉ một đường, theo đường của đồng loại, đấy là phản xạ có điều kiện” – ông Thiều nói.
Sau đó vẫn phải đi tìm hiểu tại sao nó khôn như thế, ông đi đào hang để bắt, mua thêm hàng trăm con. Ông cho cắt râu, khâu mắt, cắt tai, bẻ răng, khâu mũi, chặt đuôi nhiều con chuột, thả ra ngoài tự nhiên để phát hiện quy luật hoạt động, tác dụng của từng bộ phận thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác của chuột tạo nên phản xạ tức thời của chuột (43 loài chuột), phát hiện tốc độ di chuyển của mỗi loại chuột khác nhau như chuột đồng 2,2m/s, chuột đất 1,8m/s, chuột nhà, chuột rừng, hang núi chạy 2,7m/s.
Ở chợ có bán bẫy chuột nhưng không đủ lực kéo, đập, tốc độ chậm, nhiều bẫy sập, chuột vẫn chạy thoát nên tôi bắt đầu nghiên cứu. Dựa vào cách chuột đi và về theo một đường, tốc độ chạy 2,7m/s, ông làm cái bẫy và nhờ TS. Nguyễn Văn Biên – chuyên ngành vật lý (Trường Đại học Sư phạm I) đo hộ lực kéo của bẫy. Khi cái bẫy chuột hoàn thiện thì bất kể chuột to nhỏ nào mà dính vào là đều chết hết.
Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu đặc điểm sinh sản, giờ hoạt động của chúng chủ yếu 17h- 19h và từ 3-7h sáng để có thể đặt bẫy. Ông đã cải tiến 6 lần chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt để phù hợp với thói quen, phản xạ của chuột, hiệu quả diệt chuột cao hơn.
Từ những năm đó là ông đi bắt chuột khắp cả nước cho đến tận bây giờ, đi đủ hết 63 tỉnh, thành chỉ có điều chưa đi hết các huyện và được coi là người đào tạo có nhiều học viên nhất của nông dân.
“Cách đào tạo của tôi rất đơn giản, giáo trình đặc biệt không ở đâu có cả, chỉ cần chiều nay đến sáng mai là học viên nào cũng có thể bắt được chuột. Trong các lớp mà tôi đào tạo, nhiều người họ hỏi, nghi ngờ, chất vấn đủ kiểu, thậm chí bảo tôi đến lừa tiền họ, bắt chuột có mồi nó còn không ăn, thì chiếc bẫy không có mồi làm sao dùng được. Tôi bảo không cần phải nói gì, tôi cho mượn 500 cái bẫy, tự tay các anh đi đánh rồi mai hãy hỏi, đừng hỏi hôm nay mất thời gian. Tôi còn ra ngoài đồng chỉ cho cách đặt bẫy, đặt xong thì về, tối từ 8-9 giờ tối ra gỡ rồi về đi ngủ, không phải đi suốt đêm” – ông Thiều chia sẻ.
Ông còn tự hào kể rằng nhờ có công của ông mà sâm Ngọc Linh không bị mất giống. Năm 2007, sâm Ngọc Linh chỉ còn vài chục cây còn hoa vì bị chuột cắn hết. Ông Thiều đã hướng dẫn cho 9 công nhân đặt 200 cái bẫy, trong rừng không vết như ở ngoài đồng vì cây cối rậm rạp, phải nhìn kỹ, đặt bẫy cách 30cm một cái và cứu được sâm Ngọc Linh.
Mỗi năm ông Thiều hướng dẫn tập huấn được khoảng 100 lớp và cung ứng ra thị trường trên 100 nghìn chiếc bẫy chuột. Mỗi năm ông lại cải tiến sáng tạo thêm các chi tiết cho hoàn thiện hơn, bắt chuột hiệu quả nhất và ngoài thị trường rất khó nhái được sản phẩm của ông. Các tỉnh có nhu cầu, ông cho người đến hướng dẫn, đặc biệt, các tổ chức nông nghiệp, hội viên nông dân được mua bẫy trả chậm, chuyển đến tận nơi, có hướng dẫn cách nhận biết dấu vết và đặt bẫy, không hiệu quả không phải trả tiền.
“Bẫy chuột” ra nước ngoài
Sau khi được nhận giải thưởng của Vifotech năm 2009 (Khoa học sáng tạo của Việt Nam), các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài mời ông Trần Quang Thiều sang để hướng dẫn cho nhân dân cách diệt chuột. Đây cũng là một trong các hoạt động giúp xóa đói giảm nghèo. Vì nhờ có diệt chuột mà cây trồng không bị hại, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản. Ông đã đi được hơn 10 nước như Trung Quốc, Campuchia, Lào…
Năm 2012, ông Thiều được Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đưa đi dự Hội thảo Khoa học quốc tế ASEAN, báo cáo độc quyền sáng chế giải pháp hữu ích đề tài: Nghiên cứu tập quán chuột và bẫy chuột không cần mồi hiệu quả.
Trong cuộc hội thảo quốc tế, riêng ở Trung Quốc có 18 báo cáo nghiên cứu về chuột và cho rằng con chuột là 1 trong 5 thứ mà có làm gì thì con người chịu không thể biết được. Hay như nước Anh sử dụng cả tấn bả chuột mà rất ít con chết, điều đó có nghĩa là chuột có tần sóng riêng thông qua râu để báo hiệu cho nhau, chúng có thể hiểu tiếng người… Tuy nhiên, các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu ở trong lồng kính chứ không phải chuột được bắt trong tự nhiên.
Ông Thiều kể: Khi tôi được giới thiệu lên trình bày về đề tài bẫy chuột không cần mồi, hầu hết họ đều nhìn tôi nghi ngờ giống như kiểu mình đang nói dối vì mình không có phòng nghiên cứu. Nhưng qua thực tế và tìm hiểu tập tính di chuyển, sinh hoạt của chuột, tôi khẳng định chuột không hiểu tiếng người, cũng không có thông tin ngôn ngữ riêng. Tôi bẫy được chuột mà không cần mồi là dựa vào 2 phản xạ chính của chúng để bắt. Với những chứng cứ xác thực, khi trình bày xong cả hội trường vỗ tay rào rào. Các nhà khoa học đánh giá cao sáng kiến của tôi và nhận xét là kỳ lạ nhất thế giới.
Sau cuộc Hội thảo, ông được Bộ Nông nghiệp Ấn Độ mời sang hướng dẫn cách bắt chuột cho nông dân của nước này. Ông còn được vinh danh “Nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam tại Ấn Độ”.
Hiện nay ông Thiều còn nghiên cứu giải pháp bẫy đuổi chim trời phát triển từ chiếc bẫy chuột không cần mồi. Đêm đặt bẫy chuột, ngày gắn thiết bị đuổi chim rất hiệu quả, giúp bảo vệ mùa màng của nông dân.
“Bẫy chuột không cần mồi vẫn tiếp tục được cải tiến, hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện lợi, áp dụng trên mọi địa hình, có hiệu quả cao góp phần tăng năng suất cây trồng., bảo vệ tài sản gia đình, tài sản xã hội, tránh lãng phí do chuột cắn, bảo vệ môi trường” –
Ông Trần Quang ThiềuVới sáng chế đặc biệt của mình, ông Trần Quang Thiều đã được nhận nhiều giải thưởng, khen thưởng, kỷ niệm chương của các Bộ, ngành như: Huân chương lao động Hạng Ba năm 2016, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, Bằng khen giải Nhất sáng tạo của Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ NN&PTNT….Sản phẩm bẫy chuột không cần mồi còn được vinh danh tại các hội chợ quốc tế trong và ngoài nước.
Lương Thủy