Diễn đàn

Báo chí và giám sát, phản biện xã hội

Hoàng Sơn - 07:12 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong dòng chảy 99 năm của nền báo chí cách mạng, hai cơ quan báo chí của Hội Nông dân Việt Nam là Báo Nông thôn ngày nay (xuất bản từ năm 1984) và tạp chí Nông thôn mới (xuất bản từ năm 1996) đã có đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, trong đó có những kết quả ấn tượng trong giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Sau bài viết phản ánh của Tạp chí Nông thôn mới, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Bến Thủy. số tiền phạt là 350 triệu đồng.  Ảnh tư liệu.

Tháng 6/2024 đánh dấu một mốc son đặc biệt đối với đời sống báo chí nước ta: 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Báo chí nước ta có vinh dự đặc biệt mà không một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nào trong nước có được. Thứ nhất, đó là được Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc đó là nhà hoạt động cách mạng, cũng là nhà báo Nguyễn Ái Quốc - xác lập với sự ra đời của báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, do chính Người thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nhân dân nước ta, góp phần tích cực chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một dòng báo chí mới, được duy trì cho đến ngày nay: “Báo chí cách mạng Việt Nam”. Thứ hai, ngày thành lập và đã trở thành ngày truyền thống của những người làm báo cách mạng Việt Nam, có “tuổi đời” lớn hơn 5 năm so với ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội khác, trong có có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.

Báo và Tạp chí của Hội để lại nhiều dấu ấn đậm nét

Trải qua gần 1 thế kỷ, với sự đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước, đến nay cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, với hơn 41.000 nhân sự trong ngành, trong đó có hơn 20.000 người được cấp Thẻ Nhà báo. Trong tiến trình lịch sử đó, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam có hai cơ quan báo chí trực thuộc là Báo Nông thôn ngày nay (đã có 40 năm tuổi) và Tạp chí Nông thôn mới (28 năm tuổi), với nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình, bắt kịp sự phát triển của báo chí hiện đại, truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng. Không chỉ là những cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội, diễn đàn của giai cấp Nông dân Việt Nam, trên cơ sở tôn chỉ - mục đích được quy định, báo và tạp chí của Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 40 năm qua.

Báo chí nói chung là phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí là phản ánh đời sống xã hội, định hướng thông tin và dư luận xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, báo chí còn có vai trò rất quan trọng trong giám sát và phản biện xã hội. Trong đời sống chính trị xã hội hiện nay với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, sự vận động phát triển ngày càng nhanh và mạnh, khoa học công nghệ truyền thông phát triển vô cùng mạnh mẽ…, vai trò này ngày càng trở nên quan trọng.

Trong hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cơ quan báo chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nói chung, báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới nói riêng có thêm cơ sở để thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền. Chỉ cần điểm qua một số sự kiện nổi bật có quy mô toàn quốc và thường niên do báo và tạp chí tham mưu cho Hội NDVN và đồng thời là đơn vị thực hiện trong những năm gần đây cũng thấy rõ điều đó (Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Diễn đàn nông dân Quốc gia Chương trình tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông…). Hàng trăm tác phẩm đã đạt giải báo chí Quốc gia, giải báo chí Búa Liềm Vàng và các giải báo chí khác, trong đó, tiêu biểu ở lĩnh vực giám sát, phản biện chính sách có loạt bài “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” đạt giải A - Giải báo chí Quốc gia năm 2007 - loạt bài dẫn tới sự thay đổi chính sách của Nhà nước, giảm hơn 1.000 tỷ đồng đóng góp thuỷ lợi phí và các loại phí khác trong lĩnh vực nông nghiệp cho nông dân cả nước mỗi năm, được duy trì cho đến hiện nay. 

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ  cho phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Nông thôn mới về kỹ năng làm báo điện tử. Ảnh: Ngô Chức

Giám sát, phản biện cần cái tài đi liền cái tâm của người làm báo

Việt Nam đang hội nhập vào đời sống quốc tế ngày càng sâu rộng. Chưa bao giờ trong lịch sử, người dân nói chung, nông dân và cư dân nông thôn nói riêng có thể tìm kiếm, truyền tải thông tin lên mạng internet một cách dễ dàng như ngày nay. Ở chiều ngược lại, chưa bao giờ bạn đọc lại đứng trước những “rừng” thông tin ngồn ngộn, phức tạp như ngày nay. Việc nắm bắt kịp thời bản chất của thông tin cũng là thử thách với cả những nhà báo giỏi nhất. Ngay cả những nhà báo có kinh nghiệm vẫn có thể mắc sai sót. Có không ít nhà báo thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự khi lợi dụng “mạng xã hội” xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hoặc nhân danh thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí để trục lợi cá nhân, vi phạm pháp luật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí nói chung, đồng thời thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi đơn vị thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cơ quan báo chí và người làm báo của Hội cần tiếp tục lưu tâm đến một số nội dung.

Trước hết, mỗi người làm báo cần tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức để hiểu rõ thực chất của vấn đề báo chí giám sát và phản biện xã hội lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là quá trình thực thi dân chủ, phát huy sức mạnh của nông dân, bạn đọc nói chung vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng là quá trình thực hiện quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân do pháp luật quy định.

Mỗi người làm báo cần liên tục học hỏi để nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng làm báo chí hiện đại, mở rộng phông kiến thức, hiểu biết sâu, giữ cái tâm trong sáng của “người chiến sỹ cầm bút”, tuân thủ pháp luật và quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo để phản ánh, phản biện đúng, trúng và kịp thời. Việc phản biện xã hội của báo chí không chỉ chỉ ra cái sai, cái lạc hậu, cái thiếu hợp lý, cái cần sửa đổi, bổ sung hay gợi ý đề xuất giải pháp mới đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các kênh báo chí chính thống, mà ngay cả đối với thông tin lệch lạc của một bộ phận người dân trên các hệ thống truyền thông xã hội, nhà báo cũng cần có ứng xử thống nhất, kịp thời, phù hợp với vai trò, chức năng nghề nghiệp của nhà báo.

Để giám sát, phản biện xã hội lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hiệu quả, người làm báo cần biết vận dụng hiệu quả máy móc, phương tiện, hạ tầng công nghệ, song không thể thay thế cho việc tiếp tục gần gũi và có mối liên hệ gắn bó thường xuyên với đời sống nông dân và cư dân nông thôn, lắng nghe ý kiến nông dân để thấu hiểu và chắt lọc những bài học kinh nghiệm, ý kiến đề xuất, kiến nghị, góp ý của người nông dân đối với tổ chức, cá nhân cũng như đối với các chính sách hiện hành của nhà nước.

Trong bối cảnh nhà nước nói chung, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam nói riêng đang từng bước áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hoạt động Hội, người làm báo trong các cơ quan báo chí của Hội cần nâng cao nhận thức, ý thức rõ về vai trò của mình trong việc thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, bảo mật thông tin của tổ chức Hội và thông tin cá nhân của hội viên nông dân nói riêng, thông tin của nhà nước, tổ chức, cá nhân khác nói chung theo quy định pháp luật. 

Trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, người làm báo tại các cơ quan báo chí của Hội cần thiết cân nhắc kỹ, thông tin đúng thời lượng và cách thức tổ chức thông tin phải phù hợp với thời điểm, phù hợp với mục đích, đối tượng hướng đến, trước hết là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc bảo vệ lợi ích của người nông dân phải đảm bảo tính hợp pháp, chính đáng và đạt trong quan hệ hài hoà lợi ích với các thành phần khác. 

Người làm báo cũng cần cân nhắc tránh việc cung cấp thông tin có thể gây bất lợi cho nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong các hoạt động báo chí nói chung, trong giám sát, phản biện xã hội nói riêng, người làm báo cần gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền. Xây dựng và bảo vệ niềm tin của giai cấp Nông dân với Đảng chính là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của các cơ quan báo chí trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác