Giá trị nông sản tăng khi nông dân vào chi, tổ hội nghề nghiệp
Thành lập Tổ hội nghề nghiệp tạo vùng sản xuất tập trung
Mới được thành lập từ tháng 5/2020 nhưng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi cá chi hội thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, đã trở thành “mái nhà thứ hai” của 9 thành viên trong tổ với cùng sở thích chăn nuôi cá nước ngọt.
Ông Nông Văn Bềnh thành viên của Tổ hội nghề nghiệp phấn khởi chia sẻ: “Trước kia, việc chăn nuôi cá cứ mạnh ai người đấy làm, ai thích nuôi gì thì nuôi, khi có vấn đề có hỏi nhau kinh nghiệm thì cũng chỉ có 1-2 người chia sẻ, chính vì vậy mà chăn nuôi không hiệu quả. Nhưng từ khi được vào Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi cá, chúng tôi đã ngồi lại với nhau nhiều hơn, mọi người chia sẻ với nhau từ việc mua giống, chăn nuôi… Từ những kinh nghiệm đúc kết thực tế của mỗi hộ mà giờ đây 9 thành viên đều có kiến thức vững vàng trong chăn nuôi cá”.
Từ những kiến thức được chia sẻ trong Tổ hội nghề nghiệp, gia đình ông Bềnh đã quyết định chia diện tích ao lớn rộng 1.600m2 thành 3 ao nhỏ, nuôi chuyên biệt từng loại, trong đó 1 ao thả cá chim, 2 ao thả cá rô phi đơn tính. Khơi thông dòng chảy, dẫn nước từ khe núi vào ao để cung cấp nguồn nước sạch, cung cấp ô-xy, không để tình trạng ao tù nước đọng như trước. Chính vì vậy mà cá nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh.
Cũng phát triển sản xuất chăn nuôi, nhưng những hộ gia đình ở thôn Nà Sát, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì lại lựa chọn con gà để phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh Phan Văn Tuân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia cầm Trần Phú cho biết: “Được thành lập từ năm 2016 đến nay, HTX đã có 9 thành viên, với 6 khu chăn nuôi riêng biệt, quy mô trung bình khoảng 1,5 vạn con/năm, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 30 tấn gà thương phẩm, 60.000 con giống. Khi trở thành thành viên của HTX Trần Phú, các thành viên sẽ được hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật chăn nuôi gà, con giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm đầu ra… bà con chỉ yên tâm sản xuất theo đúng kỹ thuật”. Hiện HTX đang tạo công ăn việc làm 20 lao động với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
HTX Trần Phú đã đầu tư thêm máy ấp trứng, khu giết mổ và đóng gói sản phẩm tập trung. Chính vì vậy từ năm 2019 sản phẩm thịt gà Trần Phú với chất lượng thơm ngon đã trở thành sản phẩm gà OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn. Qua đó đã góp phần giúp HTX chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đến nay đã có nhiều cửa hàng ở thành phố Bắc Kạn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đã bắt đầu ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gà Trần Phú. Quy trình sản xuất gà sạch khép kín từ nông trại đến bàn ăn của HTX Trần Phú đã góp phần nâng cao giá trị nông sản cho người chăn nuôi miền núi Na Rì.
Phát huy hiệu quả sản xuất, thu hút hội viên vào tổ chức Hội
Ông Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sau khi các chi, tổ hội nông dân, HTX được thành lập, Hội ND tỉnh Bắc Kạn cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi, mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật… giới thiệu, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ nông sản cho bà con. Tính đến nay Hội ND các cấp tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ thành lập được 30 HTX và 211 tổ hợp tác, ngành nghề hoạt động chủ yếu là: Trồng trọt, chăn nuôi,chế biến nông sản và dịch vụ...
Từ thực tiễn khẳng định rằng, mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp ở Bắc Kạn đang phát huy hiệu quả, là giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức Hội. Từng bước khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi hội trong nhiều năm qua đó là: Sinh hoạt thất thường, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, có nơi còn hình thức, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp.
Các buổi sinh hoạt giờ đây đã thực sự thu hút quan tâm, chú ý của hội viên, bởi các nội dung đã gắn liền với hoạt động sản xuất thường ngày, từ chỗ sinh hoạt 3 tháng 1 kỳ trước kia còn khó khăn, thì đối với tổ hội nghề nghiệp việc sinh hoạt đã trở thành thường xuyên hơn có nơi 1 tháng sinh hoạt 2-3 kỳ và nhiều hơn khi cần thiết.
Nội dung sinh hoạt cũng phong phú, thiết thực hơn như: Trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con; Phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch, bệnh, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ. Chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất kinh doanh và cuộc sống sinh hoạt của hội viên góp phần động viên nhau cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc…
Nếu như trước đây, hội viên nông dân chỉ sinh hoạt trong các chi Hội ND theo đơn vị hành chính, nay có thể tham gia vào các chi Hội ND nghề nghiệp bất kỳ, miễn là hoạt động của chi hội đó góp phần vào việc phát triển bản thân, phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Trước đây 9 thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi cá thôn Chúa Lải đều chăn nuôi cá theo kiểu tự do, phục vụ gia đình là chủ yếu, chính vì vậy chưa thành hàng hoá sản xuất tập trung, chưa có lợi nhuận. Nhưng từ khi thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi cá, mọi người được cùng nhau học tập kinh nghiệm, vay vốn từ Quỹ HTND với số vốn 550 triệu đồng… Kiến thức chăn nuôi nắm vững lại có thêm nguồn vốn vay thuận lợi, các thành viên trong tổ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, giờ đây sản phẩm cá của Tổ hội nghề nghiệp này đã trở thành sản phẩm hàng hoá”.
Bà Hà Thị Thiệm - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới