Ghi nhận 108 ca bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên
Tính đến chiều 21/7, Tây Nguyên đã ghi nhận 108 ca bệnh bạch hầu tại 36 xã của 4 tỉnh trên, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, chiều ngày 21/7, tại TP. Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo ngành y tế 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông về công tác khám bệnh, điều trị bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên.
Tính đến chiều 21/7, Tây Nguyên đã ghi nhận 108 ca bệnh bạch hầu tại 36 xã của 4 tỉnh trên, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Đắk Nông là địa phương có nhiều ca bệnh nhất với 32 ca và 2 trường hợp tử vong.
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn bệnh lây lan rộng; đồng thời cập nhật kịp thời phác đồ điều trị, kết nối hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để đảm bảo công tác điều trị hiệu quả, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang gặp một số khó khăn cả trong dự phòng và điều trị bệnh bạch hầu như: chưa có cơ chế cụ thể trong việc mua kháng sinh dự phòng; việc thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu dẫn đến những khó khăn trong công tác điều trị, đặc biệt là với những trường hợp bệnh nặng, biến chứng viêm cơ tim; kinh phí để đảm bảo chế độ cho người bệnh cũng như người nhà trong công tác cách ly còn hạn chế…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có sự tập trung cao về sức lực, tinh thần, vật chất để khống chế dịch ngay từ giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng chống và dập dịch, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần nâng cao vai trò của các tuyến điều trị tại địa phương, nhất là y tế tuyến huyện.
Về vấn đề về thuốc kháng sinh, ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Cục quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở vi sinh trên cả nước làm kháng sinh đồ để có thêm các loại kháng sinh phục vụ công tác dự phòng bạch hầu.
“Phương châm đối với phòng chống dịch bệnh tại nước ta là 4 tại chỗ, tức là đơn vị tiền tiêu về mặt y tế sau trạm y tế xã là bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện là cơ sở đã được trang bị đầy đủ tất cả các phương tiện về mặt theo dõi, hồi sức. Cho nên việc sử dụng bệnh viện huyện để làm cơ sở để thu dụng điều trị bệnh nhân là hợp lý đối với các bệnh nhân nhẹ chưa có biến chứng”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh và cho biết thời gian tới Bộ Y tế sẽ liên hệ với các đơn vị để có thể tạo điều kiện cung ứng được một số lượng thuốc SAD đầy đủ, cần thiết cho các đơn vị y tế Tây Nguyên./.
(Theo VOV)