Giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân miền núi phía Bắc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả
Bài viết đánh giá chung về tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình khu vực phía Bắc; trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, việc quản lý và sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến theo những chiều hướng khác nhau, theo từng loại đất và từng vùng miền khác nhau. Tại khu vực phía Bắc, nhiều tỉnh triển khai mạnh mẽ chính sách phát triển doanh nghiệp vì vậy nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp phát triển mạnh; kéo theo đó là sự biến động về đất sản xuất nông nghiệp (SXNN), đặc biệt là việc làm thay đổi hệ thống canh tác đối với cây trồng hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện chính sách phát triển trang trại, chuyển một phần diện tích đất trồng cây hàng năm thành đất trồng cây lâu năm, với giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn, hiện nay nhiều diện tích trồng cây lâu năm đã có thể cho thu nhập rất cao từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Biến động về diện tích đất nông nghiệp các tỉnh khu vực phía Bắc
Khu vực phía Bắc có 31 tỉnh/tổng số 63 tỉnh thành cả nước, nhưng diện tích đất cây hàng năm và cây lâu năm mỗi loại chiếm khoảng 30%/tổng diện tích đất cây hàng năm và lâu năm cả nước. Trong 5 năm qua, diện tích cây lâu năm (chủ yếu là cây ăn quả) đã tăng lên gần 60% (tức là tăng lên khoảng 1,6 lần về diện tích). Nhờ có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó nhiều diện tích đất cây hàng năm và đặc biệt là diện tích đất nông - lâm kết hợp đã được sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) đã phát triển mạnh nhiều loại trái cây, như: cam Hòa Bình, Hà Giang …, nhãn, xoài Sơn La, Lai Châu … Kết quả nghiên cứu phân tích cho thấy, trong khi diện tích cây chè cơ bản ổn định ở mức 110 nghìn hecta, thì diện tích cây ăn quả (CĂQ) đã tăng lên gần 40%. Như vậy, trong những năm qua, diện tích cây chè cơ bản không thay đổi, nhưng diện tích CĂQ và những loại cây công nghiệp khác (như cao su, cà phê …) đã tăng lên rất mạnh, nhất là ở những tỉnh khu vực Tây Bắc. Nếu năm 2015, diện tích hai loại cây chủ lực quốc gia (chè và cây ăn quả) chiếm 2/3 so với tổng diện tích cây lâu năm toàn vùng, thì đến năm 2020, diện tích hai loại cây trồng này chỉ chiếm 56% so với tổng số. Kết quả này đã cho thấy, bên cạnh việc ổn định, duy trì diện tích cây chè (một trong những loại nông sản chủ lực quốc gia), thì người dân các tỉnh phía Bắc đã phát triển mạnh CĂQ, cây công nghiệp khác, nhất là đối với khu vực miền núi Tây Bắc và phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Chuyển dịch lao động trong các hộ gia đình nông nghiệp
Kết quả phân tích cho thấy, số lượng lao động trong hộ SXNN vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) giảm đi 1/3 sau 5 năm, tiếp đến là số lao động các tỉnh vùng Trung Du & MNPB giảm đi 20% và lao động các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) giảm đi hơn 20%. Nhìn chung, số lao động nông nghiệp ở các vùng đều có xu hướng giảm, nhất là các tỉnh trong vùng trọng điểm SXNN có xu hướng giảm mạnh nhất, tạo điều kiện tốt cho việc mở rộng sản xuất quy mô hộ, trang trại, THT và HTX. Bên cạnh kết quả đạt được về số lượng lao động nông nghiệp giảm đi, cơ cấu lao động nông nghiệp khu vực phía Bắc cũng giảm mạnh. Nếu năm 2015, khu vực phía Bắc có gần 45% lao động so với cả nước, thì đến năm 2020 con số này đã giảm xuống còn xấp xỉ 40%.
Hiện nay, 11 tỉnh vùng ĐBSH có gần 1,5 triệu lao động trong hộ SXNN, chiếm khoảng 1/4 so với tổng số lao động khu vực phía Bắc. Như vậy, năm 2015 khu vực ĐBSH chiếm gần 1/3 số lao động cả vùng, đến nay chỉ còn lại hơn 1/4 số lượng.
Với 13 tỉnh vùng Trung du & MNPB hiện có trên 3,4 triệu lao động trong hộ SXNN, chiếm hơn 60% so với cả vùng. Như vậy, mặc dù số lao động nông nghiệp quy mô hộ gia đình đã giảm đi từ 4,3 triệu xuống còn 3,4 triệu sau 5 năm, nhưng đây vẫn là khu vực trọng điểm về số hộ, số lao động có nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào SXNN.
Biến động diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình
Qua nghiên cứu khảo sát thực tế tại 6 tỉnh đại diện, số liệu khảo sát là số theo hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song trên thực tế, nhiều diện tích đất cây hàng năm đã được địa phương cho chuyển đổi thành đất trang trại, được sử dụng vào mục đích chăn nuôi, thủy sản và trồng cây lâu năm. Đối với khu vực các tỉnh có diện tích đất đồi, núi thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, nhưng trên thực tế nhiều hộ gia đình đã và đang sử dụng vào mục đích nông lâm kết hợp - phát triển cây ăn quả và nhiều loại cây công nghiệp khác. Vì vậy, những diện tích đất này về mặt hồ sơ không thuộc loại đất trồng cây lâu năm. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ những diện tích đất cây lâu năm đã được chuyển đổi; nhưng chúng tôi cho rằng, trong những năm qua diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp đã tăng lên đáng kể trong quy mô hộ gia đình.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã và đang thực hiện việc tích tụ đất SXNN (mua - bán) nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được việc chuyển đổi tên chủ sở hữu đất theo đúng quy định của Nhà nước. Vì vậy, mặc dù bình quân mỗi hộ hiện có 0,58ha đất, nhưng trên thực tế nhiều hộ đang quản lý và sử dụng từ 5 - 10ha, bằng nhiều hình thức tích tụ và tập trung khác nhau.
Về quy mô diện tích đất bình quân hộ theo hồ sơ giấy tờ; bình quân mỗi hộ khu vực phía Bắc có 0,58ha đất SXNN, song nghiên cứu thấy hộ nhiều nhất đang quản lý 3ha và hộ ít nhất chỉ quản lý 100m2. Nhân khẩu được sinh ra sau năm 2003 tại khu vực phía Bắc sẽ không được phân chia đất SXNN. Vì vậy, những hộ có ít diện tích đất SXNN, chủ yếu là những hộ đã dồn điền, đổi thửa và thực hiện việc chuyển đổi đất trồng cây hàng năm thành đất phát triển kinh tế trang trại, và sau đó đã thực hiện việc chuyển nhượng đất từ hộ này sang hộ khác. Bên cạnh đó, ở hầu hết các vùng (trừ vùng Tây bắc), sản xuất công nghiệp, dịch vụ phát triển đã thu hồi đất SXNN, làm cho nhiều hộ không còn đất SXNN.
Đặc biệt, có nhiều chỗ đã và đang tập trung đất sản xuất cây hàng năm (bằng nhiều hình thức) với quy mô lên tới 21ha sản xuất tương đối tập trung vào một số loại sản phẩm nhất định. Đại diện cho những mô hình này là vùng sản xuất lúa, vùng trồng rau màu, đa phần là diện tích cho mượn. Thực tế khảo sát cho thấy, tại những vùng sản xuất tập trung này, hiệu quả kinh tế ở mức khá cao, tỷ lệ lợi nhuận đạt được ở mức khoảng 30% so với doanh thu. Xét về hiệu quả kinh tế, con số này là rất cao so với sản xuất công nghiệp lãi suất bình quân từ 12 - 15% và so với hoạt động dịch vụ, lãi suất bình quân ở mức từ 3 - 5%.
Đối với đất sản xuất cây lâu năm, trên thực tế nhiều hộ gia đình đã tích tụ (mua - bán) với diện tích lên tới 5 - 10ha, nhưng không có hồ sơ pháp lý. Vì vậy, kết quả khảo sát chỉ thể hiện những hộ có diện tích đất cây lâu năm nhiều nhất là 3ha. Kết quả khảo sát này chưa phản ánh đầy đủ thực tế quản lý sản xuất cây lâu năm quy mô hộ gia đình. Song vì nhiều lý do liên quan đến việc quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, hộ sản xuất trực tiếp không thừa nhận đúng thực chất những diện tích đất đang quản lý và sử dụng.
Biến động về lao động nông nghiệp trong các hộ gia đình
Các vùng nông thôn khu vực phía Bắc đã và đang phân thành hai nhóm hộ có đất SXNN: (i) nhóm hộ có thu nhập chủ yếu từ hoạt động SXNN, nhóm hộ này thường có mức đầu tư cao hơn vào SXNN, trong đó có nhiều hộ tập trung sản xuất một số sản phẩm chủ lực, như chè, cây ăn quả, lúa và rau màu các loại; (ii) nhóm hộ có thu nhập chủ yếu từ phi nông nghiệp, nhưng vẫn là những nông hộ có đất sản xuất. Nhóm hộ này một phần là những nông hộ có hoạt động thương mại nhỏ và một phần lớn là nhóm hộ tham gia vào các hoạt động công nghiệp, nhưng vẫn duy trì SXNN ở mức độ thấp, ít có đầu tư. Kết quả phân tích cũng đã cho thấy, tất cả lao động trong gia đình đều có sự tham gia trực tiếp vào SXNN, nhưng ở các mức độ khác nhau. Trong khi hộ có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp có bình quân 2,5 lao động thì hộ có thu nhập chủ yếu từ phi nông nghiệp chỉ có bình quân 2 lao động/ hộ. Sự khác nhau giữa hai nhóm hộ này là số lao động và mức đầu tư tập trung nhiều hay ít hơn vào hoạt động SXNN.
Bình quân chung lao động trong SXNN ở độ tuổi 50, trong đó có lao động trên 80 tuổi vẫn tham gia trực tiếp vào SXNN, đây cũng là một trong những đặc thù của hoạt động SXNN nói chung - có khả năng tận dụng lao động dôi dư trong mỗi hộ gia đình.
Nhìn chung, hộ có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp có mức thu nhập bình quân thấp hơn so với hộ có thu nhập chủ yếu từ phi nông nghiệp, khoảng 60 triệu đồng mỗi năm. Trong khi tỷ lệ hộ có thu nhập cao từ SXNN trong nhóm hộ chủ yếu sản xuất nông nghiệp chiếm gần 54%, thì tỷ lệ này trong nhóm hộ phi nông nghiệp là khoảng 13%. Như vậy đã có nhiều hộ gia đình nông nghiệp có mức thu nhập cao, nghiên cứu cho thấy mức thu nhập đạt 300 - 500 triệu đồng mỗi năm, cá biệt có hộ đạt mức thu nhập lên tới 800 triệu đồng mỗi năm. Điều này đã cho thấy, một số mô hình SXNN quy mô hộ/ trang trại đã đạt được mức hiệu quả rất cao.
Quản lý và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trong các hộ gia đình
Để làm rõ việc quản lý và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc, chúng tôi đã khảo sát đại diện gần 300 hộ gia đình (có đất sản xuất nông nghiệp), kết quả cho thấy:
Chỉ có trên 10% diện tích đất cây lâu năm sử dụng kém hiệu quả, đây chủ yếu là những diện tích đất nhỏ lẻ (vườn hộ), không đầu tư sản xuất. Có gần 50% diện tích đất cây lâu năm đang được khai thác với hiệu quả ở mức cao, nhất là đối với những vùng sản phẩm đặc sản (như chè Thái Nguyên, cam Vinh ….). Nhiều sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đã được hình thành từ những vùng chuyên canh cây lâu năm, đã làm cho giá đất SX cây lâu năm tại nhiều vùng có thể lên tới 500 - 600 triệu đồng/ha (theo thời giá thị trường). Cũng giống như diện tích đất cây lâu năm, những vùng chuyên canh diện tích đất cây hàng năm (đặc biệt là diện tích đất sản xuất rau màu) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả khảo sát cho thấy, có trên 50% diện tích cho hiệu quả ở mức cao và gần 40% diện tích đạt hiệu quả trung bình. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 10% diện tích đang được sử dụng ở mức hiệu quả thấp, rất thấp và thậm chí là bỏ hóa. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, một số ít diện tích bỏ hóa chủ yếu tập trung tại các tỉnh vùng ĐBSH và Bắc Trung bộ. Đây là những địa phương mà lao động nông thôn được thu hút nhiều vào sản xuất phi nông nghiệp. Song trên thực tế, nhiều hộ có đất cây hàng năm không sử dụng đã cho hộ dân khác trong vùng mượn để mở rộng quy mô sản xuất. Một số tỉnh vùng ĐBSH có quy mô sản xuất hộ ở mức trên 5ha, nhiều nhóm hộ sản xuất lúa với diện tích trên 15ha (chủ yếu là diện tích mượn, hoặc thuê với giá rẻ). Những hộ sản xuất tập trung đã đầu tư máy móc, công nghệ và đặc biệt là sử dụng nhiều loại phân, thuốc … can thiệp vào quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Kết quả đánh giá việc sử dụng đất quy mô hộ gia đình các tỉnh phía Bắc cho thấy, việc sử dụng quá mức cần thiết các loại phân bón, hóa chất đối với cây lâu năm ở tình trạng thấp hơn so với các loại cây hàng năm. Hiện nay, có gần 30% diện tích đất cây hàng năm sử dụng các loại phân bón vượt mức cần thiết và gần 20% diện tích đất cây lâu năm sử dụng phân bón vượt mức cần thiết. Có đến 1/4 diện tích cây hàng năm quy mô hộ gia đình sử dụng các loại thuốc hóa học vượt mức cần thiết và 1/8 diện tích cây lâu năm sử dụng các loại thuốc hóa học vượt mức cần thiết. Như vậy, do yêu cầu về sản lượng, thời vụ của sản phẩm và nhiều lý do khác, đã làm cho khoảng 30% diện tích cây hàng năm và 20% diện tích cây lâu năm (quy mô hộ gia đình) còn tồn dư các loại phân bón và hóa chất, do cây trồng không sử dụng hết và môi trường đất không đồng hóa triệt để các loại hóa chất.
Khó khăn, hạn chế đối với sử dụng đất sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình khu vực phía Bắc
Như đã phân tích ở trên, quy mô diện tích đất SXNN bình quân hộ gia đình khu vực phía Bắc ở mức 0,58ha nhỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực (bình quân trên 1,2ha) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung thế giới là trên 2ha/hộ. Mặc dù đã thực hiện hai giai đoạn chính sách dồn điền, đổi thửa song quy mô diện tích vẫn rất nhỏ. Nhưng chương trình tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh động lớn, phát triển liên kết mới chỉ giải quyết được dưới 20% diện tích, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện nay. Vì vậy, đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Gần 1/4 số lao động khu vực phía Bắc giảm đi năm 2020 so với năm 2015 đã cho thấy; ngay trong nông thôn, vẫn thiếu lao động làm nông nghiệp, đặc biệt là các tỉnh vùng ĐBSH và BTB. Kết quả khảo sát thực tế đã cho thấy, lương bình quân của lao động làm phi nông nghiệp (ngày tại quê hương) là 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, tương đương với 150 - 200 nghìn đồng/công lao động. Trong khi đó, đơn giá ngày công lao động thời vụ SXNN là 250 - 300 nghìn đồng/công. Lao động nông nghiệp thiếu, ngày công lao động trong thời vụ SXNN cao là một trong những khó khăn cho phát triển SXNN nói chung và đối với sử dụng đất sản xuất nông nghiệp nói riêng;
Sau hơn 10 năm thực hiện quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, đã có trên 67,8% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả vùng thực hiện ít nhất một trong các giải pháp tích tụ hoặc tập trung, ở những mức độ khác nhau. Song trên thực tế, kết quả tích tụ, tập trung đất đai chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sản xuất. Như chúng tôi đã phân tích trong phần thực trạng, tâm lý của hộ gia đình vùng đồng bằng (nhất là đối với đất cây hàng năm), mặc dù có thu nhập chủ yếu từ phi nông nghiệp, nhưng vẫn duy trì sản xuất lúa hoặc không sử dụng đất sản xuất nông nghiệp nhưng không muốn chuyển đổi, chuyển nhượng. Tâm lý này là một cản trở lớn đối với quá trình tích tụ, tập trung đất đai, phát triển SXNN quy mô lớn;
Biến động của hiện tượng thời tiết trong những năm gần đây, đặc biệt là hiện tượng thời tiết bất thường đã và đang tác động trực tiếp đến quy trình trồng trọt, nhất là đối với sản xuất cây lâu năm (CĂQ, chè). Những năm gần đây, mùa nắng kéo dài, mùa mưa rút ngắn nhưng lại kéo dài sang sau Tết âm lịch, thêm vào đó là tình hình mưa, lũ kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất cây lâu năm;
Trong điều kiện sản xuất hiện nay, đòi hỏi trong nông nghiệp không chỉ mở rộng quy mô mà cần đến suất đầu tư lớn, nhất là đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất. Với điều kiện hạn chế nguồn vốn gia đình, việc tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, vay qua các chương trình chính sách còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khả năng hạn chế đầu tư sản xuất cũng là một trong những khó khăn lớn đối với việc khai thác sử dụng đất SXNN của hộ gia đình;
Không chỉ vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, mà ngay cả trên thị trường nội địa vẫn đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt các mặt hàng nông sản giữa các hộ - trang trại - THT - HTX và một số doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là một sức ép lớn, nếu hộ có quy mô đất đai, nguồn vốn hạn chế sẽ khó có thể phát triển sản phẩm có sức cạnh tranh, phát huy lợi thế của mỗi vùng sản xuất;
Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, trong đó ngành Nông nghiệp được đánh giá có sự đổi mới mạnh mẽ, tập trung nhất là ở giống, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng, thậm chí là những loại thuốc cấp. Từ đó đã và đang tập thói quen sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thuốc kích thích có tính chất vô cơ thay vì những loại hữu cơ trên một số vùng SXNN nhất định. Thực tế này không chỉ làm giảm tính an toàn của sản phẩm trồng trọt, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng mà còn làm suy thoái chất lượng đất. Nếu tình trạng này không sớm có giải pháp ổn định sẽ làm cho ngành Trồng trọt ở Việt Nam nói chung và vùng phía Bắc nói riêng phát triển không bền vững, khó khăn cho việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn;
Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển SXNN nói chung, trong đó chủ yếu là thông qua hai Chương trình MTQG NTM và giảm nghèo bền vững. Giai đoạn đến năm 2030, cả nước đã có 3 Chương trình MTQG và nhiều chính sách hỗ trợ khác cho phát triển trồng trọt. Song những chính sách này dần chuyển hướng, tập trung hỗ trợ cho các tổ chức của người nông dân (HTX, THT, LH HTX, nhóm sở thích, chi hội nghề nghiệp …) thay vì hỗ trợ trực tiếp cho kinh tế trang trại, gia trại và hộ gia đình. Trong khi đó, hiện nay khu vực phía Bắc có gần 3 triệu thành viên trên tổng số hơn 4 triệu hộ nông nghiệp. Như vậy, vẫn còn trên 1 triệu nông hộ khó có thể tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là vấn đề vay vốn đầu tư SXNN.
Giải pháp khuyến khích nông dân khu vực phía Bắc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả
Để làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp phù hợp đối với vấn đề sử dụng đất sản xuất nông nghiệp (không bao gồm đất lâm nghiệp, thủy sản) quy mô hộ gia đình các tỉnh khu vực phía Bắc, nhóm nghiên cứu đã tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ địa phương để xây dựng khung giải pháp chung để lấy ý kiến của hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Kết quả bước đầu cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về những quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Trong đó có quy định về quyền sử dụng và trách nhiệm của người dân trong việc quản lý và sử dụng đất.
Thứ hai, phát triển sản xuất theo mô hình HTX nông nghiệp, nhằm huy động sức mạnh cộng đồng, mở rộng quy mô sản xuất để dễ triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với các hoạt động trồng trọt nói riêng. Thực tế tốc độ tăng trưởng số lượng HTX nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đã chứng minh rằng, bản thân các HTX hoạt động chưa có hiệu quả chung, nhưng đã đạt được hiệu quả riêng cho các thành viên HTX - chủ yếu là các hộ gia đình nông dân. Ý kiến đánh giá của người dân khu vực phía Bắc đã cho thấy, mô hình HTX nông nghiệp trong những năm qua đã và đang hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định và có khả năng đàm phán về giá sản phẩm, mang lại lợi ích cho thành viên trong HTX;
Thứ ba, phát triển các liên kết tiêu thụ nông sản. Kết quả phân tích số liệu cho thấy, những năm qua mặc dù chỉ có dưới 18% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có liên kết tiêu thụ nông sản nhưng đã góp phần làm cho giá sản phẩm tăng lên từ 15 - 17% so với giá cả thị trường, đồng thời tạo tâm lý ổn định cho người sản xuất;
Thứ tư, phát triển mô hình tổ hợp tác. Mô hình này phát triển chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, như THT đầu tư máy làm đất, máy phun thuốc … làm dịch vụ chung cho cả vùng sản xuất nông nghiệp. Kết quả khảo sát tại Nam Định, Hưng Yên và 1 số tỉnh đã cho thấy, nhiều THT đã mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy cấy (gieo mạ bằng khay), máy Dron (máy bay) phun thuốc, bón phân … đem lại chi phí dịch vụ thấp hơn so với thuê lao động trực tiếp, mà vẫn đem lại hiệu quả cho các THT. Mô hình THT cũng là tiền đề cho việc hình thành các HTX nông nghiệp sau này. Khi THT phát triển đến một quy mô nhất định, có thể thành lập HTX với mô hình tổ chức chặt chẽ hơn. Kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy, những HTX nông nghiệp hình thành trên cơ sở các THT thường tổ chức sản xuất tốt hơn, có hiệu quả cao, nhất là đối với thành viên;
Thứ năm, tiếp tục thực hiện các hình thức tích tụ, tập trung đất đai; Trong đó, ưu tiên mô hình thuê đất sản xuất nông nghiệp ổn định, dài hạn. Đây là giải pháp quan trọng giúp mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới hóa, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng đất SXNN tiết kiệm, hiệu quả.
(1) Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
(2) Trưởng Ban Tuyên giáo - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
(3) Trưởng phòng Kinh tế hợp tác - Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT
(4) Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và HTX - Viện Phát triển Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam
(5) Ban Tuyên giáo - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
(6) Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học Viện nông nghiệp Việt Nam.