Giá xăng dầu điều chỉnh khiến CPI bình quân 7 tháng tăng 2,54%
Bình quân 7 tháng của năm, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát cơ bản tăng 1,44%.(Ảnh: Vietnam+)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,4% so với tháng Sáu đồng thời tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và so với cùng kỳ năm trước CPI đã tăng 3,14%. Như vậy, bình quân 7 tháng của năm, CPI đã tăng 2,54% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7.
10 nhóm dịch vụ tăng giá trong tháng Bảy
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy so với tháng trước.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay về khu vực, CPI tháng Bảy ở thành thị tăng 0,42% và nông thôn tăng 0,37%. Trong rổ tính CPI, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước. Riêng, nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm và làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, ảnh hưởng chủ yếu từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/7, 11/7 và 21/7 làm cho giá xăng giảm 8,68% và giá dầu diezen giảm 4,03%.
Trên thị trường, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng tăng 1,37% so với tháng trước và tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,6%, tác động tăng 0,34 điểm phần trăm và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%, tác động tăng 0,11 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm lương thực tháng Bảy cũng tăng 0,31% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,24% (trong đó gạo tẻ ngon giảm 0,14% và gạo tẻ thường tăng 0,34%).
Bà Oanh cho hay nguồn cung gạo trong nước dồi dào do các địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Song, giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.
Báo cáo cũng chỉ ra trong tháng Bảy, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, cụ thể chỉ số giá vàng tháng 2,39% so với tháng trước và tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021, bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%. Trái lại, chỉ số giá USD trong tháng đã tăng 0,62% so với tháng Sáu và tăng 1,77% so với cùng kỳ, như vậy bình quân 7 tháng đã tăng 0,08%.
Về điều này, Bà Oanh cho biết giá trị đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác (với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát). Tính đến ngày 25/7, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,9 điểm và tăng 3,04 điểm so với tháng Sáu.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Giá xăng dầu điều chỉnh 19 đợt trong 7 tháng
Bà Oanh nêu ra một số nguyên nhân tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ. Cụ thể, giá xăng dầu đã điều chỉnh 19 đợt (trong đó có 6 đợt giảm giá), làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu bình quân 7 tháng đã tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước và tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.
Ngoài ra, giá gas trong nước cũng biến động theo giá gas thế giới, báo cáo cho biết giá gas 7 tháng đã tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Mặt khác, sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng của người dân tăng cào, điều này khiến giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 7 tháng tăng 3,81% so với cùng kỳ đồng thời làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.
Trên thị trường xây dựng, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở từ đầu năm đã tăng 7,84% so với cùng kỳ, bà Oanh cho rằng chủ yếu đến từ việc giá ximăng, sắt, thép, cát… tiếp tục ‘leo thang” và tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Về ngành hàng lương thực, bà Oanh chia sẻ thêm giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu cộng thêm nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán lên cao, những điều này đã khiến cho giá gạo của 7 tháng qua tăng 1,15% so với cùng kỳ và làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh những yếu tố tác động làm tăng CPI, một số mặt hàng dịch vụ đã có sự điều tiết giảm, nhờ đó kiềm chế một phần đà tăng lạm phát.
Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm tính chung trong 7 tháng đã giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước và làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 18,9%, giá thịt chế biến giảm 3,36%.
Hơn nữa, chỉ số giá dịch vụ giáo dục đã giảm 3,42%, khi một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.
Trên cơ sở đó, lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đã tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%). Theo bà Oanh, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
“Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội,” bà Oanh chia sẻ.
Theo Vietnam+