Công tác Hội

Giải pháp thúc đẩy phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bùi Ánh - 16:14 07/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 7/12, tại Nghệ An, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc. Tham gia hội thảo có các sở, ngành liên quan và các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 7,65% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện một số hoạt động thiết thực, có hiệu quả nhằm  thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của nhà nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để mỗi người dân hiểu, nắm rõ, đồng thuận và tích cực tham gia. Vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; thay đổi ý thức từ sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình sang liên doanh, liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch bảo quản và chế biến, kinh doanh; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ: Sinh học, nhà màng, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa,…

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Nghệ An, năm 2020 toàn tỉnh có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC trên 23.186 ha, chiếm 7,65% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn bò được nuôi ứng dụng công nghệ cao trên 69.640 con, trong đó 63.600ha bò sữa được nuôi theo công nghệ Ixren; Tổng đàn lợn được nuôi ứng dụng công nghệ cao là 158.405; Chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao có 70 trang trại.

Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp” tại Nghệ An

Thời gian qua, Nghệ An đã triển khai thực hiện việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp được 134 mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 116 mô hình về trồng trọt, 12 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình về nuôi trồng thủy sản. Tổng nguồn kinh phí đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tính đến năm 2020 trên 41.512 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Có 29 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chính sự tham gia của các doanh nghiệp vào trong sản xuất nông nghiệp có ứng dụng CNC đã tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp”. Đồng thời tạo ra được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: Vùng trồng cỏ, cây nguyên liệu cho thức ăn gia súc của; Vùng nguyên liệu mía; Vùng sản xuất rau, củ quả;…

Mô hình nuôi vịt ứng dụng CNC tại Thanh Chương - Nghệ An.

Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chính là nền tảng để phát triển trong thời đại mới nó vừa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường vừa đảm bảo tiêu chuẩn và tính hiệu quả. Đó là cả một quá trình từ lúc bắt đầu cho đến lúc gặt hái thành phẩm. Chính vì thế, việc sản xuất ở phương diện này có thể thích ứng tốt với mọi biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Úng dụng CNC vào sản xuất phải phù hợp, hài hòa

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao về nông nghiệp Nghệ An có sức tăng trưởng cao so với mặt chung của cả nước.

“Nông dân ứng dụng CNC trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp cần phải có sự phù hợp, hài hòa trong tính tổng quan khi triển khai dự án. CNC nó phải phù hợp tư duy kinh doanh, phù hợp với quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ. Đồng thời cần phải có hướng quy hoạch như thế nào để phát huy được thế mạnh của địa phương khi đầu tư dự án. Ứng dụng công nghệ phải phù hợp với môi trường đầu tư, với biến đổi khí hậu. Mối quan hệ giữa công nghệ với thị trường, công nghệ với trình độ của người nông dân. Hơn nữa, nguồn vốn với công nghệ cũng cần phải lựa chọn sao cho phù hợp với khả năng có thể của người nông dân. Sau cùng và quan trọng nhất vẫn là tạo ra tính liên kết giữa các nhà trong quá trình sản xuất và kết nối tiêu thụ, có như thế sản phẩm của người nông dân mới thực sự phát huy được hết giá trị mang lại”, ông Định nhấn mạnh.

Nhiều mô hình trồng rau, củ quả ứng dụng CNC được áp dụng trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét

Hội thảo cũng tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.

Để tăng cường liên kết cung – cầu sản phẩm hàng hóa, thời gian qua Nghệ An cũng đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, hội thảo quốc tế, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử… Đồng thời xác nhận kế hoạch, quản lý, tổ chức có hiệu quả các hội chợ triển lãm trên địa bàn.

Nuôi tôm trên cát đang phát huy giá trị kinh tế cũng như giá trị đất vùng ven biển.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Nghệ An như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị sản phẩm; Các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm năng suất còn thấp, chất lượng không ổn định, dẫn tới khả năng cạnh tranh kém. Hơn nữa, tư duy sản xuất của phần lớn nông dân còn chưa kịp thích ứng với công nghệ mới nên việc vận hành khi đầu tư còn gặp nhiều khó khăn trong bước đầu…

Ông Lê Ngọc Thắng - Giám đốc Kinh doanh Công ty Greenfeed Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang cùng tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo các mục tiêu đề ra, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, thực hành tốt xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, lấy doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất làm trung tâm và tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác