Thảo luận

Báo chí với vai trò giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực tam nông

TS. Nhà báo Trần Bá Dung - 07:05 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp của Đảng, của đất nước và của nhân dân, với vai trò xung kích trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là diễn đàn và là tiếng nói của quần chúng nhân dân, trong đó có các tầng lớp nông dân và gắn liền với họ là nông nghiệp, nông thôn (tam nông).
Nhà báo của Đài phát thanh và truyền hình Quảng Trị tác nghiệp. Ảnh tư liệu

Đặt vấn đề
Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”(1).

Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xác định “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân”, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Là phương tiện, là diễn đàn để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, báo chí cách mạng là lực lượng tiên phong phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội (PBXH).

99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp của Đảng, của đất nước và của nhân dân, với vai trò xung kích trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là diễn đàn và là tiếng nói của quần chúng nhân dân, trong đó có các tầng lớp nông dân và gắn liền với họ là nông nghiệp, nông thôn (tam nông).
Với tư cách là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả và cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, báo chí đã và đang ngày càng khẳng định và thực thi chức năng giám sát, PBXH trên lĩnh vực tam nông. 

Cơ sở chính trị, pháp lý của vấn đề 

Về cơ sở chính trị:

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”, “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và PBXH”, “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và PBXH”, “Xây dựng quy chế giám sát và PBXH của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”.  

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (1/2011) đã khẳng định chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện xã hội của báo chí, trên cơ sở nhấn mạnh “vì lợi ích nhân dân và đất nước”.

Về cơ sở pháp lý:

Theo Điều 4, Luật Báo chí (2016), “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”(2).

Điều 3 giải thích rõ “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Như vậy, giám sát và phản biện xã hội của báo chí không còn là vấn đề lý luận, mà thực sự đã có cơ sở chính trị và pháp lý, cơ sở thực tiễn để đi vào cuộc sống.

Ảnh minh họa

Giám sát và phản biện xã hội là chức năng mới của báo chí

“Phản biện xã hội” được sử dụng chính thức trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng, là “phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội, của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan”(3)

Một thời gian dài, báo chí được biết đến với các chức năng cơ bản, như: Tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể (V.I Lênin). Đảng ta, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, đã mở rộng chức năng của báo chí. Không chỉ có các chức năng cơ bản vừa nêu, Đảng nhấn mạnh chức năng thông tin của báo chí, và báo chí còn là diễn đàn của nhân dân để nhân dân bày tỏ nguyện vọng, tâm tư tình cảm và quan điểm của mình về các vấn đề của đất nước. Đó là một sự phát triển nhận thức về báo chí cách mạng.

Theo thời gian và theo sự phát triển của đời sống xã hội, cũng như bởi chính sự đóng góp về mặt xã hội của báo chí trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, Đảng ta đã phát triển một bước quan điểm về báo chí cách mạng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 Khóa VIII (2/1999), đã trực tiếp nêu chức năng giám sát của công luận, báo chí đối với cán bộ, đảng viên, khi nói về việc thực hiện đồng bộ 4 hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên: các cơ quan Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân dân góp ý kiến giám sát ở khu dân cư và các cơ quan thông tin đại chúng - “giám sát bằng công luận”.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XI, nội dung về phát triển hệ thống thông tin đại chúng có nêu: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”(4).    
Giám sát của báo chí là giám sát xã hội, bằng dư luận xã hội, là cung cấp thông tin hai chiều: Thông tin từ phía đối tượng chịu giám sát (cán bộ, đảng viên…) và thông tin từ phía đối tượng giám sát (dư luận xã hội, nhân dân…) là nguồn thông tin có tính chất đánh giá, phê bình, xây dựng, cơ sở cho việc kiểm tra, điều chỉnh, xử lý có hệ thống.

Phản biện trước hết không có nghĩa là phản đối hay chỉ là phản đối. Mặt khác phản biện của báo chí là phản biện xã hội, trên cơ sở phản biện bằng dư luận xã hội. Cố nhiên, trong phản biện bằng dư luận xã hội, báo chí không loại trừ những cơ sở khoa học của vấn đề.

Phản biện xã hội là cách để báo chí giúp công chúng nhìn nhận một sự kiện, một vấn đề ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau (về lợi ích xã hội, về cơ sở khoa học) và đặc biệt đây là kênh thông tin chuyển tải được tiếng nói của cộng đồng dư luận xã hội.
Để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội như đã đề cập, báo chí cần phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động báo chí, đồng thời là chuẩn mực nghề nghiệp và cũng là nền tảng cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, trong đó nổi bật nhất là tính chân thật, khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu.

Phát huy vai trò, chức năng giám sát và PBXH của báo chí trong lĩnh vực tam nông 

Cơ sở chính trị

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn”.   

Trong vai trò “các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn”, có vai trò xung kích của báo chí với tư cách là một lực lượng tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng và là diễn đàn của nhân dân.   

Ảnh minh họa.

Báo chí giám sát và PBXH trong lĩnh vực tam nông 

Giám sát và PBXH của báo chí trong lĩnh vực tam nông cần được tiếp cận từ vai trò báo chí trong truyền thông chính sách công. Vai trò này được thể hiện ở các góc độ:

Thứ nhất, giám sát và PBXH trong xây dựng, hoạch định chính sách tam nông

Bên cạnh chức năng thông tin, giáo dục, báo chí còn có chức năng tổ chức và quản lí xã hội. Thông qua việc thực hiện các chức năng này  được thể hiện ở chính tôn chỉ, mục đich của mỗi cơ quan báo chí - báo chí tham gia tuyên truyền, giám sát và phản biện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, cũng như trong từng lĩnh vực đời sống xã hội, lĩnh vực tam nông,…

Trong xây dựng, hoạch định chính sách, báo chí thể hiện vai trò bằng việc tham gia lấy ý kiến của người dân, của chính các cơ quan báo chí, đóng góp vào những dự thảo hoạch định chính sách, dự thảo chính sách cụ thể, cho đến khi chính sách được các cơ quan công quyền ban hành. 

Báo chí có vai trò quan trọng tác động tới việc hoạch định chính sách. Những vấn đề dư luận quan tâm được thể hiện trên báo chí, đã tạo ra áp lực đến quá trình xây dựng chính sách của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Báo chí có ảnh hưởng gián tiếp xây dựng chính sách, chí có tác động lớn đến ý kiến công chúng và những ý kiến của công chúng lại là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách. 

Đối chiếu với Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo chí cần giám sát, PBXH trên 9 nội dung:

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa

Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai 

Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ

 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.

Thứ hai, giám sát và PBXH trong thực thi và đánh giá chính sách tam nông

Trong thực thi chính sách và đánh giá chính sách chuyển đổi số trong tam nông, báo chí có vai trò tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, giám sát và phản biện chính sách của Chính phủ ban hành tới người dân, giám sát việc thực hiện chính sách, phát hiện những vấn đề bất cập của chính sách, phát hiện việc lợi dụng chính sách, đánh giá hiệu quả chính sách thông qua dư luận công chúng xã hội và thông qua chính sự thăm dò, khảo sát, đánh giá của cơ quan báo chí. 

Thứ ba, giám sát và PBXH trong dẫn dắt, định hướng dư luận trong tam nông

Chẳng hạn, hiện nay công cuộc chuyển đổi số trong tam nông đang được triển khai. Báo chí giám sát và PBXH bằng cách dẫn dắt dư luận, định hướng dư luận ở các nội dung cụ thể sau:

Giám sát và PBXH trong tuyên truyền nhanh, chính xác chương trình chuyển đổi số trong tam nông;

Giám sát và PBXH trong tuyên truyền xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Giám sát và PBXH trong tuyên truyền việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Giám sát và PBXH trong tuyên truyền việc triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Trong đó, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn…

Giám sát và PBXH trong tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong quá trình chuyển đổi số với vai trò trọng tâm là người nông dân thời nay.

Một số yêu cầu đặt ra đối với báo chí

Hiệu quả của báo chí giám sát và phản biện xã hội trong tam nông phụ thuộc vào các yếu tố sau:

Thứ nhất, báo chí phải có hàm lượng thông tin đủ sức luận giải vấn đề, thuyết phục và định hướng nhận thức khi tham gia phản biện xã hội.

Nhà báo cần có những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn đủ sức thuyết phục trong phản biện. Muốn thuyết phục lòng người, định hướng được dư luận xã hội, còn phải có động cơ trong sáng, không vụ lợi. Đây chính là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. 

Thứ hai, quan điểm mục đích, thái độ phản biện là sự phản biện tích cực, đứng về phía lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia..

Thứ ba, nhà báo phải có tri thức đầy đủ về vấn đề phản biện. 

 Kết luận

Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 nêu rõ quan điểm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các chính sách triển khai Nghị quyết “tam nông” sẽ lấy nông dân làm gốc, làm chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển. 

Đó là những cơ sở chinh trị quan trọng để báo chí tiếp tục thực hiện chức năng và phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong lĩnh vực tam nông. 

Chú giải:
(1) Luật Báo chí (2016)
(2)  Luật Báo chí (2016), Điều 4
(3) Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 182
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 225


 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác